Đang lấy ý kiến của Bộ
Hướng dẫn thực hành công tác xã hội
Ngày bắt đầu lấy ý kiến: 02/12/2024. Ngày hết hạn: 02/02/2025
Lĩnh vực văn bản: Bảo trợ xã hội
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
Thông tư hướng dẫn thực công tác xã hội.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hành công tác xã hội

 

 
   

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 

Căn cứ Nghị định số 110/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ quy định về công tác xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực công tác xã hội.  

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về nội dung, tổ chức việc thực hành công tác xã hội đối với người đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội; xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hành và kiểm tra kết quả thực hành công tác xã hội.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hành để cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.

Điều 2. Nguyên tắc thực hành

1. Người thực hành được thực hiện các hoạt động chuyên môn phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, chăm sóc, phục hồi hỗ trợ phát triển, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng dưới sự giám sát của người hướng dẫn thực hành (Người hướng dẫn thực hành đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP).

2. Thực hiện tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác theo quy định của pháp luật) có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành.

3. Người thực hành phải tuyệt đối tuân thủ sự phân công, hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành và tôn trọng quyền, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Người thực hành phải bảo đảm hoàn thành đầy đủ nội dung thực hành và bảo đảm đủ thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Trường hợp viên chức hoặc người lao động được cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội tuyển dụng vào làm công tác chuyên môn tại cơ sở mà chưa có giấy đăng ký hành nghề công tác xã hội, thì người đã được tuyển dụng cũng phải thực hành với cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội đó và được phân công người hướng dẫn thực hành theo quy định tại Thông tư này.

4. Việc phân công người hướng dẫn thực hành phải bảo đảm phù hợp về chuyên môn, năng lực của người hướng dẫn thực hành.

 

Chương II

NỘI DUNG THỰC HÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

 

Điều 3. Xây dựng, ban hành nội dung thực hành

Dựa trên khung nội dung quy định tại Thông tư này, cơ sở hướng dẫn thực hành xây dựng, ban hành nội dung thực hành chi tiết phù hợp với năng lực và điều kiện của từng cơ sở nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này.

Điều 4. Thời gian, nội dung thực hành công tác xã hội

1. Thời gian thực hành tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội  

a) Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng;

b) Thời gian thực hành đối với trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng;

c) Thời gian thực hành đối với trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng.

2. Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về công tác xã hội, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề công tác xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề công tác xã hội.

 

Chương III

TỔ CHỨC VIỆC THỰC HÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

 

Điều 5. Xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hành

1. Hằng năm, dựa trên nhu cầu của người cần được hướng dẫn thực hành, khả năng tiếp nhận người thực hành, cơ sở hướng dẫn thực hành phải xây dựng Kế hoạch hướng dẫn thực hành.

2. Kế hoạch hướng dẫn thực hành bao gồm số lượng người thực hành mà cơ sở có thể tiếp nhận trong năm; số lượng và danh sách người hướng dẫn thực hành; hợp đồng hợp tác hướng dẫn thực hành (nếu có);

3. Cơ sở hướng dẫn thực hành gửi Kế hoạch hướng dẫn thực hành hằng năm đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 31/01 theo phân cấp quản lý để tổng hợp, theo dõi và quản lý hoạt động hướng dẫn thực hành. Đồng thời, cơ sở hướng dẫn thực hành phải đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ sở đó.

4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp Kế hoạch hướng dẫn thực hành của các cơ sở hướng dẫn thực hành thuộc thẩm quyền quản lý, đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 6. Tiếp nhận người thực hành

1. Người thực hành nộp giấy đề nghị thực hành theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP.

2. Cơ sở hướng dẫn thực hành phải tiếp nhận người thực hành theo Kế hoạch hướng dẫn thực hành đã công bố công khai. Trường hợp không tiếp nhận thì phải có văn bản phản hồi cho người thực hành biết và nêu rõ lý do.

Điều 7. Phân công người hướng dẫn thực hành

1. Người đứng đầu cơ sở hướng dẫn thực hành phải phân công người hướng dẫn thực hành cho người thực hành theo quy định khoản 2 Điều 36 Nghị định  số 110/2024/NĐ-CP.

2. Trường hợp có nhiều người hướng dẫn thực hành cho một người thực hành thì phải phân công rõ phạm vi hướng dẫn và thời gian hướng dẫn thực hành cụ thể của từng người hướng dẫn.

Điều 8. Theo dõi, quản lý, đánh giá quá trình thực hành và xác nhận quá trình thực hành

1. Cơ sở hướng dẫn thực hành phải phân công đơn vị chức năng theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động hướng dẫn thực hành của cơ sở mình.

2. Người trực tiếp hướng dẫn thực hành đánh giá, nhận xét quá trình thực hành của người thực hành theo từng nội dung quy định trong Mẫu Phiếu đánh giá, nhận xét quá trình thực hành ban hành kèm theo Thông tư này. Việc đánh giá, nhận xét phải được thực hiện ngay sau khi người thực hành hoàn thành từng nội dung thực hành. Người hướng dẫn thực hành hướng dẫn nội dung nào thì phải nhận xét theo nội dung đó.

3. Căn cứ Phiếu đánh giá, nhận xét quá trình thực hành, người đứng đầu đơn vị, cơ sở cấp Giấy xác nhận quá trình thực hành cho người thực hành theo Mẫu 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 110/2024/NĐ-CP.

Điều 9. Chi phí hướng dẫn thực hành

1. Các cơ sở hướng dẫn thực hành tự xác định chi phí thực hành theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí để hướng dẫn thực hành trên cơ sở lấy thu bù chi; việc hạch toán, thu chi, thanh quyết toán phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cơ sở thực hành phải công bố công khai chi phí hướng dẫn thực hành trên Trang thông tin điện tử của cơ sở hướng dẫn thực hành.

 

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

 

Điều 10. Trách nhiệm của người thực hành

1. Tuân thủ nội quy, quy chế của cơ sở hướng dẫn thực hành.

2. Tuân thủ quy định, quy chế chuyên môn của cơ sở thực hành và tuân theo sự hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành.

3. Bảo đảm an toàn cho đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong quá trình thực hành, giữ bí mật thông tin của đối tượng, cơ sở thực hành trong quá trình thực hành.

4. Người thực hành không được tự ý thực hiện các hoạt động chuyên môn cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng khi chưa được người hướng dẫn thực hành cho phép.

Điều 11. Trách nhiệm của người hướng dẫn thực hành

1. Tuân thủ sự phân công hướng dẫn thực hành của người đứng đầu cơ sở hướng dẫn thực hành.

2. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn hoặc có lý do chính đáng khác, người hướng dẫn thực hành được từ chối hướng dẫn thực hành và phải báo cáo người đứng đầu cơ sở hướng dẫn thực hành.

3. Bảo đảm an toàn cho đối tượng trong quá trình hướng dẫn thực hành. Chịu trách nhiệm trong trường hợp người thực hành gây sai sót chuyên môn trong quá trình thực hành, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi của đối tượng do lỗi của người hướng dẫn thực hành.

4. Theo dõi, đánh giá và nhận xét về kết quả thực hành của người thực hành theo nội dung đã được phân công và chịu trách nhiệm về nội dung nhận xét của mình.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ sở hướng dẫn thực hành

1. Xây dựng nội dung hướng dẫn thực hành của cơ sở, xây dựng Kế hoạch hướng dẫn thực hành.

2. Tổ chức hoạt động hướng dẫn thực hành theo nội dung hướng dẫn thực hành và Kế hoạch hướng dẫn thực hành của cơ sở.

3. Cơ sở hướng dẫn thực hành cấp Giấy xác nhận quá trình thực hành cho người đã hoàn thành thời gian thực hành trên cơ sở nhận xét của người hướng dẫn thực hành quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

4. Báo cáo hằng năm về hoạt động hướng dẫn thực hành của cơ sở hướng dẫn thực hành:

a) Cơ sở hướng dẫn thực hành trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ sở hướng dẫn thực hành là cơ sở tư nhân gửi báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cơ sở hướng dẫn thực hành đóng trụ sở chính.

b) Cơ sở hướng dẫn thực hành thuộc bộ, ngành khác báo cáo về tình hình hướng dẫn thực hành về Bộ, ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực và báo cáo gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày     tháng     năm 2024.

Điều 14. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Cục Bảo trợ xã hội chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Thông tư này. Cục Bảo trợ xã hội, các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác hướng dẫn thực hành thuộc lĩnh vực phụ trách.

2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các Bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trong phạm vi phụ trách.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo về Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Bảo trợ xã hội) để xem xét giải quyết./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin