Hết hạn lấy ý kiến
Tóm tắt
Ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động, trong đó ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

2. Các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

3. Tổ chức và cá nhân liên quan.

Điều 3. Nội dung hỗ trợ

1. Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm:

a) Bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin.

b) Thiết kế, tổ chức Cơ sở dữ liệu về người tìm việc - việc tìm người và người lao động (sau đây gọi là Cơ sở dữ liệu), hệ thống thông tin quản lý lao động.

c) Triển khai, xây dựng, phát triển ứng dụng điện tử đăng ký người tìm việc – việc tìm người, đăng ký lao động.

d) Thu thập, chuẩn hóa, nhập dữ liệu.

đ) Lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho Cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý lao động.

e) Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức bộ máy nhân sự, vận hành, quản  lý, cập nhật, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý lao động.

g) Vận hành, hiệu chỉnh Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý lao động.

h) Các hoạt động khác theo quy định pháp luật.

2. Hỗ trợ giao dịch việc làm.

3. Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động.

4. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Điều 4. Phương thức hỗ trợ

1. Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện theo quy định tại Chương IV Thông tư này.

2. Hỗ trợ giao dịch việc làm; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 5. Nguyên tắc thực hiện

Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải đảm bảo theo nguyên tắc sau:

1. Thu thập thông tin bảo đảm tính kịp thời, chính xác, trung thực, khoa học, khách quan và kế thừa.

 2. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, lưu trữ điện tử, an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu, bảo mật thông tin và các quy định khác có liên quan; thông tin, dữ liệu trao đổi được mã hoá và ký số, bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực được với cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan đến chính sách lao động.

3. Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định của pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu; đảm bảo không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan; không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 4. Việc xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa Cơ sở dữ liệu về người tìm việc – việc tìm người, dữ liệu về người lao động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1371/QĐ-LĐTBXH ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Bộ chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

CHƯƠNG II

XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ NGƯỜI TÌM VIỆC – VIỆC TÌM NGƯỜI

Điều 6. Cơ dữ liệu người tìm việc – việc tìm người

1. Cơ sở dữ  liệu người tìm việc - việc tìm người là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về người đang tìm việc làm và nhu cầu về việc làm đang tìm, thông tin về người sử dụng lao động đang có nhu cầu tuyển dụng lao động và vị trí việc làm mà người sử dụng lao động đang tuyển, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, quản lý thống nhất bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu người tìm việc.

b) Cơ sở dữ liệu việc tìm người.

Điều 7. Xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc

1. Cơ sở dữ liệu người tìm việc gồm các thông tin cơ bản nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ và lĩnh vực giáo dục - đào tạo, kỹ năng về giáo dục nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc và nhu cầu về việc làm cần tìm của người lao động đang tìm việc làm.

2. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu người tìm việc được xác lập từ các nguồn sau:

a) Thông tin đăng ký tìm việc làm của cá nhân thông qua ứng dụng điện tử đăng ký người tìm việc - việc tìm người.

b) Thông tin người tìm việc được số hóa, chuẩn hóa từ nghiệp vụ thu thập, cập nhật thông tin người tìm việc - việc tìm người, nghiệp vụ về dịch vụ việc làm.

c) Thông tin được kết nối, chia sẻ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Thông tin trong cơ sở dữ liệu người tìm việc được điều chỉnh, cập nhật từ các nguồn sau:

a) Kết quả của quá trình thực hiện các thủ tục, nghiệp vụ về thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm.

b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi các thay đổi hoặc phát hiện các thông tin trong Cơ sở dữ liệu người tìm việc chưa đầy đủ, chính xác.

c) Từ các Cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có thay đổi.

4. Mẫu biểu: Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc Mẫu số 01/PLI, 01a/PLI ban hành kèm theo Nghị định số 23/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

5. Tần xuất thu thập, cập nhật: Thường xuyên.

6. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thu thập, cập nhật, quản lý thông tin trong cơ sở dữ liệu người tìm việc để phục vụ kết nối cung – cầu lao động ở địa phương.

Điều 8. Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người

1. Cơ sở dữ liệu việc tìm người bao gồm các thông tin về người sử dụng lao động, vị trí việc làm mà người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng.

2. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu việc tìm người được xác lập từ các nguồn sau:

a) Thông tin đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động thông qua ứng dụng điện tử đăng ký người tìm việc - việc tìm người hoặc các ứng dụng khác có liên quan.

b) Thông tin việc tìm người được số hóa, chuẩn hóa từ nghiệp vụ thu thập, cập nhật thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động, nghiệp vụ về dịch vụ việc làm.

c) Thông tin được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội.

3. Thông tin trong cơ sở dữ liệu việc tìm người được điều chỉnh, cập nhật từ các nguồn sau:

a) Kết quả của quá trình thực hiện các thủ tục, nghiệp vụ về thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm.

b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi các thay đổi hoặc phát hiện các thông tin trong Cơ sở dữ liệu việc tìm người chưa đầy đủ, chính xác.

c) Từ các Cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có thay đổi.

4. Mẫu biểu: Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc Mẫu số 03/PLI, 03a/PLI ban hành kèm theo Nghị định số 23/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

5. Tần xuất thu thập, cập nhật thông tin: Thường xuyên.

6. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, quản lý thông tin trong cơ sở dữ liệu việc tìm người để phục vụ kết nối cung - cầu lao động ở địa phương.

Điều 9. Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người

1. Trung tâm dịch vụ việc làm khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người phục vụ nghiệp vụ thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, kết nối cung - cầu lao động.

2. Trung tâm dịch vụ việc làm cập nhật, theo dõi, quản lý kết quả kết nối việc làm thành công giữa người lao động và người sử dụng lao động theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về việc làm được phép khai thác và sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước về lao động, việc làm theo thẩm quyền.

Điều 10. Quản lý cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người

1. Nội dung quản lý

a) Xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phầm mềm cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người nhằm bảo đảm tính chính xác, sự ổn định thông suốt trên toàn hệ thống.

b) Cập nhật, xử lý và tích hợp thông tin vào các cơ sở dữ liệu liên quan.

c) Quản lý quyền cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu.

d) Theo dõi, giám sát tình hình sử dụng cơ sở dữ liệu.

đ) Hỗ trợ vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu.

 2. Quản lý tài khoản, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về người tìm việc - việc tìm người

a) Tài khoản quản trị cơ sở dữ liệu về người tìm việc - việc tìm người tại trung ương do Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (thuộc Cục Việc làm) quản lý.

b) Tài khoản quản trị cơ sở dữ liệu về người tìm việc - việc tìm người tại địa phương do Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm cấp và giao cho các Trung tâm dịch vụ việc làm quản lý, sử dụng. Tài khoản khai thác sử dụng của các đơn vị, cá nhân thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm cấp, giao cho các đơn vị, cá nhân quản lý, sử dụng.

c) Tổ chức, cá nhân được giao tài khoản chịu trách nhiệm bảo mật tài khoản, bảo mật dữ liệu và quản lý, sử dụng tài khoản theo đúng mục đích, chức năng quy định.

CHƯƠNG III

QUẢN LÝ LAO ĐỘNG GẮN VỚI CƠ SỞ DỮ LIỆU DÂN CƯ

Điều 11. Đối tượng quản lý

Đối tượng quản lý là người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên đang thực tế cư trú tại địa bàn.

Điều 12. Xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động

1. Cơ sở dữ  liệu về người lao động là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về việc làm, quan hệ lao động của người lao động, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở dữ liệu về người lao động bao gồm các thông tin cơ bản của người lao động, trình độ, kỹ năng lao động, tình trạng việc làm, quan hệ lao động, tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

3. Thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động được xác lập từ các nguồn sau: 

a) Thông tin đăng ký lao động của người lao động thông qua ứng dụng điện tử đăng ký việc làm hoặc các ứng dụng khác có liên quan.

b) Thông tin về người lao động được số hóa, chuẩn hóa từ nghiệp vụ thu thập, cập nhật thông tin về lao động.

c) Thông tin được kết nối, chia sẻ, đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội.

4. Thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động được cập nhật, điều chỉnh từ các nguồn sau:

a) Kết quả của quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nghiệp vụ liên quan đến quản lý lao động;

b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thay đổi hoặc phát hiện các thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động chưa đầy đủ, chính xác;

c) Từ các cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có thay đổi.

5. Mẫu biểu: Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Tần suất cập nhật: Thường xuyên.

7. Phương thức thực hiện

a) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm căn cứ vào nguồn lực, hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch và tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý; xử lý các vấn đề phát sinh.

- Thiết lập cơ chế đối soát, chia sẻ dữ liệu người lao động đã thu thập với dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở để xác thực hoàn thiện và cung cấp sổ lao động điện tử của người lao động.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện những việc sau:

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động của địa phương;

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý.

- Tổng hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu về người lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng dữ liệu về người lao động trong phạm vi cả nước.

Điều 13. Khai thác, sử dụng dữ liệu người lao động

1. Các thông tin từ cơ sở dữ liệu về người lao động được sử dụng để làm cơ sở quản lý lao động và thiết lập sổ lao động điện tử cho người lao động.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm ở trung ương, địa phương khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước về lao động theo thẩm quyền.

3. Người lao động sử dụng sổ lao động điện tử để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính liên quan đến đào tạo, tuyển dụng lao động, tham gia các chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và các hoạt động cơ liên quan khác.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu người lao động qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Điều 14. Nội dung quản lý cơ sở dữ liệu người lao động

1. Xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phầm mềm cơ sở dữ liệu người lao động nhằm bảo đảm tính chính xác, sự ổn định thông suốt trên toàn hệ thống.

2. Cập nhật, xử lý và tích hợp thông tin vào các cơ sở dữ liệu liên quan.

3. Quản lý quyền cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu.

4. Theo dõi, giám sát tình hình sử dụng cơ sở dữ liệu.

5. Hỗ trợ vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của Trung tâm dịch vụ việc làm

1. Thực hiện số hóa nghiệp vụ về dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động đáp ứng nhu cầu thu thập, cập nhật, khai thác, quản lý và kết nối, báo cáo chia sẻ cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người.

 2. Tổ chức thu thập, cập nhật và báo cáo dữ liệu thuộc phạm vi quản lý bảo đảm đầy đủ, chính xác, đúng thời  hạn.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ việc làm bền vững trên địa bàn.

b) Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá, báo cáo định kỳ 06 tháng, hằng năm  (báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo hằng năm gửi trước ngày 20 tháng 12) kết quả thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Chỉ đạo các ban, sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp

a) Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ việc làm bền vững trên địa bàn.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thu thập, cập nhật thông tin về người lao động theo quy định tại Thông tư này.

c) Báo cáo tình hình quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu về lao động gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khi có yêu cầu của cơ quan quản lý.

Điều 17. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Cục Việc làm có trách nhiệm

a) Hướng dẫn thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này tại các địa phương.

c) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

2. Trung tâm thông tin có trách nhiệm phối hợp với Cục Việc làm và các đơn vị liên quan hướng dẫn việc xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu người tìm việc – việc tìm người, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu khác.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày     tháng     năm 2022.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời xem xét, điều chỉnh./

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin