Hết hạn lấy ý kiến
Về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030
Ngày hết hạn: 25/06/2021
Lĩnh vực văn bản: Khác
Loại văn bản: Nghị quyết
Tóm tắt
Điều 1
Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về kết quả, hạn chế, nguyên nhân trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Kết quả giảm nghèo đã giúp cho hàng triệu hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả và nhiều địa phương thoát khỏi tình trạng khó khăn, xây dựng vùng nông thôn trù phú; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; một số cơ chế, chính sách chưa phát huy được nội lực của người dân.
Lần dự thảo:

NGHỊ QUYẾT

Về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030

QUỐC HỘI
 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội s 57/2014/QH13;

Sau khi xem xét Tờ trình số       /TTr-CP ngày      tháng     năm 2021 của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về kết quả, hạn chế, nguyên nhân trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Kết quả giảm nghèo đã giúp cho hàng triệu hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả và nhiều địa phương thoát khỏi tình trạng khó khăn, xây dựng vùng nông thôn trù phú; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; một số cơ chế, chính sách chưa phát huy được nội lực của người dân.

Điều 2

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030, Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1 - 1,5% hằng năm, hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo. Đến năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo cùng cực trên phạm vi cả nước.  

2. Hoàn thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều có tính đến đặc thù vùng, miền, dễ đo lường, người dân tự xác định được tình trạng nghèo của hộ gia đình; áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

3. Tiếp tục xây dựng và ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, giảm bất bình đẳng về thu nhập và mức sống. Thực hiện đồng bộ, lồng ghép nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo.

4. Đổi mới chính sách giảm nghèo, tập trung phát triển chính sách hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ cho không; hỗ trợ người nghèo nâng cao năng lực sản xuất, có việc làm, thu nhập tốt, vượt lên mức sống tối thiểu và giải quyết hiệu quả các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; xây dựng chính sách trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu, chú trọng chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và chuyển đổi số trong lĩnh vực giảm nghèo. Thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người nghèo.

5. Phát triển hệ thống y tế công bằng, mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế để tăng cơ hội tiếp cận cho người nghèo; thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở địa bàn khó khăn; phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, xóa bỏ các điểm trường.

6. Xây dựng chương trình, cơ chế giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người nghèo, bảo đảm chất lượng nhà ở và diện tích nhà ở bình quân đầu người theo quy định; bố trí hợp lý khu dân cư và hỗ trợ phát triển nhà ở cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa thực hiện Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường.

7. Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi theo hướng mở rộng đối tượng, hình thức cho vay, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; gắn các hoạt động cho vay với các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

8. Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng khó khăn với vùng phát triển, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn khó khăn, giảm nghèo gắn với quốc phòng - an ninh. Giải quyết cơ bản đất ở, đất sản xuất, giao rừng, cho thuê rừng và quyền sử dụng đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tiếp tục giải quyết tình trạng di dân không theo quy hoạch; xem xét cân đối, điều chỉnh đất của các nông, lâm trường sử dụng không hiệu quả để giao cho hộ nghèo, hộ cận thiếu đất sản xuất.

9. Kiện toàn hệ thống, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước lĩnh vực giảm nghèo theo hướng tập trung, thống nhất. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 3

1. Chính phủ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách; phân bổ nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm nghèo. Tiến hành sơ kết, báo cáo Quốc hội năm 2025; tổng kết, báo cáo Quốc hội năm 2030.

2. Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng và ban hành chính sách, phân bổ nguồn lực và giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương.

3. Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, xây dựng giải pháp, mô hình phù hợp với địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở và cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát, làm nòng cốt vận động sự tham gia của tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, cá nhân trong việc thực hiện công tác giảm nghèo.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ    thông qua ngày      tháng     năm 2021.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin