Hết hạn lấy ý kiến
Tóm tắt
Thông tư quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, điều kiện đảm bảo hoạt động, cấp, quản lý, sử dụng thẻ thanh tra đối với thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của công chức thanh tra chuyên ngành, thẩm quyền quyết định phân công công chức thanh tra chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với công chức thanh tra chuyên ngành, trang phục, thẻ công chức thanh tra chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Thẻ) và điều kiện đảm bảo hoạt động của công chức thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Việc quản lý thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và sử dụng người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; các cơ quan thanh tra, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức có công chức, viên chức được cơ quan thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trưng tập tham gia Đoàn thanh tra.

Chương II

THANH TRA VIÊN NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Điều 3. Thanh tra viên

1. Thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là công chức của cơ quan thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thanh tra gồm: thanh tra viên của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi là Thanh tra Bộ), thanh tra viên của Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là Thanh tra Tổng cục) và thanh tra viên của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi là Thanh tra Sở).

2. Tiêu chuẩn của thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 Luật Thanh tra.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên

Thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 Luật Thanh tra.

Điều 5. Bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành

1. Trường Đại học Lao động - Xã hội chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ và các cơ quan có liên quan biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội và các cơ quan có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Công chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành được cấp chứng chỉ theo quy định.

3. Kinh phí tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm.

4. Kinh phí cho công chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó chi trả.

Điều 6. Điều kiện đảm bảo hoạt động đối với thanh tra viên

1. Thanh tra viên được trang bị thiết bị và phương tiện làm việc tại cơ quan theo quy định của pháp luật. Khi đi công tác, thanh tra viên được trang bị các phương tiện làm việc và thiết bị sau để phục vụ hoạt động thanh tra:

a) Máy tính xách tay, máy in;

b) Thiết bị chụp ảnh, ghi âm, ghi hình;

c) Các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng;

d) Các thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của thanh tra.

2. Ngoài những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nêu tại Khoản 1 Điều này, khi tiến hành thanh tra và trong trường hợp cần thiết, cơ quan thanh tra được sử dụng phương tiện, kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật.

3. Thanh tra viên được giao nhiệm vụ thanh tra đột xuất vào ban đêm hoặc ngoài giờ hành chính được hưởng chế độ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

4. Kinh phí thực hiện các nội dung quy định tại Điều này được đảm bảo từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn kinh phí được trích từ xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra, kiểm tra, các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Cấp, quản lý, sử dụng thẻ thanh tra

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Thẻ cho Thanh tra viên của Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục.

2. Mã số thẻ

Mỗi Thanh tra viên được cấp một mã số thẻ, Mã số thẻ gồm:

a) Nhóm ký tự đầu:

+ A09 là mã số của Thanh tra Bộ;

+ A09-TCGDNN là mã số của Thanh tra Tổng cục

b) Số thứ tự Thanh tra viên có 04 chữ số, bắt đầu từ 0001

Ví dụ: A09-TCGDNN - 0001, trong đó: A09-TCGDNN là mã số của Thanh tra Tổng cục; 0001 là số thứ tự của thanh tra viên được cấp thẻ.

3. Việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ thanh tra; mẫu Thẻ thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Thông tư số 05/2024/TT-TTCP ngày 26/4/2024 của Thanh tra Chính phủ quy định về mẫu thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng thẻ thanh tra

Chương III

CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Điều 8. Công chức thanh tra chuyên ngành

1. Công chức thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là công chức thuộc biên chế của Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục An toàn lao động được phân công nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quyết định của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động.

2. Số lượng công chức thanh tra chuyên ngành do Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động quyết định theo yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm và trong tổng số biên chế công chức của từng cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao.

Điều 9. Tiêu chuẩn của công chức thanh tra chuyên ngành

1. Về năng lực

a) Am hiểu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào hoạt động thanh tra chuyên ngành.

b) Nắm vững các quy định về chuyên môn, quy tắc quản lý liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị nơi công tác.

c) Có kiến thức về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

d) Có khả năng phân tích, tổng hợp.

2. Về trình độ, thâm niên công tác

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ thanh tra được phân công thực hiện.

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành.

c) Có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành và có ít nhất 01 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, không kể thời gian tập sự.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức thanh tra chuyên ngành

Công chức thanh tra chuyên ngành là trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 81 Luật Thanh tra. Công chức thanh tra chuyên ngành là thành viên đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật chuyên ngành.

Điều 11. Thẩm quyền quyết định phân công công chức thanh tra chuyên ngành

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động quyết định phân công công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Điều 12. Trình tự, thủ tục phân công công chức thanh tra chuyên ngành

Công chức thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này được Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động xem xét, lựa chọn phân công công chức thanh tra chuyên ngành theo trình tự thủ tục sau:

1. Bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ lập hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động quyết định phân công công chức thanh tra chuyên ngành.

2. Hồ sơ trình bao gồm:

a) Tờ trình;

b) Danh sách công chức được lựa chọn xem xét để phân công là công chức thanh tra chuyên ngành;

c) Bằng tốt nghiệp đại học trở lên (bản sao);

d) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành (bản sao);

đ) Quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức (bản sao);

e) Sơ yếu lý lịch đối với công chức theo quy định của Bộ Nội vụ có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý công chức.

3. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động căn cứ tờ trình và hồ sơ nêu trên để ban hành quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Điều 13. Bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với công chức thanh tra chuyên ngành

1. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với công chức thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động có trách nhiệm cử công chức thanh tra chuyên ngành tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra

Điều 14. Điều kiện đảm bảo hoạt động đối với công chức thanh tra chuyên ngành

1. Công chức thanh tra chuyên ngành được trang bị thiết bị và phương tiện làm việc theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Công chức thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục như đối với thanh tra viên của Thanh tra Bộ. Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sử dụng cầu vai, cấp hàm như Trưởng phòng, Phó trưởng phòng của Thanh tra Bộ.

3. Kinh phí thực hiện các nội dung quy định tại Điều này được đảm bảo từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, nguồn kinh phí được trích từ xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra, kiểm tra, các khoản thu hồi được phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Thẩm quyền cấp, thời hạn, mã số Thẻ

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Thẻ cho công chức thanh tra chuyên ngành.

2. Thời hạn sử dụng Thẻ là 05 năm kể từ ngày cấp.

3. Mã số Thẻ:

Mỗi công chức thanh tra chuyên ngành được cấp một mã số thẻ, Mã số thẻ gồm:

a) Nhóm ký tự đầu:

+ A09-QLLĐNN là mã số của Cục Quản lý lao động ngoài nước;

+ A09-ATLĐ là mã số của Cục An toàn lao động.

b) Số thứ tự công chức thanh tra chuyên ngành có 04 chữ số, bắt đầu từ 0001.

Ví dụ: A09-ATLĐ-0001, trong đó: A09-ATLĐ là mã số của Cục An toàn lao động; 0001 là số thứ tự của công chức thanh tra chuyên ngành thuộc Cục An toàn lao động được cấp thẻ.

Điều 16. Mẫu Thẻ

1. Thẻ hình chữ nhật, rộng 60 mm, dài 90 mm. Nội dung trên Thẻ thanh tra được trình bày theo phông chữ của bộ mã ký tự chữ tiếng Việt (phông chữ Việt Unicode) theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.

2. Thẻ gồm 2 mặt:

a) Mặt trước (Hình 1 ban hành kèm theo Thông tư này) nền màu đỏ, chữ in hoa màu vàng, gồm 02 dòng:

- Dòng trên ghi Quốc hiệu, kiểu chữ đậm, cỡ chữ 10;

- Dòng dưới ghi “THẺ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI”, kiểu chữ đậm, cỡ chữ 16;

- Giữa hai dòng là Quốc huy, đường kính 24 mm.

b) Mặt sau (Hình 2 ban hành kèm theo Thông tư này): Nền có hoa văn màu hồng tươi tạo thành các tia sáng lan tỏa từ tâm ra xung quanh; ở giữa có biểu tượng ngành Thanh tra, in bóng mờ, đường kính 20 mm; góc trên bên trái in biểu tượng ngành Thanh tra đường kính 14 mm; từ góc trên bên trái (cách 10 mm) đến góc dưới bên phải là gạch chéo màu đỏ rộng 06 mm.

Nội dung trên mặt sau có các thông tin:

- Quốc hiệu: chữ in hoa đậm, cỡ chữ 8;

- Tiêu ngữ: chữ in thường đậm, cỡ chữ 8, gạch chân;

- Thẻ thanh tra chuyên ngành: chữ in hoa đậm, màu đỏ, cỡ chữ 12;

- Số Thẻ: ghi mã số thẻ công chức thanh tra chuyên ngành, chữ in thường, đậm, cỡ chữ 10;

- Họ và tên: ghi tên công chức thanh tra chuyên ngành được cấp thẻ, chữ in thường, đậm, cỡ chữ 10;

- Ngạch: ghi ngạch công chức thanh tra chuyên ngành được cấp thẻ, chữ thường, đậm, cỡ chữ 10;

- Cơ quan: ghi tên cơ quan làm việc của người được cấp thẻ, chữ thường, đậm, cỡ chữ 10;

- Ngày, tháng. năm cấp Thẻ: chữ in nghiên, cỡ chữ 10;

- Chức danh người có thẩm quyền ký cấp Thẻ: chữ in hoa, đậm, cỡ chữ 8;

- Chữ ký và họ tên của người có thẩm quyền ký cấp Thẻ;

- Dấu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thẻ (đường kính 21mm);

- Ảnh chân dung của người được cấp thẻ, khổ 20 mm x 30 mm, ở vị trí phía dưới bên trái thẻ, được đóng ¼ dấu nổi ở góc phải phía dưới ảnh;

- Hạn sử dụng, chữ in thường, cỡ chữ 10; dòng dưới ghi ngày/tháng/năm hết hạn bằng số in thường, đậm, cỡ chữ 10.

Điều 17. Việc cấp mới, cấp lại, đổi, thu hồi Thẻ

1. Các hình thức cấp Thẻ

a) Cấp mới: khi công chức thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động có quyết định phân công là công chức thanh tra chuyên ngành. 

b) Cấp lại: trong trường hợp Thẻ bị mất, hỏng do nguyên nhân khách quan; không được cấp lại trong trường hợp công chức thanh tra chuyên ngành bị thu hồi thẻ do vi phạm các quy định của pháp luật.

c) Cấp đổi: trong trường hợp Thẻ hết hạn sử dụng, thay đổi mã số thẻ, thay đổi tên cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc khi có quy định mới về mẫu thẻ.

d) Thu hồi: khi công chức từ trần, nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác, buộc thôi việc, không còn được phân công là công chức thanh tra chuyên ngành, bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật hoặc bị tạm giam để phục vụ điều tra, xét xử.

2. Trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, cấp đổi Thẻ

a) Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ:

- Lập danh sách công chức được phân công là công chức thanh tra chuyên ngành đề nghị Bộ trưởng (qua Thanh tra Bộ) cấp mới, cấp lại, cấp đổi Thẻ;

- Lập hồ sơ đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

b) Thanh tra Bộ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ do các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi Thẻ trình Bộ trưởng trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

3. Hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi Thẻ

a) Hồ sơ cấp mới Thẻ gồm:

- Danh sách công chức thanh tra chuyên ngành đề nghị cấp thẻ (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (mỗi công chức 01 bản chính) của Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp;

- Công văn đề nghị của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;(theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Ảnh công chức đề nghị được cấp thẻ (02 ảnh cỡ 20 mm x 30 mm) có ghi rõ họ tên, đơn vị công tác phía sau ảnh và trên phong bì đựng ảnh.

b) Hồ sơ cấp đổi Thẻ:

- Danh sách công chức thanh tra chuyên ngành đề nghị đổi thẻ (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Công văn đề nghị của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;(theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Ảnh công chức đề nghị đổi thẻ (02 ảnh cỡ 20 mm x 30 mm);

 - Kèm theo thẻ được cấp lần trước để cắt góc hủy.

c) Hồ sơ cấp lại Thẻ:

- Đơn đề nghị cấp lại thẻ của công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, trong đó báo cáo, giải trình rõ lý do mất, hỏng thẻ và đề nghị cấp lại thẻ;

- Công văn đề nghị của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

- Ảnh công chức đề nghị cấp lại Thẻ (02 ảnh cỡ 20 mm x 30 mm).

Điều 18. Trách nhiệm trong việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ

1. Thanh tra Bộ có trách nhiệm

a) Giúp Bộ trưởng quản lý phôi Thẻ, hồ sơ cấp Thẻ; mở sổ theo dõi việc cấp mới, cấp lại, đổi Thẻ; thực hiện thủ tục trình Bộ trưởng cấp Thẻ theo quy định tại Thông tư này.

b) Tiếp nhận Thẻ bị đổi, Thẻ bị thu hồi, cắt góc và lưu vào hồ sơ cấp Thẻ.

c) Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cấp, phát, quản lý, sử dụng, thu hồi Thẻ và hướng dẫn xử lý các phát sinh (nếu có).

2. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động có trách nhiệm

a) Tiếp nhận thẻ, trực tiếp phát thẻ và giám sát quá trình sử dụng thẻ của công chức thanh tra chuyên ngành thuộc đơn vị quản lý.

b) Thu hồi, nộp về Bộ (qua Thanh tra Bộ) khi thẻ của công chức thanh tra chuyên ngành bị thu hồi theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 17 Thông tư này.

c) Đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi Thẻ theo quy định tại  khoản 2,3 Điều 17 Thông tư này.

3. Công chức thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm

a) Bảo quản, sử dụng Thẻ đúng quy định; xuất trình Thẻ khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

b) Không sử dụng Thẻ khi không thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.

c) Báo cáo với thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và làm đơn xin cấp lại Thẻ.

d) Nộp lại Thẻ trong các trường hợp quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 17 Thông tư này.

Điều 19. Kinh phí cấp trang phục, Thẻ và chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành

1. Kinh phí may trang phục do cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức thanh tra chuyên ngành chi trả từ nguồn ngân sách được giao.

2. Kinh phí cấp Thẻ được bố trí trong nguồn ngân sách hàng năm giao cho Thanh tra Bộ.

3. Chế độ bồi dưỡng của công chức thanh tra chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do cơ quan, đơn vị ra quyết định thanh tra chi trả theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ.

4. Hàng năm, các đơn vị dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và được giao cùng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm, bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương IV

NGƯỜI ĐƯỢC TRƯNG TẬP THAM GIA ĐOÀN THANH TRA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Điều 20. Tiêu chuẩn người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra

1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.

2. Am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của cơ quan trưng tập.

3. Có khả năng phân tích, tổng hợp và viết báo cáo.

4. Có ít nhất 02 năm công tác trong lĩnh vực được trưng tập.

Điều 21. Thẩm quyền trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra

1. Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có quyền trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra.

2. Trước khi trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý công chức, viên chức được trưng tập.

3. Sau khi thống nhất với cơ quan quản lý công chức, viên chức được trưng tập, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có văn bản trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra. Nội dung văn bản phải ghi rõ căn cứ, thời gian trưng tập, nhiệm vụ và chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra và trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí cho chuyến đi công tác của mỗi cơ quan, đơn vị.

4. Kết thúc thời gian trưng tập, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục và Chánh Thanh tra Sở có văn bản nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra gửi Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý công chức, viên chức được trưng tập.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra

Người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 23. Chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra

1. Trong thời gian Chính phủ  chưa quy định chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra theo Luật Thanh tra ngày 14/11/2022, chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thực hiện theo quy định tại Thông tư này:

a) Cơ quan trực tiếp quản lý trả lương, phụ cấp cho người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra (nếu có).

b) Tiền chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác và các chi phí khác của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thực hiện theo văn bản trưng tập.

c) Cơ quan trưng tập bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác cho người được trưng tập như thành viên Đoàn thanh tra.

2. Kể từ thời điểm Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra theo Luật Thanh tra ngày 14/11/2022 thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 24. Kinh phí trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra

Cơ quan trưng tập có thể sử dụng kinh phí từ các chương trình, dự án và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để chi trả cho người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra.

Chương V

QUẢN LÝ THANH TRA VIÊN, CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Điều 25. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước

1. Tổ chức, thực hiện hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chế độ, chính sách và đảm bảo các điều kiện hoạt động cho thanh tra viên thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp.

2. Phân công, giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của thanh tra viên.

3. Đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng đối với thanh tra viên

4. Đánh giá thanh tra viên thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

5. Quản lý, kiểm tra việc sử dụng trang phục, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ thanh tra viên.

6. Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật thanh tra viên theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật thanh tra viên theo quy định.

7. Thống kê và báo cáo tình hình thanh tra viên thuộc phạm vi quản lý trực tiếp cho cơ quan quản lý thanh tra viên cấp trên.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thanh tra viên theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của công chức thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật thanh tra.

2. Đảm bảo điều kiện hoạt động, các chế độ và chính sách đối với công chức thanh tra chuyên ngành theo quy định.

3. Cử công chức thanh tra chuyên ngành tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định.

4. Đánh giá công thức thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý trực tiếp theo quy định.

5. Quản lý, kiểm tra việc sử dụng trang phục, Thẻ thuộc phạm vi quản lý trực tiếp.

6. Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật công chức thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định.

7. Thống kê và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của công chức thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý trực tiếp theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra

1. Sử dụng người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trưng tập.

2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra trong thời gian trưng tập.

3. Nhận xét, đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra khi kết thúc trưng tập.

4. Đảm bảo các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra trong thời gian trưng tập.

5. Khen thưởng hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan có công chức, viên chức được trưng tập

1. Cử, bố trí công chức, viên chức được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra theo công văn trưng tập của cơ quan thanh tra.

2. Phối hợp với Thủ trưởng cơ quan thanh tra kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Sử dụng ý kiến nhận xét của cơ quan trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra trong việc đánh giá, bình xét thi đua - khen thưởng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với công chức, viên chức được trưng tập.

Điều 29. Khen thưởng

Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cơ quan thanh tra khen thưởng theo quy định.

Điều 30. Xử lý vi phạm

Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày   tháng   năm 20 .

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các Thông tư sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 14/2015/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Thông tư số 16/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 32. Quy định chuyển tiếp

Thẻ công chức thanh tra chuyên ngành được cấp cho công chức thanh tra chuyên ngành theo quy định của Thông tư số 14/2015/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vàThông tư số 16/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội  thì công chức thanh tra chuyên ngành được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Sau thời hạn nêu trên, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thành tra chuyên ngành có trách nhiệm thu hồi gửi về Thanh tra Bộ.

Điều 33. Trách nhiệm thi hành

Chánh Thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh thanh tra Sở và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Thanh tra Bộ) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin