Hết hạn lấy ý kiến
Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của Cơ sở cai nghiện ma túy
Ngày hết hạn: 15/07/2018
Lĩnh vực văn bản: Phòng chống tệ nạn xã hội
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ sở cai nghiện ma túy công lập, gồm:
a) Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc;
b) Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện;
c) Cơ sở xã hội;
d) Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (gồm: khu cai nghiện bắt buộc; khu cai nghiện tự nguyện; khu quản lý học viên không nơi cư trú ổn định và khu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế).
Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, Cơ sở xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng quy định tại thông tư này (gọi chung là Cơ sở cai nghiện ma túy).
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của Cơ sở cai nghiện ma túy

 

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại công văn số:……./BNV-TCBC ngày      tháng     năm 2018;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của Cơ sở cai nghiện ma túy.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ sở cai nghiện ma túy công lập, gồm:

a) Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc;

b) Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện;

c) Cơ sở xã hội;

d) Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (gồm: khu cai nghiện bắt buộc; khu cai nghiện tự nguyện; khu quản lý học viên không nơi cư trú ổn định và khu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế).

Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, Cơ sở xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng quy định tại thông tư này (gọi chung là Cơ sở cai nghiện ma túy).

Điều 2. Vị trí pháp lý

Cơ sở cai nghiện ma túy là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Chức năng

Cơ sở cai nghiện ma túy có một hoặc nhiều chức năng sau: cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Điều 4. Nhiệm vụ

1. Tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, tổ chức điều trị, phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy.

2. Thực hiện việc cắt cơn, giải độc, khám sức khỏe định kỳ, tổ  chức các hoạt động nâng cao thể lực, điều trị các rối loạn về thể chất, tâm thần và các bệnh đồng diễn cho người nghiện ma túy theo quy trình được cơ quan có thẩm quyền quy định; quản lý, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; tổ chức điêu trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

3. Tổ chức các hoạt động trị liệu tâm lý hành vi, tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; triển khai các phương pháp trị liệu tâm lý hành vi theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 

4. Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây các bệnh truyền và phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở cai nghiện ma túy.

5. Tổ chức dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, nâng cao trình độ học vấn; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa, xã hội cho học viên, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi đảm bảo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng;

6. Tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động theo quy định của pháp luật; hướng nghiệp và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp hỗ trợ về vốn, tạo việc làm, tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng;

7. Hướng dẫn, tư vấn cho gia đình người nghiện ma túy về điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng.

8. Tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường tại cơ sở cai nghiện ma túy và địa bàn nơi trú đóng của cơ sở cai nghiện ma túy; lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường với các chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy.

9. Tổ chức quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở cai nghiện ma túy.

10. Nghiên cứu áp dụng các mô hình cai nghiện ma túy; bài thuốc và phương pháp cai nghiện; giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

11. Phát triển các điểm vệ tinh thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy, quản lý người sau thời gian cai nghiện tại cơ sở hội nhập cộng đồng.

12. Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về điều trị cho các Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; tuyên truyền, vận động người sử dụng, nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị thích hợp; hỗ trợ tổ chức điều trị, cai nghiện tại cộng đồng.

13. Tổ chức liên doanh, liên kết với các cơ sở cai nghiện ma túy và với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, hỗ trợ cho học viên cai nghiện lao động trị liệu có sản phẩm cải thiện đời sống.

14. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

15. Quản lý tài chính, tài sản của Cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

16. Hợp tác Quốc tế thuộc lĩnh vực được giao.

17. Báo cáo tình hình hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất.

18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý cấp trên giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo cơ sở cai nghiện ma túy, gồm: Giám đốc và các Phó giám đốc.

2. Cơ cấu tổ chức

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý Cơ sở cai nghiện ma túy công lập căn cứ chức năng nhiệm vụ, số lượng học viên và số lượng công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở để quy định cơ cấu tổ chức các phòng, ban, khu, đội phù hợp với tính chất, đặc thù của lĩnh vực cai nghiện ma túy. Cơ cấu tổ chức của Cơ sở cai nghiện ma túy được xác định theo nhóm công việc cơ bản sau:

a) Điều trị, cai nghiện - Phục hồi sức khoẻ;

b) Trị liệu, tâm lý - Hành vi

c) Dạy nghề - Hoà nhập cộng đồng;

d) Tổ chức - Hành chính - Kế toán;

đ) Quản lý học viên;

Các phòng, khu, đội tổ có tên gọi khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng phương án tổ chức cụ thể về số lượng và tên gọi các phòng, ban thuộc cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 6. Khung vị trí việc làm

1. Nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ quản lý, điều hành

a) Giám đốc;

b) Phó Giám đốc;

c) Trưởng phòng;

d) Phó Trưởng phòng;

đ) Trưởng khu;

e) Phó trưởng khu;

g) Đội trưởng;

h) Phó Đội trưởng.

2. Nhóm vị trí việc làm điều trị, phục hồi sức khỏe, trị liệu tâm lý

a) Y tế;

b) Tâm lý;

c) Công tác xã hội;

d) Dạy nghề, dạy văn hóa;

đ) Quản học viên.

3. Nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ

a) Kế toán;

b) Hành chính - Tổng hợp;

c) Quản trị;

d) Thủ quỹ;

đ) Văn thư;

e) Lái xe;

g) Bảo vệ.

4. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quản lý Cơ sở cai nghiện ma túy công lập quyết định vị trí việc làm, ghép vị trí việc làm hặc bổ sung danh mục vị trí việc làm mới theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

5. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm Cơ sở cai nghiện ma túy công lập xây dựng kế hoạch điều chỉnh số lượng người làm việc theo khối lượng công việc, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Định mức số lượng người làm việc

1. Giám đốc: 01 người

2. Phó Giám đốc: không quá 03 người

3. Mỗi phòng nghiệp vụ gồm Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các nhân viên. Số lượng nhân viên của mỗi phòng nghiệp vụ được xác định theo vị trí công tác và khối lượng công việc thực tế phải đảm nhiệm.

Trong trường hợp Phòng được chia thành các Đội, mỗi Đội gồm Đội trưởng, không quá 02 Phó Đội trưởng và nhân viên.

4. Căn cứ vào nhiệm vụ và nhu cầu về quản lý, định mức số lượng người làm việc của Cơ sở cai nghiện ma túy được xác định theo đặc điểm, quy mô và số lượng học viên quản lý như sau:

a) Cơ sở cai nghiện ma túy có dưới 100 học viên, định mức được xác định tối thiều 20 biên chế;

b) Cơ sở cai nghiện ma túy có từ 100 học viên đến dưới 500 học viên, định mức được xác định 1 biên chế quản lý 5 - 6 học viên;

c) Cơ sở cai nghiện ma túy có từ 500 học viên trở lên, định mức được xác định 1 biên chế quản lý tối đa không quá 8 học viên.

5. Đối với Cơ sở cai nghiện ma túy có thêm chức năng điều trị ngoại trú nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế điều trị cho 50 bệnh nhân trở lên, thì được xác định thêm 05 biên chế làm việc toàn bộ thời gian để khám và điều trị, quản lý và cấp pháp thuốc, Tư vấn, Xét nghiệm.

6. Đối với Cơ sở cai nghiện ma túy có điểm vệ tinh thì được xác định thêm 02 biên chế để tư vấn, trực tiếp khám và điều trị.

7. Căn cứ vào tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế về kinh phí, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí việc làm và từng thời điểm, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, các chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng được thực hiện như cán bộ trong biên chế. Việc ký kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

8. Số cán bộ làm công tác quản lý quy định tại khoản 1, 2 điều này không tính trong định mức người làm việc quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, Điều 7 Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày       tháng     năm 2018.

2. Bãi bỏ Thông tư Liên tịch số 21/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 08 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biện chế của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; Thông tư số 28/2010/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 16/9/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm của cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Căn cứ vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc của Cơ sở cai nghiện ma túy quy định tại Thông tư này, chỉ đạo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch biên chế sự nghiệp ở địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Kinh phí để thực hiện định mức biên chế quy định tại Thông tư này theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và khả năng ngân sách của địa phương.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin