Đang lấy ý kiến của Bộ
Hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước
Ngày bắt đầu lấy ý kiến: 16/07/2024. Ngày hết hạn: 16/09/2024
Lĩnh vực văn bản: Bảo trợ xã hội
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội,

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

 1. Thông tư này hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014 (sau đây gọi chung là Luật Bảo hiểm y tế) và Điểm b Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Điều 5 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

 2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước.

Điều 2. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

1. Nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng

a) Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế.

b) Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ;

- Vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

- Con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

 - Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang được hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

 c) Người phục vụ người có công với cách mạng, bao gồm:

 - Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình;

 - Người phục vụ thương binh, bao gồm cả thương binh lọai B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

 d) Cựu chiến binh, gồm:

 - Cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 150/2006/NĐ-CP), được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 157/2016/NĐ-CP).

 - Cựu chiến binh tham gia kháng chiến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh và tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ, gồm:

 + Quân nhân, công nhân viên quốc phòng đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây gọi tắt là Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

 + Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chuyên ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (không được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

 + Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu hoặc chuyển ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

 + Dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

 đ) Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, gồm:

 - Người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được hưởng trợ cấp theo một trong các văn bản sau: Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

 - Người được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc;

 - Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được hưởng chế độ theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương;

 - Thanh niên xung phong được hưởng chế độ theo Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975;

 - Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế.

 e) Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

 g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.

 h) Trẻ em dưới 6 tuổi.

 i) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác, cụ thể:

 - Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 07/2021/NĐ-CP) và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn;

 - Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

 - Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

 - Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 k) Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

2. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng

a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.

b) Người thuộc hộ nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều này.

c) Học sinh, sinh viên đang theo học tại các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

d) Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ có mức sống trung bình áp dụng cho từng giai đoạn.

e) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 Điều 3. Nguyên tắc lập danh sách

 1. Người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì lập danh sách đối tượng theo mức hưởng bảo hiểm y tế cao nhất khi có đủ giấy tờ căn cứ theo quy định nhóm đối tượng tại Điều 2 Thông tư này.

 2. Việc lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý phải căn cứ vào giấy tờ, hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp, đối với đối tượng hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình lập danh sách dựa trên Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

 3. Danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế phải tuân theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

 4. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhưng mã ký tự thể hiện mức hưởng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế chưa theo đối tượng có mức hưởng cao nhất thì được chuyển đổi theo mức hưởng cao nhất khi có một trong các giấy tờ quy định tại các khoản Điều 5 Thông tư này.

 

Điều 4. Thẩm quyền lập danh sách

1. Đối tượng đang sinh sống tại cộng đồng do Ủy ban nhân cấp xã, phường, thị trấn lập danh sách (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã).

2. Đối tượng đang được nuôi dưỡng thường xuyên trong Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công với cách mạng, Cơ sở trợ giúp xã hội (sau đây gọi là Cơ sở nuôi dưỡng) do Cơ sở nuôi dưỡng lập.

3. Học sinh, sinh viên đang theo học tại Cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý do Cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập danh sách.

 Điều 5. Giấy tờ làm căn cứ xác định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

 1. Người có công với cách mạng.

Căn cứ vào Quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc Quyết định giải quyết chế độ của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 2. Thân nhân người có công với cách mạng, vợ (hoặc chồng) liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác, người phục vụ người có công với cách mạng.

Căn cứ vào Quyết định giải quyết chế độ của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trường hợp không có quyết định thì căn cứ vào danh sách chi trả chế độ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng.

Trường hợp thân nhân người có công với cách mạng không hưởng trợ cấp hàng tháng thì căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: Giấy xác nhận thân nhân người có công, giấy xác nhận là người phục vụ người có công, Giấy chứng nhận gia đình hoặc thân nhân liệt sĩ đối với trường hợp thân nhân liệt sĩ.

 3. Người tham gia kháng chiến và bảo vệ tổ quốc.

Căn cứ vào Quyết định hưởng chế độ trợ cấp của cơ quan có thẩm quyền hoặc hoặc một trong các giấy tờ sau: Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến, Huy chương Chiến thắng.

 4. Cựu chiến binh:

 a) Cựu chiến binh phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành căn cứ một trong các giấy tờ sau đây:

- Quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành;

- Lý lịch cán bộ hoặc bản Tóm tắt lý lịch cán bộ (Trích yếu 63) đối với sĩ quan;

- Lý lịch quân nhân;

- Lý lịch công nhân viên quốc phòng;

- Thẻ quân nhân;

- Phiếu quân nhân;

- Lý lịch đảng viên được lập từ trước ngày cựu chiến binh phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành;

- Quyết định hưởng trợ cấp theo quy định tại một trong các văn bản sau đây:

+ Nghị định số 500-NĐ/LB ngày 12 tháng 11 năm 1958 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Cứu tế Xã hội quy định thể lệ trợ cấp dài hạn cho những quân nhân tình nguyện được phục viên vì ốm yếu mà không có khả năng lao động;

+ Nghị định số 111-NĐ ngày 22 tháng 6 năm 1957 của Bộ Quốc phòng quy định cụ thể những khoản trợ cấp cho quân nhân phục viên;

+ Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31 tháng 12 năm 1960 trở về trước;

+ Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước;

+ Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ;

+ Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;

+ Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ;

+ Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

b) Cựu chiến binh nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng: căn cứ Quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc Quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

c) Trường hợp cựu chiến binh bị mất hồ sơ, giấy tờ:

- Cựu chiến binh bị mất hồ sơ, giấy tờ thể hiện là cựu chiến binh nhưng có một trong các giấy tờ sau đây:

+ Quyết định nhập ngũ;

+ Quyết định tuyển dụng;

+ Quyết định phong thăng quân hàm, nâng lương;

+ Quyết định điều động công tác, bổ nhiệm chức vụ; giao nhiệm vụ;

+ Giấy tờ khen thưởng thành tích trong kháng chiến, khen thưởng trong chiến đấu;

+ Văn bản xác nhận là cựu chiến binh của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh (Áp dụng với đối tượng có giấy tờ, tài liệu được lập trước ngày 29 tháng 12 năm 2006 trong đó có nội dung chứng minh là cựu chiến binh).

- Cựu chiến binh nhập ngũ sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 có thời gian trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu nhưng bị mất hồ sơ, giấy tờ thể hiện là cựu chiến binh: Giấy xác nhận quá trình công tác của đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do Thủ trưởng đơn vị nơi đối tượng đã công tác cấp theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2012 của liên tịch Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc làm căn cứ xác nhận cựu chiến binh;

- Cựu chiến binh nhập ngũ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có thời gian trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu và có hồ sơ, giấy tờ không thể hiện rõ thời gian, đơn vị, địa bàn trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì được lấy kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị từ phần mềm giải mã của Bộ Quốc phòng hoặc kết qua tra cứu Danh mục địa bàn, thời gian đơn vị trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2084/QĐ-BTTM ngày 09/11/2012 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) và Danh mục bổ sung địa bàn, thời gian đơn vị trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1377/QĐ-BTTM ngày 06/8/2014 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), do Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Thủ trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc chính quyền xã, phường, thôn, bản, khu phố nơi cựu chiến binh cư trú ký xác nhận hoặc giấy xác nhận địa bàn thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế của cơ quan, đơn vị cũ do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên ký xác nhận.

5. Người thuộc diện hưởng trợ cấp trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

a) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng: căn cứ vào Quyết định trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện);

b) Người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng không hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng: căn cứ vào bản sao giấy xác nhận khuyết tật.

6. Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Căn cứ vào Quyết định hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của cơ quan có thẩm quyền.

7. Trẻ em dưới 6 tuổi.

Người làm công tác Lao động - Thương binh -Xã hội cấp xã hoặc người được phân công có trách nhiệm rà soát, thống nhất danh sách đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi tham gia bảo hiểm y tế với công chức Tư pháp -hộ tịch cấp xã để thực hiện việc theo dõi và quản lý nhóm đối tượng này;

Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của liên Bộ Tư pháp, Công an, Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

8. Người thuộc hộ gia đình nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Căn cứ vào danh sách được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận hằng năm và rà soát hằng tháng.

9. Người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng trong Cơ sở nuôi dưỡng. Căn cứ vào danh sách nuôi dưỡng có xác nhận của Cơ sở nuôi dưỡng.

10. Đối với học sinh, sinh viên đang theo học tại Cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quản lý.

Căn cứ vào danh sách học sinh, sinh viên đang học có xác nhận của Cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

11. Đối với người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

Căn cứ vào Quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 6. Trình tự lập danh sách

1. Đối với đối tượng đang sinh sống tại cộng đồng:

a) Người làm công tác Lao động -Thương binh và Xã hội cấp xã hoặc người được phân công căn cứ vào Điều 5 của Thông tư này để rà soát, thống kê và lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, kèm theo dữ liệu điện tử); phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện xác thực danh tính và nơi cư trú của đối tượng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thông qua số định danh cá nhân (nếu dưới 15 tuổi) hoặc căn cước công dân (nếu trên 15 tuổi) để hoàn thiện dữ liệu quản lý và trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt danh sách. 

Trường hợp đối tượng thiếu số định danh cá nhân hoặc thiếu số căn cước công dân hoặc không xác thực được danh tính và nơi cư trú thì hướng dẫn đối tượng liên hệ với cơ quan Công an cấp xã để cập nhật bổ sung và hoàn thiện thông tin quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi danh sách đã được phê duyệt (kèm theo dữ liệu điện tử) cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội) và cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện;

c) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách, trường hợp đúng đối tượng, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận, chuyển danh sách (kèm theo dữ liệu điện tử) cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện.

Trường hợp phát hiện sai đối tượng hoặc thông tin của đối tượng không đầy đủ, thì Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã lập lại danh sách.

d) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận danh sách, dữ liệu do Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội chuyển đến, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng.

đ) Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện chuyển danh sách kèm theo thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng cho Ủy ban nhân dân cấp xã để bàn giao cho đối tượng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện phải gửi danh sách đối tượng đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế (kèm theo dữ liệu điện tử) cho Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện để theo dõi, quản lý.

2. Đối với đối tượng đang được nuôi dưỡng thường xuyên trong cơ sở trợ giúp xã hội:

a) Cơ sở trợ giúp xã hội lập danh sách theo mẫu quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (kèm theo dữ liệu điện tử) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện.

b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện kiểm tra và thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng.

c) Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện chuyển danh sách và thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng (kèm theo dữ liệu điện tử) cho Cơ sở trợ giúp xã hội.

3. Đối với học sinh, sinh viên đang theo học tại Cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quản lý.

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập danh sách theo mẫu quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (kèm theo dữ liệu điện tử) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện.

b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện kiểm tra và thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng.

c) Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện chuyển danh sách và thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng (kèm theo dữ liệu điện tử) cho Cơ sở giáo dục nghề nghiệp để bàn giao cho đối tượng.

Điều 7. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ lập, quản lý danh sách

1. Cơ quan có thẩm quyền lập danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 6 Thông tư này thực hiện việc lập danh sách, gửi và quản lý dữ liệu điện tử đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bằng việc sử dụng các phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, phần mềm bảo hiểm y tế điện tử hoặc phần mềm khác tích hợp với dữ liệu bảo hiểm y tế điện tử và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

2. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện gửi dữ liệu đề nghị giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này cho Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội cấp huyện, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để theo dõi, quản lý.

3. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ lập, quản lý danh sách thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 37 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các cấp

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện Thông tư này; bảo đảm xác định đúng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và kiểm tra việc thực hiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện: chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động cấp huyện rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; định kỳ báo cáo hằng năm về cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả cấp thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn.

c) Ủy ban nhân dân cấp xã: lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này; định kỳ hàng tháng rà soát tăng, giảm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để gửi cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện.

2. Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại cơ sở nuôi dưỡng theo quy định tại Thông tư này; định kỳ hằng tháng rà soát tăng, giảm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để gửi cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện.

3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam: chỉ đạo triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội; chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày …tháng….năm 2024.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 30/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

3. Người tham giam bảo hiểm y tế vào viện điều trị trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Thông tư có hiệu lực thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và quy định tại Điều 14 Nghị định số146/2018/NĐ-CP.

4. Các giấy tờ, hồ sơ quy định bởi các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này mà bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì được áp dụng thực hiện theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kiểm tra liên ngành và tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho những người triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư này.

6. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin