Hết hạn lấy ý kiến
Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động
Ngày hết hạn: 18/10/2021
Lĩnh vực văn bản: An toàn vệ sinh lao động
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; phương pháp, quy trình xác định điều kiện lao động làm cơ sở phân loại lao động và một số biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; phương pháp, quy trình xác định điều kiện lao động làm cơ sở phân loại lao động và một số biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người sử dụng lao động, người lao động theo quy định tại Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Tổ chức thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động.

Chương II

PHÂN LOẠI LAO ĐỘNG THEO ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG VÀ PHƯƠNG PHÁP, QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

Điều 3. Phân loại lao động theo điều kiện lao động

1. Loại điều kiện lao động

a) Người lao động làm nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm là người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III.

b) Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV.

c) Người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI.

2. Nguyên tắc phân loại điều kiện lao động

Việc phân loại điều kiện lao động phải dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và kết quả đánh giá xác định điều kiện lao động theo phương pháp quy định tại Thông tư này;

3. Phương pháp đánh giá nguy cơ rủi ro

Thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro theo quy trình hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định các yếu tố nguy hiểm, có hại liên quan đến nghề, công việc cần đánh giá;

Bước 2: Xác định những người làm nghề, công việc được đánh giá có thể bị ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào;

Bước 3: Đánh giá rủi ro – Xác định mức độ và quyết định các biện pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động;

Bước 4: Xác định người chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro, và khung thời gian thực hiện;

Bước 5: Ghi lại những phát hiện, giám sát và rà soát việc đánh giá nguy cơ rủi ro, và cập nhật khi có sự thay đổi.

Điều 4. Mục đích sử dụng phương pháp phân loại lao động theo điều kiện lao động

Phương pháp phân loại lao động theo điều kiện lao động ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng với mục đích như sau:

1. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (sau đây gọi tắt là danh mục nghề);

2. Phân loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động để thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khoẻ đối với người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động;

3. Lập hồ sơ đánh giá điều kiện lao động làm cơ sở để người sử dụng lao động đề xuất cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 5. Tổ chức đánh giá và người đánh giá điều kiện lao động

1. Tổ chức đánh giá điều kiện lao động là tổ chức đủ các điều kiện về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật và có đủ số lượng người đánh giá tương ứng với từng nội dung đánh giá.

2. Người thực hiện đánh giá điều kiện lao động theo phương pháp quy định tại Thông tư này phải có chứng chỉ đào tạo về quan trắc môi trường và được huấn luyện về phân tích, đánh giá rủi ro theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Phương pháp, quy trình xác định điều kiện lao động

Thực hiện việc đánh giá, xác định điều kiện lao động theo quy trình sau:

1. Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá và thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động:

a) Bước 1: Xác định các yếu tố có tác động sinh học đến người lao động trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi tắt là Phụ lục I).

b) Bước 2: Lựa chọn ít nhất 06 (sáu) yếu tố đặc trưng tương ứng với mỗi nghề, công việc. Các yếu tố này phải bảo đảm phản ánh đủ 3 nhóm yếu tố trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động quy định tại Phụ lục I.

c) Bước 3: Chọn 01 (một) chỉ tiêu đối với mỗi yếu tố đặc trưng đã chọn tại Bước 2 để tiến hành đánh giá và cho điểm, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

- Thang điểm để đánh giá mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của từng yếu tố là thang điểm 6 (sáu) quy định tại Phụ lục I. Mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm càng lớn thì điểm càng cao;

- Thời gian tiếp xúc của người lao động với các yếu tố dưới 50% thời gian của ca làm việc thì điểm số hạ xuống 1 điểm. Đối với hóa chất độc, điện từ trường, rung, ồn thì điểm xếp loại chỉ hạ xuống 1 điểm khi thời gian tiếp xúc dưới 25% thời gian của ca làm việc;

- Đối với các yếu tố quy định thời gian tiếp xúc cho phép thì hạ xuống 1 điểm nếu thời gian tiếp xúc thực tế khi làm việc dưới 50% thời gian tiếp xúc cho phép;

- Đối với những yếu tố có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu (từ 02 chỉ tiêu trở lên) để đánh giá thì cũng chỉ chọn 01 chỉ tiêu chính để đánh giá và cho điểm; có thể đánh giá các chỉ tiêu khác nhằm tham khảo, bổ sung thêm số liệu cho chỉ tiêu chính.

d) Bước 4: Tính điểm trung bình các yếu tố theo công thức:

Trong đó:

: Điểm trung bình cộng của các yếu tố.

n: Số lượng yếu tố đã chọn và tiến hành đánh giá tại Bước 3 (n≥6)

X1, X2,...Xn: Điểm của yếu tố thứ nhất, thứ hai,...,thứ n.

đ) Bước 5: Tổng hợp kết quả vào phiếu theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và xác định điều kiện lao động theo điểm trung bình các yếu tố

() như sau:

Trong đó:

- Trường hợp đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động có kết luận mức độ nguy cơ rủi ro thấp hoặc không có nguy cơ rủi ro thì điều kiện lao động được xếp loại trên cơ sở kết quả phân loại theo phương pháp quy định tại khoản 3 Điều này;

- Trường hợp đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động có kết luận mức độ nguy cơ rủi ro trung bình và có ít nhất 01 yếu tố nguy hiểm, có hại chưa được đánh giá theo phương pháp phân loại lao động theo quy định tại Thông tư này nằm ngoài giới hạn cho phép nhưng không có khả năng gây ra những chấn thương tai nạn lao động nặng hoặc nhiễm độc cấp tính thuộc danh mục những chấn thương để xác định tai nạn lao động nặng theo quy định của Chính phủ thì việc xếp loại lao động được cộng thêm 0,5 điểm vào kết quả đánh giá, xác định điều kiện lao động;

- Trường hợp đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động có kết luận mức độ nguy cơ rủi ro cao và có 01 yếu tố nguy hiểm, có hại chưa được đánh giá theo phương pháp phân loại lao động theo quy định tại Thông tư này nằm ngoài giới hạn cho phép và có khả năng gây ra những chấn thương tai nạn lao động nặng hoặc nhiễm độc cấp tính thuộc danh mục những chấn thương để xác định tai nạn lao động nặng theo quy định của Chính phủ thì việc xếp loại lao động được cộng thêm 0,7 điểm vào kết quả đánh giá, xác định điều kiện lao động;

- Trường hợp đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động có kết luận mức độ nguy cơ rủi ro cao và có 02 yếu tố nguy hiểm, có hại chưa được đánh giá theo phương pháp phân loại lao động theo quy định tại Thông tư này trở lên nằm ngoài giới hạn cho phép và có khả năng gây ra những chấn thương tai nạn lao động nặng hoặc nhiễm độc cấp tính thuộc danh mục những chấn thương để xác định tai nạn lao động nặng theo quy định của Chính phủ thì việc xếp loại lao động được cộng thêm 01 điểm vào kết quả đánh giá, xác định điều kiện lao động.

3. Kết quả đánh giá, phân loại điều kiện lao động

Kết quả đánh giá, phân loại điều kiện lao động là kết quả tổng hợp của việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 3 và kết quả đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Chương III

MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

Điều 7. Sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm

1. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Việc rà soát, đánh giá phải được thực hiện đối với nghề, công việc thuộc ngành, lĩnh vực cụ thể.

b) Quá trình chọn mẫu để rà soát, đánh giá phải được thực hiện phù hợp với từng loại hình, quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đại diện vùng, miền lấy mẫu.

c) Kết quả rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được sử dụng để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm là kết quả rà soát, đánh giá được thực hiện trong thời gian không quá 12 tháng kể từ tháng đề xuất.

2. Tài liệu gửi kèm văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm:

a) Tóm tắt hiện trạng các chức danh nghề, công việc đặc thù của ngành, lĩnh vực và so sánh với Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; lý do đề xuất bổ sung, sửa đổi.

b) Số liệu đo, đánh giá các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động đối với các chức danh nghề, công việc đề nghị bổ sung, sửa đổi và phiếu ghi tổng hợp kết quả theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Bảng tổng hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung việc phân loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Căn cứ đề xuất của Hội đồng thẩm định tài liệu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định ban hành, sửa đổi, bổ sung, đưa ra khỏi danh mục nghề.

Điều 8. Thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động

1. Người sử dụng lao động thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại lao động lần đầu và khi có sự thay đổi về công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất dẫn đến việc thay đổi về điều kiện lao động hoặc khi thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động mà phát hiện những yếu tố nguy hiểm, có hại mới phát sinh so với lần đánh giá trước đó nhưng phải bảo đảm thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại điều kiện lao động tối thiểu 01 lần trong vòng 03 năm.

2. Việc đánh giá, phân loại lao động được thực hiện theo phương pháp phân loại lao động theo điều kiện lao động ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Thực hiện chế độ người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

1. Người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Đối với nghề, công việc tại nơi làm việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp loại trừ, giảm thiểu tác động của các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động tổ chức đánh giá, phân loại lao động và đề xuất về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét. Trong đó phải gửi kèm các tài liệu quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Trường hợp kết quả đánh giá không còn đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động không phải thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Cục An toàn lao động

1. Hằng năm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu về an toàn, vệ sinh lao động thực hiện rà soát, đánh giá Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đề xuất Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục theo quy định tại Điều 22 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động do Cục An toàn lao động chủ trì với sự tham gia của đại diện cơ quan thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học về an toàn, vệ sinh lao động để thẩm định đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, báo cáo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.

3. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động đánh giá điều kiện lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh và Xã hội

1. Phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện Thông tư này.

2. Thanh tra, kiểm tra, báo cáo về hoạt động đánh giá điều kiện lao động trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày     tháng     năm 2021.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin