Đang lấy ý kiến của Bộ
Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Ngày bắt đầu lấy ý kiến: 07/08/2024. Ngày hết hạn: 07/10/2024
Lĩnh vực văn bản: Trẻ em
Loại văn bản: Quyết định
Tóm tắt
Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Lần dự thảo:

QUYẾT ĐỊNH

Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

2. Quyết định này áp dụng đối với các xã, phường, thị trấn trong phạm vi cả nước, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Điều 2. Tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

1. Tiêu chí 1: Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em.

2. Tiêu chí 2: Trẻ em được đăng ký khai sinh đúng quy định.

3. Tiêu chí 3: Trẻ em bị xâm hại.

4. Tiêu chí 4: Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy.

5. Tiêu chí 5: Trẻ em bị tai nạn, thương tích.

6. Tiêu chí 6: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.

7. Tiêu chí 7: Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

8. Tiêu chí 8: Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi.

9. Tiêu chí 9: Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ.

10. Tiêu chí 10: Trẻ em đến trường, lớp mầm non.

11. Tiêu chí 11: Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

12. Tiêu chí 12: Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em.

13. Tiêu chí 13: Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em.

Điều 3. Cách tính thang điểm đối với từng tiêu chí

Tiêu chí

Cách tính và thang điểm

Số điểm

tối đa

Tiêu chí 1: Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em

1. Có bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã: 50 điểm

2. Có bố trí cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố): 15 điểm

3. Có ban bảo vệ trẻ em hoặc nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện tốt chế độ giao ban, đánh giá định kỳ hằng tháng, quý, năm: 15 điểm

4. Có kinh phí (ngân sách nhà nước và vận động xã hội) chăm lo cho trẻ em tại địa phương: 20 điểm

100

Tiêu chí 2: Trẻ em được đăng ký khai sinh đúng quy định

Tỷ lệ trẻ em được khai sinh đúng quy định

1. Từ 98% trở lên: 50 điểm

2. Từ 90% đến dưới 98%: 40 điểm

3. Từ 80% đến dưới 90%: 30 điểm

4. Dưới 80%: 20 điểm

50

Tiêu chí 3: Trẻ em bị xâm hại

Tỷ suất trẻ em bị xâm hại (là số trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức mà người xâm hại trẻ em bị xử lý hành chính hoặc hình sự trên 1.000 trẻ em):

1. Trên địa bàn xã, phường, thị trấn xảy ra vụ án xâm hại tình dục trẻ em hoặc bạo lực trẻ em đến mức người xâm hại trẻ em bị xử lý hình sự: 0 điểm

2. Trên địa bàn xã, phường, thị trấn không xảy ra vụ án và không có trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc trẻ em bị bạo lực đến mức người xâm hại trẻ em bị xử lý hình sự và tỷ suất trẻ em bị xâm hại trong kỳ đánh giá:

a) Dưới 3/1.000: 125 điểm

b) Từ 3 đến dưới 5/1.000: 100 điểm

c) Từ 5 đến dưới 7/1.000: 75 điểm

d) Từ 7 đến dưới 10/1.000: 50 điểm

   đ) Từ 10/1.000 trở lên: 30 điểm

125

Tiêu chí 4: Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy

Tỷ suất trẻ em vi phạm pháp luật (là số trẻ em vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đang bị áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình và trẻ em nghiện ma túy đang áp dụng biện pháp cai nghiện, điều trị nghiện tại cơ sở cai nghiện, gia đình, cộng đồng trên 1.000 trẻ em):

1. Dưới 10/1.000: 50 điểm

2. Từ 10 đến dưới 15/1.000: 40 điểm

3. Từ 15 đến dưới 20/1.000: 30 điểm

4. Từ 20 đến dưới 30/1.000: 20 điểm

5. Từ 30/1.000 trở lên: 10 điểm

50

Tiêu chí 5: Trẻ em bị tai nạn, thương tích

Tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích (là số trẻ em bị tai nạn, thương tích dẫn đến tử vong hoặc bị khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật trên 1.000 trẻ em):

1. Trên địa bàn xã, phường, thị trấn xảy ra vụ việc trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích: 0 điểm

2. Trên địa bàn xã, phường, thị trấn không xảy ra vụ việc và không có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích và tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích:

a) Dưới 0,25/1.000: 100 điểm

b) Từ 0,25 đến dưới 0,5/1.000: 75 điểm

c) Từ 0,5/1.000 trở lên: 50 điểm

100

Tiêu chí 6: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp

1. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp:

a) Từ 95% trở lên: 50 điểm

b) Từ 90 đến dưới 95%: 40 điểm

c) Từ 80 đến dưới 90%: 30 điểm

d) Từ 70 đến dưới 80%: 20 điểm

đ) Dưới 70%: 10 điểm

2. Tỷ lệ các vụ việc trẻ em bị xâm hại, bỏ rơi, mua bán được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp kịp thời:

a) 100%: 75 điểm

b) Từ 75% đến dưới 100%: 60 điểm

c) Từ 50% đến dưới 75%: 40 điểm

d) Dưới 50%: 0 điểm

125

Tiêu chí 7: Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (là số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng so với tổng số trẻ em dưới 1 tuổi):

1. Từ 98% trở lên: 50 điểm

2. Từ 90% đến dưới 98%: 40 điểm

3. Từ 80% đến dưới 90%: 30 điểm

4. Dưới 80%: 10 điểm

50

Tiêu chí 8: Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi

1. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi):

a) Dưới 10%: 45 điểm

b) Từ 10 đến dưới 14%: 35 điểm

c) Từ 14% trở lên: 25 điểm

2. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi):

a) Dưới 20%: 30 điểm

b) Từ 20 đến dưới 24%: 20 điểm

c) Từ 24% trở lên: 10 điểm

75

Tiêu chí 9: Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ

Tỷ lệ trẻ em được khám sức khỏe định kỳ (là số trẻ em được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong năm trên tổng số trẻ em):

1. Từ 80% trở lên: 50 điểm

2. Từ 70% đến dưới 80%: 40 điểm

3. Từ 60% đến dưới 70%: 30 điểm

4. Từ 50% đến dưới 60%: 20 điểm

5. Dưới 50%: 10 điểm

50

Tiêu chí 10: Trẻ em đến trường, lớp mầm non

 

1. Tỷ lệ trẻ độ tuổi nhà trẻ từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi đến trường mầm non, nhà trẻ, lớp mầm non độc lập, nhóm trẻ độc lập: 45 điểm

a) Từ 40% trở lên: 45 điểm

b) Từ 30% đến dưới 40%: 35 điểm

c) Từ 20% đến dưới 30%: 25 điểm

d) Dưới 20%: 15 điểm

2. Tỷ lệ trẻ độ tuổi mẫu giáo đến trường mầm non, trường mẫu giáo, lớp mầm non độc lập, lớp mẫu giáo độc lập: 30 điểm

a) Từ 90% trở lên: 30 điểm

b) Từ 80% đến dưới 90%: 20 điểm

c) Từ 70% đến dưới 80%: 10 điểm

d) Dưới 70%: 0 điểm

75

Tiêu chí 11: Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em

Việc tổ chức hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ em (diễn đàn trẻ em, thăm dò ý kiến trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em, hội đồng trẻ em, chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện, các hình thức khác theo quy định) và tỷ lệ trẻ em tham gia:

1. Từ 20% trở lên: 75 điểm

2. Từ 15% đến dưới 20%: 60 điểm

3. Từ 10 % đến dưới 15%: 50 điểm

4. Dưới 10%: 40 điểm

 

75

Tiêu chí 12: Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em

1. Tỷ lệ thôn và tương đương có Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt 30% (đối với các khu vực đồng bằng); 20% (đối với khu vực miền núi) về thời gian hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em:

a) Từ 70% trở lên: 45 điểm

b) Từ 50% đến dưới 70%: 30 điểm

c) Dưới 50%: 20 điểm

2. Tổ chức ít nhất 02 hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ em (Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu và các hoạt động khác theo quy định): 30 điểm.

75

Tiêu chí 13: Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em

Tỷ lệ người dân và trẻ em hài lòng về việc thực hiện quyền trẻ em tại địa phương (là số người dân và trẻ em hài lòng trên tổng số người dân và trẻ em được hỏi ý kiến thông qua một hoặc các hình thức: phiếu lấy ý kiến, cuộc họp, gặp mặt, đối thoại hoặc hình thức phù hợp khác):

1. Từ 80% trở lên: 50 điểm

2. Từ 70% đến dưới 80%: 40 điểm

3. Từ 60% đến dưới 70%: 30 điểm

4. Từ 50 đến dưới 60%: 20 điểm

5. Dưới 50%: 10 điểm

50

Điều 4. Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em phải đạt đủ 13 tiêu chí quy định tại Điều 3 của Quyết định này, không có tiêu chí nào bị 0 điểm và đạt tổng số điểm theo quy định sau đây:

1. Phường thuộc quận, thị xã, thành phố của thành phố trực thuộc trung ương: Đạt từ 900 điểm trở lên.

2. Xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Đạt từ 800 điểm trở lên.

3. Xã, phường, thị trấn không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này: Đạt từ 850 điểm trở lên.

Điều 5. Thời gian, trình tự đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

1. Thời gian đánh giá.

Việc đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được thực hiện mỗi năm một lần vào tháng 01 năm sau liền kề. Thời gian đánh giá một năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.

Số liệu thống kê các Tiêu chí được thu thập trong năm đánh giá.

2. Trình tự đánh giá.

a) Công chức Văn hóa - xã hội theo dõi về công tác trẻ em trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Hội đồng đánh giá bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng; các thành viên gồm: Công chức Văn hóa - xã hội theo dõi về trẻ em (ủy viên thường trực), Trưởng Công an, Trạm trưởng Trạm y tế, Công chức Tư pháp - hộ tịch, Hiệu trưởng Trường mầm non, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, đại diện lãnh đạo thôn, tổ dân phố;

b) Họp Hội đồng đánh giá: Các thành viên căn cứ nhiệm vụ được giao thu thập số liệu, chấm điểm và báo cáo tình hình thực hiện các tiêu chí liên quan. Cuộc họp của Hội đồng đánh giá phải được ghi chép bằng biên bản; có kết luận của Chủ tịch Hội đồng nêu rõ xã, phường, thị trấn đạt hay không đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký duyệt báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em gửi Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 15 tháng 01 của năm sau liền kề.

Điều 6. Thời gian, trình tự xét duyệt công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

1. Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng xét duyệt bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng; các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị: Lao động - Thương binh và Xã hội (ủy viên thường trực), Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thông tin, Y tế, Công an, Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

2. Họp Hội đồng xét duyệt: Các thành viên Hội đồng xét duyệt có nhiệm vụ xem xét báo cáo của cấp xã và xác định số điểm đạt được cho từng tiêu chí. Cuộc họp của Hội đồng xét duyệt phải được ghi chép bằng biên bản, có kết luận của Chủ tịch Hội đồng nêu rõ xã, phường, thị trấn đạt hay không đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

3. Công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách xã, phường, thị trấn đạt điều kiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định này, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét và ký quyết định công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trước ngày trước ngày 25 tháng 01 của năm sau liền kề.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi quyết định công nhận cho các xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trước ngày trước ngày 10 tháng 02 của năm sau liền kề.

Điều 7. Chế độ báo cáo

1. Trước ngày 30 tháng 01 của năm sau liền kề, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định này báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Trước ngày 10 tháng 02 của năm sau liền kề, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Quyết định này gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 8. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí hoạt động thu thập thông tin, số liệu, đánh giá, xét duyệt, công nhận, truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và biểu dương, khen thưởng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hằng năm của địa phương, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo phân cấp ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có) và các kinh phí hợp pháp khác.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này:

a) Hướng dẫn quy trình, biểu mẫu, tài liệu thu thập thông tin, số liệu, đánh giá, xét duyệt, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em;

b) Truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng thực hiện Quyết định này;

c) Kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

2. Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Quyết định theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định này.

3. Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công an, Tư pháp và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý.

4. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo và giám sát việc thực hiện Quyết định này trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia giám sát, vận động nguồn lực, hỗ trợ thực hiện tiêu chuẩn đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này tại địa phương; bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ đánh giá, xét duyệt, công nhận, biểu dương, khen thưởng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em và phân công cơ quan chuyên môn làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện;

b) Căn cứ kết quả thực tế của việc đánh giá, xét duyệt, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em hằng năm, chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em;

c) Sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em tại địa phương;

d) Hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả đánh giá, xét duyệt, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày    tháng    năm 2025.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin