Tóm tắt
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây viết tắt là Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH)
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Người có công;

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng,

 

Điều 1.

Sửa đổi, bổ sung một số  điều của Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây viết tắt là Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH)

1. Khoản 3 Điều 5 được sửa đổinhư sau:

“3. Trường hợp là thương binh có tỷ lệ % tổn thương cơ thể (viết tắt là TTCT) từ 81% trở lênbị mắc một trong những bệnh thuộc danh mục bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học thì được xem xét giải quyết chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ thực hiện như sau:

a) Thủ tục xác nhận thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH;

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ do Sở Y tế chuyển đến, có trách nhiệm ra quyết định hưởng trợ cấp hàng tháng như người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% đối với những trường hợp được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học”.

2. Điều 5 bổ sung Khoản 4như sau:

Phương án 1: Không hướng dẫn vì chưa quy định rõ tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP.

Phương án 2:

“4. Trường hợp người hoạt động kháng chiến có con đẻ dị dạng, dị tật được công nhận và đã hoặc đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì được xem xét giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi thực hiện như sau:

a) Cá nhân lập bản khai gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi cho con đẻ bị dị dạng, dị tật;

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận bản khai, có trách nhiệm kiểm tra và đối chiếu hồ sơ hưởng trợ cấp của con đẻ dị dạng, dị tật đã được xác lập đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xác lập hồ sơ;

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Tổ công tác để kiểm tra, kết luận tình trạng dị dạng, dị tậtcủa con đẻ người hoạt động kháng chiến theoquy định của các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xác lập hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo mức suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%.

Các chế độ ưu đãi được hưởng kể từ ngày Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định”.

3. Điểm b Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Người đã hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (mức 1 quy định tại các Nghị định của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công);”

4. Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Trường hợp người đang hưởng trợ cấp theo mức bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trước ngày 01 tháng 9 năm 2012 mà trong hồ sơ có biên bản giám định y khoa đúng theo quy định đã kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp sống ở gia đình được hưởng trợ cấp người phục vụ từ ngày 01 tháng 9 năm 2012;

 b) Thực hiện phụ cấp hàng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 của Nghị địnhsố 31/2013/NĐ-CP từ ngày 01 tháng 01 năm 2013;

c) Giữ nguyên mức trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2013 và thực hiện điều chỉnh hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 42 của Nghị địnhsố 31/2013/NĐ-CP từ ngày 01 tháng 07 năm 2013”.

5. Khoản 2 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Những trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này thì thực hiện như sau:

a) Không thực hiện trợ cấp người phục vụ và phụ cấp hàng tháng;

b) Hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 42 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP từ ngày 01 tháng 07 năm 2013”.

6. Khoản 2 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Ban hành Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này để xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày”.

7. Điều 12 được sửa đổi như sau:

“Điều 12. Hồ sơ, thủ tục thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tếđã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi

1. Hồ sơ

a) Bản khai của đại diện thân nhân (Mẫu 3);

b) Bản sao Giấy chứng tử do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý xác định người có công đã chết;

c) Bản sao một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 35Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH;

d) Quyết định trợ cấp một lần (Mẫu 4).

2. Thủ tục

a) Đại diện thân nhân lập bản khai kèm biên bản ủy quyền gửi Ủy ban nhân dân cấp xã kèm bản sao một trong các giấy tờ quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách kèm các giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản này gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội;

c) Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản này gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội;

d) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra và ra quyết định trợ cấp một lần”.

Điều 2.            

1. Bãi bỏ Khoản 3, Điều 7 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH.

2. Thay đổi cụm từ “nữ đủ 55 tuổi” thành cụm từ “nữ đủ 50 tuổi” tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH.

3. Bãi bỏ hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân của người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Điều 12 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH.

Điều 3. Hiệu lực thi hành             

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  tháng  năm 2017.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.

Không có thông tin
Không có thông tin