Hết hạn lấy ý kiến
Phê duyệt Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”
Ngày hết hạn: 31/10/2021
Lĩnh vực văn bản: Giáo dục nghề nghiệp
Loại văn bản: Quyết định
Tóm tắt
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở” với những nội dung sau đây
Lần dự thảo:
QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

QUYẾT ĐỊNH:

         Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở” với những nội dung sau đây:

         I.MỤC TIÊU
        1. Mục tiêu chung

Xây dựng mô hình và tổ chức thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh sau tốt nghiệp trung học sơ cở, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

  1. Mục tiêu cụ thể
  1. Tổ chức triển khai thí điểm mô hình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đối với 10 ngành, nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ với khoảng 400 học sinh/ngành nghề. Tổng số người tham dự khoảng 4.000 người;
  2. Tổ chức đánh giá công tác thí điểm và đề xuất Chính phủ các giải pháp triển khai sau thí điểm.
        II.PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
  1. Phạm vi của Đề án
  1. Đề án thực hiện thí điểm đối với 10 ngành, nghề phù hợp với đối tượng người học tốt nghiệp trung học cơ sở gồm: Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Điện công nghiệp, Điện tử Công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Quản trị mạng máy tính; Thiết kế đồ họa; Vẽ và thiết kế trên máy tính, Hướng dẫn viên du lịch và Diễn viên múa.
  1. Phạm vi áp dụng thí điểm: Trong toàn quốc. Chia theo 3 khu vực: Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam.
  2. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2022 - 2028
    1. Đối tượng của Đề án
  1. Đối tượng thụ hưởng: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học thí điểm trình độ cao đẳng
  2. Đối tượng tham gia: Các trường cao đẳng được lựa chọn tham gia thí điểm;
  3. Các đơn vị phối hợp: Các bên có liên quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp.
        III.MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM
  1. Mục tiêu của mô hình thí điểm

         Đào tạo trình độ cao đẳng với đầu vào là học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đòi hỏi người học phải có kiến thức văn hóa phổ thông; có năng lực thực hiện được công việc của ngành nghề ở trình độ cao đẳng; giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

  1. Cấu trúc và nội dung của mô hình
  1. Giai đoạn 1: Thời gian đào tạo 2 năm

Nội dung đào tạo chính: bao gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp. Nội dung kiến thức văn hóa trung học phổ thông được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là các môn học thuộc khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông; nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là những kiến thức, kỹ năng căn bản của ngành, nghề mà người học theo học.

  1. Giai đoạn 2: Thời gian đào tạo 1 năm

Nội dung đào tạo chính: Bao gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ trung cấp. Nội dung kiến thức văn hóa trung học phổ thông là toàn bộ Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết thúc giai đoạn này, người học được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

  1. Giai đoạn 3: Thời gian đào tạo 2 năm

Nội dung đào tạo chính là toàn bộ kiến thức, kỹ năng ở trình độ cao đẳng và nội dung kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bổ sung để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông (chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) và được tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng.

  1. Đặc điểm của mô hình
  1. Đầu vào của mô hình

Đầu vào của chương trình là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có học lực từ loại trung bình khá trở lên để bảo đảm có đủ năng lực vừa học trình độ cao đẳng vừa học văn hóa trung học phổ thông.

  1. Việc tổ chức đào tạo

Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo xu hướng giảm dần theo thời gian và được thiết kế tích hợp với nội dung nghề nghiệp, theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình; khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được học song song với kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo xu hướng tăng dần theo thời gian.

  • Kết thúc giai đoạn 1: Người học có thể tham gia thị trường lao động. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và nội dung khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bảo lưu nếu người học có nhu cầu học tiếp chương trình;
  • Kết thúc giai đoạn 2: Người học có thể tham gia thị trường lao động và học tiếp để hoàn thành trình độ cao đẳng ở mô hình này hoặc liên thông lên trình độ cao đẳng ở các hình thức đào tạo khác. Nội dung khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được bảo lưu nếu người học có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.
  • Kết thúc giai đoạn 3: Người học đủ điều kiện học liên thông lên trình độ đại học tương tự như các hình thức học tập khác ở trình độ cao đẳng.
  1. Đầu ra của mô hình

Mô hình có tính linh hoạt cao, với nhiều đầu ra, bảo đảm người học có thể ra khỏi chương trình bất cứ ở giai đoạn nào và đều được ghi nhận, đánh giá bằng những chứng chỉ, văn bằng tương ứng để có thể tham gia vào thị trường lao động:

  • Giai đoạn 1: Đầu ra (1): Chứng chỉ sơ cấp;
  • Giai đoạn 2: Đầu ra (2): Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông;
  • Giai đoạn 3: Đầu ra (3) Bằng tốt nghiệp cao đẳng và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông nếu người học tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
  1. Điều kiện thực hiện mô hình
  1. Tổ chức đào tạo thí điểm ở một số trường đang thực hiện việc đào tạo nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Ưu tiên lựa chọn các trường đang đào tạo các ngành, nghề được lựa chọn thí điểm, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng;
  2. Điều kiện tuyển sinh: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên. Đối tượng tuyển sinh được tư vấn kỹ lưỡng trước khi nhập học; người học được miễn học phí khi tham gia theo mô hình này;
  3. Các điều kiện bảo đảm cho việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo như chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và một số điều kiện khác phù hợp với yêu cầu của từng ngành, nghề đào tạo.
       IV.NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
  1. Xây dựng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng (chuẩn đầu ra) cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở
  1. Phân tích nghề, phân tích công việc; nghiên cứu, điều tra khảo sát về tiêu chuẩn nghề nghiệp tại các doanh nghiệp; vị trí việc làm, chức danh trong doanh nghiệp để xác định các chuẩn đào tạo về kiến thức, kỹ năng chuyên môn;
  2. Nghiên cứu, xác định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông xác định các nội dung văn hóa trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ cao đẳng;
  3. Xây dựng chuẩn đầu ra trình độ cao đẳng cho người học tốt nghiệp trung học cơ sở theo từng ngành, nghề đào tạo để công khai với xã hội, người học và người sử dụng lao động biết được về chuẩn năng lực nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, loại hình công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp.
  1. Xây dựng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở
  1. Thiết kế cấu trúc chương trình đào tạo cho các ngành, nghề đã lựa chọn;
  2. Xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trên cơ sở chuẩn đầu ra đã ban hành;
  3. Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo; biên soạn các chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo phù hợp với từng nghành, nghề; chia sẻ học liệu dùng chung cho Đề án thí điểm;
  1. Xây dựng thư viện điện tử, bài giảng điện tử, hệ thống quản lý, đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia thí điểm.
  1. Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp
  1. Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn trong việc triển khai thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở;
  2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia Đề án;
  3. Hình thành đội ngũ nhà giáo nòng cốt trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy giữa các trường được lựa chọn thí điểm.
  1. Tổ chức đào tạo thí điểm
  1. Lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia đào tạo thí điểm theo yêu cầu của Đề án;
  2. Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm theo các ngành nghề đào tạo của Đề án;
  3. Xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể có phân công trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức thực hiện đào tạo thí điểm;
  4. Xây dựng hệ thống quản lý đào tạo trực trực tuyến; hệ thống e-learning đễ triển khai phương thức đào tạo mới trong đào tạo thí điểm;

đ) Tổ chức đào tạo theo chương trình đào tạo, theo kế hoạch, tiến độ đào tạo chung, thống nhất giữa các ngành nghề thí điểm;

  1. Thực hiện gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để học sinh được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; thiết lập mạng lưới gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp theo từng ngành, nghề được lựa chọn, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
  1. Đánh giá và cấp văn bằng chứng chỉ
  1. Công nhận kết quả mà người học đã đạt được trong quá trình học tập bằng văn bằng hoặc chứng chỉ tương ứng với từng giai đoạn học tập giúp người học hoàn thành chương trình có thể tìm việc làm và hành nghề hoặc học liên thông lên các trình độ cao hơn;
  2. Cấp bằng cao đẳng cho người học hoàn thành khóa học 5 năm đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định.
  1. Tổ chức quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án.
  1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất;
  2. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hoạt động định kỳ, hằng năm hoặc đột xuất (khi cần thiết);
  3. Tổng kết, đánh giá Đề án thí điểm sau khi kết thúc báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án;
  5. Nghiên cứu, đề xuất chính sách nhân rộng mô hình, sửa đổi các quy định pháp luật sau khi tổ chức tổng kết, đánh giá Đề án.
        V.KINH PHÍ THỰC HIỆN
  1. Nguồn ngân sách nhà nước bố trí hằng năm cho chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  2. Nguồn thu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa khác.
        VI.TỔ CHỨC THỰC HIỆN
  1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  1. Chủ trì thực hiện Đề án; chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án;
  2. Chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành, nghề được lựa chọn thí điểm; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn xây dựng chương trình đào tạo thí điểm phù hợp với chuẩn đầu ra đã xây dựng;
  3. Tổ chức đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia thí điểm tổ chức đào tạo thí điểm theo yêu cầu của Đề án;
  4. Chủ trì tổ chức nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai Đề án;

đ) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đánh giá, cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học sau khi tốt nghiệp;

  1. Tổng hợp nội dung và nhu cầu kinh phí hàng năm và từng giai đoạn của Đề án gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ;
  1. Tổng hợp nội dung và nhu cầu kinh phí hàng năm và từng giai đoạn của Đề án gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế ho ạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ;
  2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị có liên quan khác tổ chức giám sát, kiểm tra, thường xuyên đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
  1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc thực hiện tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp; phối hợp tuyển sinh các lớp đào tạo thí điểm theo yêu cầu của Đề án;
  2. Hướng dẫn tổ chức giảng dạy các môn văn hóa trung học phổ thông trong Đề án.
  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  1. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án;
  2. Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức, thực hiện và kiểm tra giám sát thực hiện Đề án.
  1. Bộ Tài chính
  1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương có liên quan bố trí kinh phí sự nghiệp theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ;
  2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể các cơ chế, chính sách đối với các hoạt động của Đề án; kiểm tra và giám sát tình hình thực hiện.
  1. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan
  1. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành;
  2. Hội Khuyến học Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội

- nghề nghiệp liên quan khác có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành.

  1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
  1. Tổ chức tuyên truyền mô hình đào tạo tại địa phương, biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư về thành tích thực hiện xã hội hóa và hỗ trợ các nhà trường trong thí điểm thực hiện mô hình;
  2. Phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương.
  1. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
  1. Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra theo mô hình đào tạo đã được xây dựng;
  2. Tổ chức đào tạo, giảng dạy văn hóa THPT theo khối lượng văn hóa THPT và chương trình giáo dục giáo dục thường xuyên cấp THPT, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho người học của Đề án; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến hoạt động thí điểm tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án;
  3. Tích cực, chủ động triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

         Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin