THÔNG TƯ
Quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật từ Trung ương đến địa phương.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân loại, thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
3. Thông tư này không áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội căn cứ quy định của Thông tư này và các quy định của Đảng và của pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp.
Điều 3. Nguyên tắc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập
Việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phải phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP).
Chương II
TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI
Điều 4. Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ
1. Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước
a) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công
a) Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này.
Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo quyết định của cơ quan khác theo quy định của pháp luật và phân cấp của cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Phân loại theo mức tự chủ về tài chính
1. Phân loại theo mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
b) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;
c) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
d) Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
2. Việc xác định mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và các văn bản có liên quan quy định cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chương III
ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI
Điều 7. Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
1. Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
2. Ngoài các điều kiện chung quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
Điều 8. Điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
1. Điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 7 Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm không làm giảm mức tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức khác nhau thì mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 9. Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
1. Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các nghĩa vụ khác có liên quan và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản. Việc xử lý tài chính, tài sản khi giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm 2023.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn, giải quyết theo quy định./.