Tóm tắt
Thông tư này hướng dẫn việc tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, báo cáo kết quả tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trực tuyến; trách nhiệm của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về tự kiểm tra của doanh nghiệp

 

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về tự kiểm tra của doanh nghiệp.

 

CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, báo cáo kết quả tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trực tuyến; trách nhiệm của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động.

 

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động (sau đây gọi là tự kiểm tra) là hoạt động tự thu thập, phân tích, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động của người sử dụng lao động tại nơi sản xuất, kinh doanh.

2. Trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn (sau đây gọi là trang thông tin điện tử) là địa chỉ truy cập trên môi trường mạng để liên kết, tích hợp, đăng tải các kênh thông tin, tài liệu, các ứng dụng và dịch vụ trong lĩnh vực lao động để người lao động, người sử dụng lao động khai thác, sử dụng.

3. Báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến là việc người sử dụng lao động báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trên trang thông tin điện tử.

4. Tài khoản báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến là tài khoản do người sử dụng lao động đăng ký để đăng nhập vào trang thông tin điện tử nhằm thực hiện báo cáo kết quả tự kiểm tra, khai thác và sử dụng các thông tin, tài liệu, ứng dụng trong lĩnh vực lao động.

5. Phiếu tự kiểm tra là phiếu ghi nội dung kết quả tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại doanh nghiệp.

CHƯƠNG II: QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: Tự kiểm tra và báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến

Điều 4. Hoạt động tự kiểm tra

1. Người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất 01 lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.

2. Thời gian tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.

3. Thời kỳ tự kiểm tra: từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.

Điều 5. Nội dung tự kiểm tra

1. Nội dung tự kiểm tra pháp luật lao động bao gồm:

a) Việc thực hiện báo cáo định kỳ;

b) Việc tuyển dụng và đào tạo lao động;

c) Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động;

          d). Việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể;

          e). Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi;

g). Việc trả lương cho người lao động ;

h). Việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động;

i). Việc thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, lao động là người nước ngoài.

k). Việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động; xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất.

l). Việc tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia.

m). Việc giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động

n). Nội dung khác mà người sử dụng lao động thấy cần thiết.

2. Nội dung tự kiểm tra cụ thể được thiết kế thành phiếu tự kiểm tra theo từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đăng trên trang thông tin điện tử. Căn cứ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, người sử dụng lao động lựa chọn 01 hoặc nhiều phiếu phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra.

Điều 6. Trình tự tiến hành tự kiểm tra

Căn cứ thời gian và kế hoạch tự kiểm tra đã xác định, người sử sụng lao động thành lập đoàn tự kiểm tra, đồng thời đăng ký tài khoản trên trang thông tin điện tử để lấy phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra.

Thành phần đoàn tự kiểm tra gồm: đại diện người sử dụng lao động làm trưởng đoàn; thành viên đoàn là cán bộ lao động, tiền lương, cán bộ an toàn, vệ sinh lao động; đại diện tập thể người lao động và thành phần khác có liên quan do người sử dụng lao động tự quyết định.

Đoàn tự kiểm tra tiến hành đối chiếu với các quy định pháp luật lao động hiện hành tương ứng theo từng nội dung tự kiểm tra để phân tích, so sánh và kết luận doanh nghiệp có tuân thủ pháp luật lao động hay không và đưa ra biện pháp khắc phục nội dung không tuân thủ (nếu có). Kết luận tự kiểm tra theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo thông tư này và có bản điện tử đăng trên trang thông tin điện tử, được cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi của pháp luật lao động.

Đối với những nội dung cần phải đến hiện trường sản xuất, kinh doanh, nơi làm việc của người lao động thì đoàn đến để xem xét, kiểm tra, cần thiết có giải pháp khắc phục ngay những vi phạm (nếu có).                                    

Điều 7. Báo cáo kết quả tự kiểm tra

          1. Người sử dụng lao động phối hợp với đại điện người lao động tại cơ sở thực hiện báo cáo tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động. Niên độ báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động. Nếu trong thời gian báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động mà người sử dụng lao động chưa tổ chức tự kiểm tra thì tiến hành tự kiểm tra ngay và báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến theo quy định tại Thông tư này.

2. Cơ sở sử dụng lao động, bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện có trụ sở tại địa phương, đơn vị đến thi công tại địa phương phải báo cáo tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến với cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi chi nhánh văn phòng đại diện, đơn vị thi công đang hoạt động.

3. Báo cáo phải được lưu giữ trong hồ sơ quản lý doanh nghiệp để làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính sách, giải pháp nhằm nâng cao tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp.

Mục 2: Trách nhiệm của người sử dụng lao động, đại diện người lao động và cơ quan Thanh tra  nhà nước về lao động

Điều 8. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động quy định tại Thông tư này. Khi có yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động, người sử dụng lao động đăng ký tài khoản và báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến trên trang thông tin điện tử.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác trong báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến; đảm bảo đúng thời hạn báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

3. Phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở để thực hiện các khuyến nghị, phản hồi của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động theo nội dung báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến; giải trình khi có yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể lao động

Phối hợp với người sử dụng lao động tham gia đoàn tự kiểm tra thực hiện pháp luật tại doanh nghiệp, báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến, thực hiện các kiến nghị và giám sát thực hiện các kiến nghị của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động theo nội dung báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến.

Điều 10. Trách nhiệm của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Quản lý trang thông tin điện tử; hàng năm nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cấp trang thông tin điện tử và cập nhật những thay đổi của pháp luật lao động nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng.

2. Phân cấp quản lý và hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Định hướng đối tượng báo cáo tự kiểm tra hàng năm phù hợp với định hướng công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến trong toàn quốc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

5. Căn cứ kết quả tự kiểm tra kịp thời tham mưu cho Bộ trưởng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động; đề xuất kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật và kế hoạch tăng cường tuân thủ pháp luật lao động của Bộ và định hướng cho các địa phương về công tác thanh tra lao động hàng năm.

Điều 11. Trách nhiệm của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tài khoản báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến và báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến.

2. Phân tích, đánh giá kết quả tự kiểm tra trực tuyến và gửi kiến nghị đến doanh nghiệp đồng thời đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật lao động qua báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến hoặc không chấp hành việc báo cáo kết tự kiểm tra trực tuyến.

4. Tổng hợp tình hình tự kiểm tra tại các cơ sở lao động đóng trên địa bàn gửi Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 15 tháng 10 hằng năm.

5. Căn cứ kết quả tự kiểm tra kịp thời tham mưu cho Giám đốc sở thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động tại địa phương; đề xuất kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật và kế hoạch tăng cường tuân thủ pháp luật lao động tại địa phương hàng năm.

 

 CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 12. Nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho công tác tự kiểm tra

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về nguồn lực và kinh phí cho Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về nguồn lực và kinh phí cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về nguồn lực và kinh phí để tổ chức, thực hiện công tác tự kiểm tra và báo cáo theo quy định tại Thông tư này.

Điều 13. Biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định tại Thông tư này

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành công tác tự kiểm tra và báo cáo theo quy định tại Thông tư này là cơ sở để cơ quan thanh tra nhà nước về lao động tiến hành thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm sau, đồng thời là tình tiết tăng nặng để quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Khen thưởng

1. Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tặng Giấy khen cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chấp hành tốt công tác tự kiểm tra và báo cáo theo quy định tại Thông tư này.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tặng Bằng khen cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chấp hành tốt quy định của pháp luật lao động theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 15.  Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm 2018.

2. Quyết định số 02/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 16 tháng 02 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy chế sử dụng phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động hết hiệu lực khi Thông tư này có hiệu lực.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp và xử lý./.

 

Không có thông tin

  Hồng Minh Nhựt

 29/06/2018
Tại Điều 8 Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
việc đăng ký Tài khoản báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến quy định rõ là trách nhệm của người sử dụng lao động, nên bỏ cụm từ "Khi có yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động". để tránh việc người sử dụng lao động né tránh trách nhiệm đăng ký tài khoản.

  Thanh tra Sở Lao động - TB & XH tỉnh Bình Phước

 27/06/2018
góp ý dự thảo Hướng dẫn Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về tự kiểm tra của doanh nghiệp, cụ thể:
- Bổ sung khoản 2 điều 4. Hằng năm, trước ngày 30 tháng 5 phải hoàn thiện báo cáo tự kiểm tra gửi nội dung thông tin lên trang thông tin điện tử trực tuyến tự kiểm tra.
Không có thông tin