Tóm tắt
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hànhPháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
Lần dự thảo:

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09 tháng 12 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủquy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

1. Sửa đổi, bổ sung điểm đ Khoản 6 Điều 14 như sau:

Phương án 1. Giữ nguyên quy định hiện hành

Phương án 2. Giao cho các Bộ, ngành, địa phương tổ chức phát động.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 5 Điều 21 như sau:

“a) Đại diện thân nhân người hy sinh làm đơn đề nghị theo Mẫu số 15 Phụ lục I Nghị định này kèm theo các giấy tờ quy định điểm d khoản 1 Điều này (nếu có) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

Trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự thực hiện theo quy định trên.”.

3. Sửa đổi bổ sung điểm d, Khoản 3, Điều 23 như sau:

“d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Người có công):

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ kèm theo danh sách dữ liệu điện tử (theo Mẫu số 83), có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp, lập danh sách kèm tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” có trách nhiệm in bằng và chuyển Văn phòng Chính phủ trình ký, đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công”

Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” do Văn phòng Chính phủ chuyển trả, có trách nhiệm gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đề nghị.”.

4. Sửa đổi bổ sung điểm đ, Khoản 2, Điều 24 như sau:

“đ) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Người có công):

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ kèm theo danh sách dữ liệu điện tử (theo Mẫu số 83), có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách kèm tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” có trách nhiệm in bằng và chuyển Văn phòng Chính phủ trình ký, đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” do Văn phòng Chính phủ chuyển trả, có trách nhiệm gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đề nghị.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 28 như sau:

“6. Người được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ xác định như sau:

a) Trường hợp liệt sĩ còn thân nhân thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được các thân nhân liệt sĩ ủy quyền bằng văn bản.

Trường hợp có thân nhân cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì không cần ủy quyền.

b) Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân hoặc chỉ còn một thân nhân duy nhất nhưng người đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người thuộc quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự được những người trong cùng hàng thừa kế ủy quyền. Trường hợp những người này không còn thì người thuộc quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự được những người trong cùng hàng thừa kế ủy quyền.

c) Người thờ cúng liệt sĩ không có điều kiện để tiếp tục thờ cúng hoặc từ chối nhận trợ cấp thờ cúng liệt sĩ thì thân nhân hoặc người thừa kế của liệt sĩ thực hiện thủ tục ủy quyền thờ cúng liệt sĩ theo quy định tại điểm a, điểm b Khoản này

d) Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân và người thừa kế theo quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự thì trợ cấp thờ cúng liệt sĩ được chi trả cho đại diện họ tộc liệt sĩ”.”.

6. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 40 như sau:

“4. Người có giấy chứng nhận bị thương ghi nhận bị thương nhiều lần nhưng chưa được khám giám định đầy đủ từng lần bị thương thì được khám giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể”.”.

7. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 41 như sau:

“a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 33 Phụ lục I Nghị định này kèm các giấy tờ quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ nêu trên có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ đang lưu tại sở, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục I Nghị định này gửi đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền theo quy định tại Điều 161 Nghị định này.

đ) Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp chưa ban hành biên bản phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm ban hành quyết định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 60 Phụ lục I Nghị định này.”.

8. Sửa đổi, bổ sung tên Điều 42 như sau:

Điều 42. Hồ sơ, thủ tục khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với trường hợp còn sót vết thương, còn sót mảnh kim khí, trường hợp đã được kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời, trường hợp bị thương nhiều lần hoặc khám giám định bổ sung vết thương và điều chỉnh chế độ.”.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 44 như sau:

Điều 44. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ đối với thương binh đồng thời là người nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động

1. Đối với người đang hưởng chế độ mất sức lao động

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 19 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đang thường trú.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đang quản lý để ban hành quyết định hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 62 Phụ lục I Nghị định này.

Trường hợp hồ sơ thương binh lưu ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không còn giấy tờ thể hiện tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, có văn bản đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ hưởng chế độ mất sức lao động; kiểm tra đối chiếu, nếu đủ căn cứ thì trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được bản sao hồ sơ, ban hành quyết định hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 62 Phụ lục I Nghị định này.

Trường hợp bản sao hồ sơ hưởng chế độ mất sức lao động không thể hiện rõ tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật thì Sở Lao động - Thương binh và có văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng trong quân đội) hoặc thủ trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an) cấp bản trích lục hồ sơ thương binh làm căn cứ để giải quyết chế độ.

c) Cơ quan Bảo hiểm xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm cung cấp bản sao hồ sơ hưởng chế độ mất sức lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Đối với người đang hưởng chế độ thương binh

Thủ tục, hồ sơ do cơ quan BHXH hướng dẫn.”.

10. Bổ sung Điều 52a vào sau Điều 52 Mục 7 Chương II như sau:

Điều 52a. Hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm trợ cấp bệnh binh đối với thương binh

1. Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 19 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi đang thường trú.

2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật từng thời kỳ để ban hành quyết định hưởng thêm trợ cấp ưu đãi bệnh binh theo Mẫu số 62 Phụ lục I Nghị định này đối với trường hợp đủ điều kiện.

3. Trợ cấp, phụ cấp đối với bệnh binh được xác định theo biên bản giám định bệnh tật lần đầu. Thời điểm hưởng thêm trợ cấp bệnh binh kể từ tháng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.”.

11. Sửa đổi điểm b, điểm c khoản 1 Điều 54 như sau:

“a) Sửa đổi điểm b như sau:

“b) Bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; lý lịch công an nhân dân; hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng; hồ sơ khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến; hồ sơ người có công được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2000.”.

b) Sửa đổi điểm c như sau:

“c) Bản sao được chứng thực từ giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận trước ngày 01 tháng 01 năm 2000.

Trường hợp danh sách, sổ quản lý quân nhân, sổ chi trả trợ cấp quân nhân đi B đang lưu tại cơ quan chức năng của địa phương chưa có xác nhận thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tập hợp, chốt số lượng người từng trang; ghi tổng số trang, tổng số người tại trang cuối cùng và ký xác nhận của 02 cơ quan Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Trường hợp các giấy tờ quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này chỉ thể hiện phiên hiệu, ký hiệu đơn vị thì kèm theo giáy xác nhận thông tin giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị theo Mẫu số 37 Phụ lục I Nghị định này.”.

12. Bổ sung Điều 64a vào sau Điều 64 Mục 9 Chương II như sau:

Điều 64a. Hồ sơ, thủ tục đề nghị tặng Kỷ niệm chương người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày

1. Hồ sơ

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Danh sách những người được đề nghị tặng Kỷ niệm chương theo Mẫu số … Phụ lục I Nghị định này.

2. Thủ tục:

a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (là cơ quan xét, quyết định, quản lý đối tượng hưởng chế độ ưu đãi) lập Tờ trình và danh sách những người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày đã được hưởng chế độ ưu đãi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (qua Ban/Phòng Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ tỉnh/thành phố).

b) Ban/Phòng Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian … ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này có trách nhiệm tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét, trình Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) xét, quyết định tặng “Kỷ niệm chương” cho người bị địch bắt tù, đày đã được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định.

c) Bộ Nội vụ trong thời gian … ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này có trách nhiệm xét, quyết định tặng “Kỷ niệm chương” và gửi về địa phương nơi đề nghị để gửi đến người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày”.”.

13. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 73 như sau:

 “1. Đại diện gia đình, họ tộc người mất tích có đơn gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với người mất tích thuộc quân đội) hoặc Công an cấp tỉnh (đối với người mất tích không thuộc quân đội) để được cấp phiếu xác minh.”.

14. Sửa đổi bổ sung Khoản 1 Điều 74 như sau:

“1. Đại diện gia đình, họ tộc người hy sinh hoặc mất tích có trách nhiệm gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người hy sinh thường trú ngay trước khi tham gia quân đội, công an các giấy tờ sau:

a) Đối với trường hợp hy sinh: Bản khai theo Mẫu số 13 Phụ lục I Nghị định này kèm theo một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 72 Nghị định này.

b) Đối với trường hợp mất tích: Bản khai theo Mẫu số 14 Phụ lục I Nghị định này kèm theo phiếu xác minh quy định tại khoản 3 Điều 72 Nghị định này.”.

15. Sửa đổi bổ sung điểm c Khoản 2 Điều 77 như sau:

“c) Trường hợp người bị thương trước khi nhập ngũ thường trú ở địa phương khác hoặc thoát ly tham gia công tác tại nông trường, xí nghiệp thì trong thời gian 03 ngày làm việc có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú trước khi nhập ngũ hoặc nơi đóng trụ sở của nông trường, xí nghiệp thực hiện các thủ tục quy định tại điểm a, điểm b khoản này”.

16. Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 3 Điều 81 như sau:

“b) Cấp giấy chứng nhận bị thương đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền.”.

17. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 84 như sau:

“1. Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k Khoản 1 Điều 3, Khoản 1, Khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ quy định tại Khoản 5 Điều 16 Pháp lệnh”.”.

18. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 và 4 Điều 86 như sau:

“3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách tổng hợp của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, căn cứ dự toán được giao và danh sách để phê duyệt danh sách người điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà và ban hành quyết định theo Mẫu số 68 Phụ lục I Nghị định này đảm bảo số lượng người điều dưỡng tập trung tối thiểu bằng chỉ tiêu đưa đối tượng đến điều dưỡng tập trung tại các cơ sở điều dưỡng mang tính chất vùng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với các trường hợp người có công quân đội, công an đang quản lý hồ sơ”.”.

19. Sửa đổi khoản 2 Điều 87 như sau:

“2. Điều dưỡng tập trung thực hiện như sau:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao chỉ tiêu đưa đối tượng đến điều dưỡng tập trung tại các cơ sở điều dưỡng mang tính chất vùng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý phù hợp với quy mô và điều kiện thực tế của các cơ sở điều dưỡng.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, kế hoạch của địa phương đưa đối tượng đến điều dưỡng tập trung tại các cơ sở điều dưỡng (bao gồm cả cơ sở điều dưỡng trực thuộc và cơ sở điều dưỡng mang tính chất vùng) quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể (một đợt từ 05 ngày đến 10 ngày không kể thời gian đi và về); tổ chức thực hiện hoặc phân cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện điều dưỡng tập trung.

c) Đối với trường hợp đối tượng không tiếp tục thực hiện điều dưỡng tập trung vì lý do khách quan thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thanh quyết toán cho cơ sở điều dưỡng tiền ăn, các khoản chi phí theo số ngày thực tế đối tượng điều dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, trừ các khoản chi tiền thuốc, quà tặng được thanh quyết toán như đối tượng đi cả đợt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thu hồi số kinh phí còn lại nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp đối tượng đã điều dưỡng dưới 30% thời gian một đợt điều dưỡng thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định hoặc phân cấp phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định đối tượng đi điều dưỡng vào đợt kế tiếp.

d) Kinh phí điều dưỡng được thực hiện như sau:

Trường hợp điều dưỡng tập trung tại cơ sở điều dưỡng trực thuộc: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ điều dưỡng tập trung, phân bổ và giao dự toán cho các cơ sở điều dưỡng trực thuộc theo số lượng đối tượng điều dưỡng tập trung và mức chi hiện hành.

Trường hợp điều dưỡng tại các cơ sở điều dưỡng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hoặc cơ sở điều dưỡng thuộc ngành khác: cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ dự toán được giao ban hành quyết định đặt hàng và thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước với các cơ sở điều dưỡng, rút dự toán để thanh toán theo giá trị hợp đồng cho các cơ sở điều dưỡng theo số lượng đối tượng điều dưỡng tập trung và mức chi hiện hành. Trường hợp giá trị nghiệm thu, quyết toán hợp đồng đặt hàng thấp hơn giá trị hợp đồng đặt hàng, các cơ sở điều dưỡng chuyển trả lại kinh phí để cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nộp ngân sách nhà nước theo quy định.”

20. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 88 như sau:

“1. Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh, khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh, khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng.”.

21. Sửa đổi, bổ sung Điểm a khoản 1 Điều 89 như sau:

“a) Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh, Khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh, thân nhân liệt sĩ quy định tại điểm a, b Khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được cấp xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc.”.

22. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 6 Điều 96 như sau:

“a) Không áp dụng chế độ ưu đãi đối với người học đã hưởng chế độ ưu đãi đủ thời gian theo quy định tại khoản 3 Điều này tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học có cùng trình độ đào tạohoặc trình độ đào tạo thấp hơn.”.

23. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 1 Điều 97 và bổ sung điểm d, điểm đ vào sau điểm c Khoản 1 Điều 97 như sau:

“a) Sửa đổi, bổ sung điểm a như sau:

“a) Cá nhân gửi đơn đề nghị theo Mẫu số 20 Phụ lục I Nghị định này kèm giấy xác nhận theo Mẫu số 41 Phụ lục I Nghị định này gửi đến cơ quan, đơn vị quản lý người có công vào đầu năm học đầu tiên của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hoặc đầu khóa học của giáo dục nghề nghiệp, đại học.”

b) Bổ sung điểm d, điểm đ như sau:

“d) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định tại điểm a, điểm b gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

đ) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo theo Mẫu số 70 Phụ lục I Nghị định này.”.

24. Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 1 và dòng thứ 3 điểm c Khoản 3 Điều 100 và gạch đầu dòng thứ 2 điểm d Khoản 3 Điều 100 như sau:

“a) Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 1 điểm c Khoản 3 như sau:

“- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%.”.

 b) Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 3 điểm c Khoản 3 như sau:

“- Người có công giúp đỡ cách mạng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 38 Pháp lệnh.”.

c) Sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 2 điểm d Khoản 3 như sau:

“- Người có công giúp đỡ cách mạng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Pháp lệnh.”.”.

25. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm c Khoản 3 Điều 105 và điểm b Khoản 4 Điều 105 như sau:

“a) Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 3 như sau:

“a)Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%.”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 3 như sau:

“c) Người có công giúp đỡ cách mạng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 38 Pháp lệnh.”.

c) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 4 như sau:

“b) Người có công giúp đỡ cách mạng theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Pháp lệnh.”.

26. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 119 và bổ sung khoản 5 Điều 119 như sau:

“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:

b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh, thời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi kể từ tháng liền kề sau tháng nhận được đơn:

Trường hợp người có công hoặc thân nhân xuất cảnh trái phép nay trở về nước thường trú thì phải có giấy tờ nhập cảnh.

Trường hợp người có công hoặc thân nhân mất tích nay trở về thì phải xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (bản giấy hoặc bản điện tử) quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 như sau:

a) Bỏ quy định giấy tờ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.

c) Bổ sung khoản 5 sau khoản 4 như sau:

5. Đối với trường hợp người có công hoặc thân nhân hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đi khỏi nơi cư trú nhưng không ủy quyền hưởng chế độ ưu đãi:

a) Người có công hoặc thân nhân làm đơn đề nghị hưởng lại chế độ ưu đãi theo Mẫu số 24 Phụ lục I Nghị định này gửi cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi;

b) Cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, ban hành quyết định thực hiện chế độ ưu đãi theo Mẫu số 73 Phụ lục I Nghị định này kể từ tháng người có công hoặc thân nhân chưa nhận chế độ ưu đãi.”.

27. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 125 và bổ sung Khoản 5 Điều 125 như sau:

“4. Trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

a) Đến ngày 01 tháng 01 năm 2013 mà cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đã đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2013; trường hợp chưa đủ tuổi thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ;

b) Con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi người có công chết;

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên không có thu nhập hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

5. Trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng trợ cấp hằng tháng theo mức bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

a) Tại thời điểm người có công chết mà cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đã đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi người có công chết; trường hợp chưa đủ tuổi thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ;

b) Con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi người có công chết;

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận;

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên không có thu nhập hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.”.

28. Sửa đổi bổ sung điểm b, Khoản 1, Điều 129 như sau:

“b) Cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công theo đề nghị của cơ quan, tổ chức để giải quyết vụ việc có liên quan.

Trường hợp hồ sơ thương binh, liệt sĩ được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ giấy tờ (do thất lạc) theo quy định tại từng thời điểm thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn đề nghị trích lục hồ sơ gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với trích lục hồ sơ thương binh); Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với trích lục hồ sơ liệt sĩ) làm căn cứ giải quyết chế độ.”.

29. Sửa đổi bổ sung điểm b, Khoản 1 và điểm c, Khoản 2, Điều 130 như sau:

“a) Sửa đổi bổ sung điểm b, Khoản 1như sau:

“b) Thân nhân liệt sĩ, thân nhân người có công, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, người đang hưởng chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đề nghị sửa đổi những thông tin đã ghi trong hồ sơ người có công: họ, tên, tên đệm; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; mối quan hệ để phù hợp với giấy tờ về hộ tịch.”.

b) Sửa đổi bổ sung điểm c, Khoản 2 như sau:

“c) Trường hợp không xác định được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin hoặc xác định được nhưng không còn lưu trữ giấy tờ thì cơ quan, đơn vị đang quản lý hồ sơ gốc chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung thông tin trong quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi để phù hợp với giấy tờ về hộ tịch.”.”.

30. Sửa đổi bổ sung điểm b, Khoản 1, Điều 131 như sau:

“b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra thông tin đề nghị di chuyển, lập phiếu báo di chuyển hồ sơ theo Mẫu số 93 Phụ lục I Nghị định này kèm hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi gửi bảo đảm qua đường bưu điện đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cá nhân thường trú.

Trường hợp thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thay đổi nơi thường trú mà vẫn còn thân nhân khác đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tại nơi đi thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp bản trích lục hồ sơ người có công kèm bản sao y quyết định hưởng trợ cấp tuất hằng tháng gửi đến nơi thường trú mới.

Trường hợp hồ sơ thương binh, bệnh binh trở về trước không đầy đủ giấy tờ (do thất lạc) theo quy định tại từng thời điểm thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 129 Nghị định này.”.

31. Sửa đổi Khoản 3, Điều 138 như sau:

“3. Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin:

a) Bằng phương pháp thực chứng đối với hài cốt liệt sĩ khi quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ; mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ đối với trường hợp còn chưa đầy đủ thông tin hoặc thông tin chưa chính xác.

b) Bằng phương pháp giám định ADN đối với hài cốt liệt sĩ khi quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ và mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ đối với trường hợp còn chưa đầy đủ hoặc chưa có thông tin.”.

32. Sửa đổi Khoản 2 và Khoản 3, Điều 143 như sau:

“2. Hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin thì đơn vị quy tập bàn giao hài cốt liệt sĩ và mẫu hài cốt liệt sĩ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quy tập hoặc nơi được giao đón nhận.

Trường hợp khi quy tập hài cốt liệt sĩ mà có di vật nhưng chưa có cơ sở kết luận danh tính hài cốt liệt sĩ thì đơn vị quy tập có trách nhiệm báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng để xác minh, kết luận.

3. Biên bản bàn giao thực hiện theo Mẫu số 81 hoặc Mẫu số 82 Phụ lục I Nghị định này kèm theo hồ sơ quy tập và thông tin có liên quan đến liệt sĩ và thân nhân (nếu có).”.

33. Sửa đổi Khoản 1, Điều 144 như sau:

“1. Cá nhân làm đơn kèm theo bản phô tô giấy báo tử hoặc Bằng Tổ quốc ghi công gửi một trong các cơ quan, đơn vị sau: Cơ quan, đơn vị cấp Sư đoàn và tương đương trở lên nơi quản lý liệt sĩ trước khi hy sinh (trường hợp các cơ quan, đơn vị nêu trên đã giải thể thì gửi cơ quan chính trị cấp trên); Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi quê quán của liệt sĩ hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi liệt sĩ hy sinh.”.

34. Sửa đổi Điều 145 như sau:

“Điều 145. Quy trình, thủ tục xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng

1. Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị theo Mẫu số 28 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ kèm bản sao các giấy tờ sau:

a) Giấy báo tử hoặc giấy báo tử trận hoặc giấy chứng nhận hy sinh và các giấy tờ có thông tin liên quan về nơi liệt sĩ hy sinh hoặc nơi an táng ban đầu của liệt sĩ.

b) Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục I Nghị định này (đối với trường hợp các giấy tờ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này không có thông tin liên quan về nơi hy sinh hoặc nơi an táng ban đầu của liệt sĩ)

c) Bằng “Tổ quốc ghi công”

d) Các giấy tờ thể hiện thông tin mới được phát hiện, bao gồm:

Thông tin về mộ liệt sĩ (chỉ ghi những thông tin mới vào dòng tương ứng):

họ và tên…..;

sinh ngày….. tháng…. năm …;

nguyên quán:…..(xã, huyện, tỉnh);

cấp bậc, chức vụ:….;

đơn vị:….;

hy sinh ngày… tháng… năm…

Thông tin về thân nhân của liệt sĩ gồm: họ và tên, mối quan hệ với liệt sĩ

2. Tổ chức, cá nhân có giấy đề nghị theo Mẫu số 29 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ kèm các giấy tờ sau:

a) Văn bản ủy quyền của đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

b) Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này”.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ có trách nhiệm:

a) Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm giấy tờ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên bia mộ liệt sĩ; ban hành quyết định xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Mẫu số 76 Phụ lục I Nghị định này gửi đến người hoặc đơn vị đề nghị; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, chưa đúng quy định, trong thời gian 03 ngày làm việc thực hiện thông báo cho người yêu đề nghị, trong đó nêu rõ lý do đối với các trường hợp hồ sơ không được tiếp nhận, các thành phần hồ sơ cần bổ sung để hoàn thiện theo quy định.

b) Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định quy định tại điểm a khoản này cập nhật dữ liệu thông tin trên bia mộ liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở dữ liệu về liệt sĩ); cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân liệt sĩ.

c) Thực hiện khắc lại bia mộ liệt sĩ.”.

35. Sửa đổi Khoản 1, Điều 146 như sau:

“1. Lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trong các trường hợp sau:

a) Hài cốt liệt sĩ được quy tập mà chưa xác định được danh tính.

b) Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin trong nghĩa trang liệt sĩ.

c) Mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin theo đề nghị của đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

d) Mộ liệt sĩ thiếu thông tin trong nghĩa trang liệt sĩ mà có từ hai gia đình liệt sĩ trở lên cùng nhận.”.

36. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 3, Điều 147 như sau:

“a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 1như sau:

“1. Đối với trường hợp đón nhận hài cốt liệt sĩ được quy tập mà chưa xác định được danh tính:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày có trách nhiệm:

Tiếp nhận hài cốt liệt sĩ và mẫu hài cốt liệt sĩ; lập biên bản do đơn vị quy tập bàn giao theo Mẫu số 81 Phụ lục I Nghị định này; kiểm tra tình trạng hài cốt, ghi ký hiệu mẫu theo quy định tại Phụ lục số VIII; cập nhật vị trí mộ an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; gửi văn bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Người có công) để chỉ định đơn vị tiếp nhận, giám định mẫu.

Hướng dẫn đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ (nếu có thông tin) lập hồ sơ đề nghị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ theo khoản 3 Điều này; Tiếp nhận, gửi mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ đề nghị giám định đến đơn vị giám định theo quy định tại điểm b khoản này.

b) Cục Người có công trong thời gian 01 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có văn bản gửi Sở để thông báo về đơn vị tiếp nhận, giám định mẫu.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 01 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Cục Người có công, có trách nhiệm gửi mẫu kèm biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 82 Phụ lục I Nghị định này tới đơn vị tiếp nhận, giám định mẫu và báo cáo Cục Người có công kèm các biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

Cập nhật dữ liệu thông tin trên bia mộ liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ.

Trường hợp gửi mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ thì kèm thông tin về ký hiệu mẫu của hài cốt liệt sĩ và sao toàn bộ giấy tờ quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.”.

b) Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 như sau:

“3. Đối với trường hợp quy định tại các điểm c, d Khoản 1 Điều 146 Nghị định này:

a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 30 Phụ lục I Nghị định này kèm theo bản sao được chứng thực từ: Giấy báo tử hoặc giấy báo tử trận hoặc giấy chứng nhận hy sinh; Bằng “Tổ quốc ghi công” và giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ.

Trường hợp tại giấy báo tử hoặc giấy báo tử trận hoặc giấy chứng nhận hy sinh có ghi rõ địa danh nơi hy sinh của liệt sĩ thì không phải cung cấp giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục I Nghị định này.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, có trách nhiệm kiểm tra thông tin về vị trí mộ, thông tin khắc trên bia mộ, tình trạng hài cốt (nếu có), thông tin quy tập (nếu có); nếu đủ căn cứ thì thực hiện như sau:

Chủ trì thực hiện việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ; Thực hiện thanh quyết toán kinh phí lấy mẫu hài cốt liệt sĩ theo quy định hiện hành.

Trường hợp một thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trên 10 mộ để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ thực hiện theo khoản 2, Điều này.

Thông báo và hướng dẫn thân nhân liệt sĩ gửi mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, chưa đúng quy định, trong thời gian 03 ngày làm việc thực hiện thông báo cho người đề nghị, trong đó nêu rõ lý do đối với các trường hợp hồ sơ không được tiếp nhận, các thành phần hồ sơ cần bổ sung để hoàn thiện theo quy định.

Gửi văn bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Người có công) để chỉ định đơn vị tiếp nhận, giám định mẫu hài cốt liệt sĩ, mẫu thân nhân liệt sĩ và cho mã số giám định.

Sau khi hoàn thành việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ và đơn vị giám định lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 82 Phụ lục I Nghị định này; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ gửi báo cáo về Cục Người có công kèm biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ.

Cập nhật dữ liệu thông tin lấy mầu hài cốt liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ.”.”.

37. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 148 như sau:

“3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ có trách nhiệm:

a) Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả giám định ADN do Cục Người có công gửi đến, chuyển thông báo kết quả giám định ADN đến đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

Trường hợp xác định được thông tin về liệt sĩ thì ban hành quyết định xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Mẫu số 76 Phụ lục I Nghị định này.

Cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân liệt sĩ; khắc lại thông tin trên bia mộ liệt sĩ đối với trường hợp xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ.

b) Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được mẫu hài cốt liệt sĩ đã giám định ADN do các đơn vị giám định bàn giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch, dự toán kinh phí hoàn mẫu hài cốt liệt sĩ vào từng vị trí mộ, trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Sau khi hoàn thành việc hoàn mẫu hài cốt liệt sĩ đã giám định vào từng vị trí mộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ gửi báo cáo về Cục Người có công kèm biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ.

c) Cập nhật dữ liệu thông tin liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ.”.

38. Sửa đổi, bổ sung Điều 149 như sau:

“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy điệu và lễ an táng hài cốt liệt sĩ tìm kiếm, quy tập được.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.”.

39. Sửa đổi Điều 154 như sau:

“Điều 154. Quy trình, thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ

1. Trường hợp hồ sơ liệt sĩ đã được sửa đổi, bổ sung thông tin theo quy định tại Điều 130 Nghị định này:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định điều chỉnh lại thông tin trong hồ sơ người có công, có trách nhiệm ban hành văn bản đề nghị đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ kèm bản sao y quyết định điều chỉnh lại thông tin trong hồ sơ người có công.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ có trách nhiệm:

Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về liệt sĩ; ban hành quyết định đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ theo Mẫu số 77 Phụ lục I Nghị định này; cập nhật dữ liệu thông tin trên bia mộ liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở dữ liệu về liệt sĩ); cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân liệt sĩ Mẫu số 3 Phụ lục I Nghị định này và thông báo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ; Khắc lại thông tin trên bia mộ liệt sĩ.

2. Trường hợp thông tin khắc trên bia mộ sai lệch so với thông tin trong hồ sơ liệt sĩ:

a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ gửi đơn đề nghị đính chính thông tin trên bia mộ theo mẫu số 105 Phụ lục I Nghị định này gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ kèm theo bản sao được chứng thực các giấy tờ sau: Giấy báo tin mộ liệt sĩ hoặc Giấy xác nhận phần mộ liệt sĩ.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ trong thời gian 03 ngày làm việc có trách nhiệm kiểm tra thông tin trong hồ sơ liệt sĩ; có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ kèm trích lục thông tin về liệt sĩ.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ thực hiện theo trách nhiệm được quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này.”.

40. Sửa đổi Khoản 2, Điều 155 như sau:

“2. Thân nhân liệt sĩ, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ hoặc người được người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ ủy quyền (tối đa 03 người) được hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ.”.

41. Sửa đổi Điều 156 như sau:

“Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ

Phương án 1: Như quy định hiện hành.

Phương án 2: Hỗ trợ theo định mức của 03 người.”.

42. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và điểm b, Khoản 2, Điều 157 như sau:

“a) Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 như sau:

“1. Điều kiện thăm viếng mộ liệt sĩ

a) Liệt sĩ có tên trong danh sách liệt sĩ của nghĩa trang liệt sĩ trong nước.

b) Liệt sĩ có thông tin địa danh nơi hy sinh trong nước căn cứ bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: Giấy báo tử; giấy báo tử trận; Giấy chứng nhận hy sinh; Bản trích lục hồ sơ liệt sĩ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc cấp; giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục I Nghị định này.

c) Giấy báo tin mộ liệt sĩ do Sở LĐTBXH cấp.”.

b) Sửa đổi điểm b, Khoản 2 như sau:

“b) Mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ;”.”.

43. Sửa đổi Khoản 3 và Khoản 5 Điều 158 như sau:

“a) Sửa đổi Khoản 3 như sau:

“3. Bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý mộ hoặc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh trong thời gian 01 ngày có trách nhiệm xác nhận vào giấy giới thiệu thăm viếng mộ liệt sĩ.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ giấy giới thiệu có trách nhiệm xác nhận vào giấy giới thiệu đối với trường hợp quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 157, Nghị định này.”.

b) Sửa đổi Khoản 5 như sau:

“5. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ thực hiện chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận giấy giới thiệu có xác nhận của Bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ hoặcỦy ban nhân dân cấp xã nơi thăm viếng mộ hoặc thuộc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh.”.”.

44. Sửa đổi, bổ sung Điều 159 như sau:

“a) Đại diện thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có nguyện vọng di chuyển hài cốt liệt sĩ gửi đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 32 Phụ lục I Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ kèm bản sao Giấy báo tin mộ liệt sĩ.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ ủy quyền di chuyển hài cốt liệt sĩ thì kèm theo văn bản ủy quyền.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ sau khi nhận được đơn và giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 43 Phụ lục I Nghị định này trong thời gian 03 ngày làm việc; lưu đơn đề nghị.

c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ:

Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được giấy giới thiệu, có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý mộ để lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ; lập phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 94 Phụ lục I Nghị định này kèm theo biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ và nơi quản lý mộ liệt sĩ.

Trường hợp hài cốt liệt sĩ không di chuyển về địa phương đang quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ thì đồng thời gửi Sở, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ.

Thực hiện sửa chữa lại vỏ mộ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 152 Nghị định này.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận biên bản bàn giao và giấy giới thiệu, có trách nhiệm:

Lập biên bản tiếp nhận hài cốt liệt sĩ; tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ; có văn bản báo cáo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ kèm giấy giới thiệu và biên bản tiếp nhận hài cốt liệt sĩ.

đ) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã kèm các giấy tờ, có trách nhiệm, Ban hành Quyết đinh:

- Chi hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn; tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ.

- Chi hỗ trợ tiền xây vỏ mộ liệt sĩ căn cứ vào nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ ngoài nghĩa trang liệt sĩ theo đơn đề nghị.

e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, có trách nhiệm:

- Cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ

- Cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ theo Mẫu số 103 Phụ lục I Nghị định này

- Có văn bản thông báo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ kèm bản sao hồ sơ di chuyển hài cốt liệt sĩ (đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ không di chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ).

g) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ có trách nhiệm lưu ghép hồ sơ di chuyển hài cốt liệt sĩ vào hồ sơ liệt sĩ.”.

45. Sửa đổi, bổ sung Điều 160 như sau:

“Điều 160. Hồ sơ, thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ do gia đình quản lývề an táng tại nghĩa trang liệt sĩ theo nguyện vọng của đại diện thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

1. Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ gửi đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ theo quy định tại Mẫu số 32 Phụ lục I Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ (Trường hợp thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ ủy quyền di chuyển hài cốt liệt sĩ thì kèm theo văn bản ủy quyền), kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau:

- Biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩđược cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình quản lý.

- Giấy báo tử hoặc giấy báo tử trận hoặc giấy chứng nhận hy sinh, Bằng Tổ quốc ghi công, Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mộ liệt sĩ đang an táng đối với mộ liệt sĩ do gia đình quản lý hoặc đang an táng tại Nghĩa trang nhân dân trước khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

- Giấy xác nhận của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện chi hỗ trợ một lần xây vỏ mộ liệt sĩ.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ thực hiện theo trách nhiệm được quy định tại khoản 2 và Khoản 7, Điều 159, nghị định này.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ hiện theo trách nhiệm được quy định tại Khoản 6, Điều 159, Nghị định này.

4. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi nơi đón nhận hài cốt liệt sĩthực hiện theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 và khoản 5, Điều 159, Nghị định này.”.

46. Sửa đổi khoản 9 Điều 170 như sau:

“9. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ:

a) Hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình ghi công liệt sĩ từ chi đầu tư phát triển, chi khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Hỗ trợ xây mới mộ liệt sĩ; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, xây dựng mới các hạng mục trong công trình ghi công liệt sĩ đã được đầu tư xây dựng từ kinh phí chi thường xuyên thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.”

47. Sửa đổi điểm h khoản 14 Điều 170 như sau:

“h) Hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công

Đầu tư xây dựng cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công và thân nhân do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý được bố trí từ vốn đầu tư công do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công và thân nhân do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý từ kinh phí chi thường xuyên thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.”

48. Sửa đổi Khoản 2 Điều 174 như sau:

“2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện sử dụng con dấu riêng để giao dịch; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã để giao dịch.”.

49. Sửa đổi điểm a Khoản 2, điểm a Khoản 3 và điểm a Khoản 4 Điều 177 như sau:

“a) Sửa đổi điểm a Khoản 2 như sau:

“a) Các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội do cấp huyện trực tiếp quản lý.”.

b) Sửa đổi điểm a Khoản 3 như sau:

“a) Các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội do cấp tỉnh trực tiếp quản lý.”

c) Sửa đổi điểm a Khoản 4 như sau:

“a) Các cơ quan của Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội.”.”.

50. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 5 Điều 181 như sau:

“1. Hỗ trợ người có công hoặc thân nhân của họ khi gia đình gặp khó khăn hoặc khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời.

5. Hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ.”.

51. Bổ sung điểm c Khoản 5 Điều 182 như sau:

“c) Hướng dẫn việc miễn, giảm tiền thuế, tiền sử dụng đất đối với người có công và hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.”.

52. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 184 như sau:

Dự kiến 02 phương án.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP; bãi bỏ một số quy định của Nghị định số Nghị định số 131/2021/NĐ-CP như sau:

“1. Sửa đổi, bổ sung Mẫu số 01, 02, 38, 51, 62 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP như sau:

a) Mẫu số 01. Bản khai để công nhận và giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Mẫu số 02. Bản khai để công nhận và giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Mẫu số 38. Giấy giới thiệu khám giám định y khoa;

d) Mẫu số 51. Quyết định về việc thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công;

đ) Mẫu số 62. Quyết định về việc hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi.

2. Bổ sung một số mẫu sau đây:

a) Mẫu số 105. Đơn đề nghị đính chính/bổ sung thông tin trên bia mộ liệt sĩ

b) …

3. Bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP như sau:

a) Bãi bỏ điểm b Khoản 1 Điều 26;

b) Bãi bỏ điểm c, điểm d Khoản 2 Điều 41;

c) Bãi bỏ điểm c Khoản 1 Điều 74.

d) Bãi bỏ khoản 3 Điều 184

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành…

 

 

 

 

 

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin