Hết hạn lấy ý kiến
Thông tư Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
Ngày hết hạn: 29/01/2023
Lĩnh vực văn bản: Vụ Pháp chế
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
Thông tư này quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

  Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, gồm:

1. Thẩm quyền, tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

2. Quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

2. Đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan chuyên môn về Lao động – Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.   

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Điều 3. Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội là hoạt động giám định trong các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; Việc làm; Giáo dục nghề nghiệp; An toàn, vệ sinh lao động; Người có công; Bảo trợ xã hội; Trẻ em; Bình đẳng giới; Phòng, chống tệ nạn xã hội.    

Điều 4. Thẩm quyền giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

1. Hội đồng giám định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập, thực hiện giám định tư pháp lại lần thứ hai trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định.

2. Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện giám định tư pháp lần đầu, giám định lại và giám định bổ sung (nếu có).

CHƯƠNG II

BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CẤP THẺ, THU HỒI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP; CÔNG NHẬN, HỦY BỎ CÔNG NHẬN, ĐĂNG TẢI DANH SÁCH NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC

Điều 5. Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận, huỷ bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền:

a) Thành lập Hội đồng giám định

b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp;

c) Cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp;

d) Công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ;  

2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ tại đơn vị mình; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương.

Điều 6. Hội đồng giám định

1. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập Hội đồng giám định theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp.

2. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ lựa chọn cá nhân phù hợp nội dung trưng cầu giám định, trong đó phải có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định, trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Hội đồng giám định.

3. Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Giám định tư pháp.

Điều 7. Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây  có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

a) Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có trình độ đại học trở lên;

c) Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực lao động, người có công và xã hội từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm.

2. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp

1. Hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp

a) Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người được đề nghị bổ nhiệm;

b) Bản sao các văn bằng chứng minh chuyên ngành được đào tạo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

c) Sơ yếu lý lịch.

d) Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm hiện làm việc theo Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này.

Trong trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị khác nhau thì thời gian hoạt động chuyên môn của người đó là tổng thời gian đã làm việc thực tế tại các cơ quan, đơn vị.

đ) 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư  pháp (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất).

2. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp

a) Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

b) Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.

Điều 9. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp

1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế.

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, lựa chọn và trình Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

Trường hợp chưa đủ điều kiện trình bổ nhiệm, Vụ Pháp chế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, đơn vị đề nghị được biết.

Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp được cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

3. Người có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. 

Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện theo quy định  của Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

4. Trên cơ sở quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp, Vụ Pháp chế lập danh sách giám định viên tư pháp gửi Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung theo quy định.

5. Trung tâm thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách nêu trên trong vòng 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách.

6. Bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp tại địa phương

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ  giám  định viên tư pháp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương;  đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời  hạn  20  ngày,  kể từ  ngày nhận được hồ sơ trình đầy đủ, hợp  lệ,  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối thì phải thông báo cho đơn vị đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 Điều 10. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp

1. Các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.

2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp  

a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ rà soát, lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Vụ Pháp chế.

b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ  kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp.

Vụ Pháp chế điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp gửi Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.

3. Miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp ở địa phương

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn  nhiệm  giám  định  viên  tư  pháp,  thu  hồi  thẻ  giám  định  viên  tư  pháp  và  điều chỉnh  danh  sách  giám  định  viên  tư  pháp  trên  cổng  thông  tin  điện  tử của  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp.

Điều 11. Công nhận, huỷ bỏ công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này được lựa chọn, công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc.

Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giám định tư pháp được lựa chọn, công nhận là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

2. Việc lập, công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Pháp chế.

b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xem xét, trình Bộ trưởng quyết định công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

c) Vụ Pháp chế gửi danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc kèm theo thông tin công bố về người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đến Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung theo quy định.

Nội dung thông tin công bố được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.

d) Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách nêu trên trong vòng 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách.

3. Hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc:

a) Khi người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này và khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản gửi Vụ Pháp chế trình Bộ trưởng ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Quyết định huỷ bỏ công nhận phải nêu rõ lý do đề nghị hủy bỏ công nhận.

b) Trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày có quyết định của Bộ trưởng về việc hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, Vụ Pháp chế tổng hợp, điều chỉnh danh sách công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Trung tâm Công nghệ thông tin thực hiện đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

4. Công nhận, huỷ bỏ công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại địa phương

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận, huỷ bỏ công nhận và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp,  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

CHƯƠNG III

QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VA XÃ HỘI

Điều 12. Quy trình giám định tư pháp

1. Tiếp nhận trưng cầu giám định.

2. Tiếp nhận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan.

3. Chuẩn bị giám định.

4. Thực hiện giám định.

5. Kết luận giám định.

Điều 13. Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp

1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận văn bản trưng cầu giám định được thực hiện như tiếp nhận Công văn do cơ quan, tổ chức gửi đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo Quy chế  làm việc của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quy chế văn thư và lưu trữ của Bộ.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được  phân công của Lãnh đạo Bộ, căn cứ nội dung, vụ việc được trưng cầu giám định, Vụ Pháp chế lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trình Bộ trưởng xem xét, quyết định thành lập Hội đồng giám định. Quyết định này được gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trường hợp từ chối giám định lại lần thứ hai phải có văn bản nêu rõ lý do gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trưng cầu giám định.

3. Trường hợp quyết định trưng cầu giám định tư pháp gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được thực hiện như sau :

a) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận trưng cầu giám định theo quy định của  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Luật Giám định tư pháp.

b) Trường hợp từ chối giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hoặc cơ quan, tổ chức được trưng cầu phải có văn bản gửi người trưng cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp và nêu rõ lý do từ chối nhận trưng cầu giám định.

Điều 14. Tiếp nhận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan

1. Việc giao, nhận, mở niêm phong đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan (nếu có) phải được tiến hành tại trụ sở cơ quan được trưng cầu giám định và  lập thành biên bản giao, nhận, mở niêm phong (nếu có niêm phong) theo mẫu quy định tại Phụ lục II , Phụ lục III  ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp đối tượng giám định có niêm phong được gửi qua đường bưu chính thì trước khi mở phải kiểm tra kỹ niêm phong. Trường hợp phát hiện niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu bị thay đổi, người được trưng cầu hoặc tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định tư pháp có quyền từ chối nhận và ghi vào biên bản.  

3 . Trường hợp việc trưng cầu giám định không kèm theo đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan nhưng hồ sơ thể hiện có đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan thì người thực hiện giám định có văn bản yêu cầu người trưng cầu giám định và các bên có liên quan bổ sung tài liệu, đồ vật có liên quan để phục vụ thực hiện giám định.

Điều 15. Chuẩn bị giám định tư pháp

1. Thành lập Hội đồng giám định hoặc cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để thực hiện giám định.

2. Xác định quy chuẩn chuyên môn áp dụng khi thực hiện giám định.

3. Xác định phương pháp thực hiện giám định, các bước thực hiện giám định, tiến độ, thời gian dự kiến hoàn thành giám định.

4. Các điều kiện khác thực hiện giám định.

Điều 16. Thực hiện giám định tư pháp

1. Hội đồng giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định như sau:

2. Căn cứ từng nội dung được trưng cầu giám định nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu được cung cấp đối chiếu với quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể.

3. Ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.                   

4. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

 5. Xây dựng kết luận giám định.

Điều 17. Kết luận giám định tư pháp

1. Hội đồng giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định theo vụ việc chỉ kết luận giám định đối với nội dung yêu cầu giám định thuộc phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.  

2. Căn cứ kết quả thực hiện giám định tư pháp, Hội đồng giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đưa ra nhận xét, đánh giá, kết luận đối với từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể.

3. Kết luận giám định  bao gồm các nội dung theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp) và theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm 2023  

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Pháp chế là đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm Công nghệ Thông tin, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cá nhân, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin