Hết hạn lấy ý kiến
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới
Ngày hết hạn: 15/08/2021
Lĩnh vực văn bản: Bình đẳng giới
Loại văn bản: Nghị định
Tóm tắt
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính,thẩm quyền lập biên bản,thẩm quyền xử phạt và mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.
2. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực bình đẳng giới không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
3. Trường hợp áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật thì không bị coi là hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới như các hành vi ưu tiên đối với lao động nữ trong lĩnh vực lao động;quy định độ tuổi trong lĩnh vực chính trị, giáo dục đào tạo;hành vi ưu tiên nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao;
Lần dự thảo:

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính,thẩm quyền lập biên bản,thẩm quyền xử phạt  và mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

2. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực bình đẳng giới không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

3. Trường hợp áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật thì không bị coi là hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới như các hành vi ưu tiên đối với lao động nữ trong lĩnh vực lao động;quy định độ tuổi trong lĩnh vực chính trị, giáo dục đào tạo;hành vi ưu tiên nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao; 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Tổ chức quy định tại Điều này gồm:

a) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

b) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác;

d) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

đ) Đơn vị sự nghiệp công lập;

e) Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;

g) Các tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài, tổ chức phi Chính phủ được phép hoạt động tại Việt Nam;

h) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới là một năm.

2. Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới được quy định như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

c) Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới mà chưa xác định được là hành vi đang thực hiện hay hành vi đã kết thúc thì căn cứ xác định là thời điểm người thẩm quyền xử phạt phát hiện hành vi vi phạm nếu đang còn thời hiệu xử phạt.

3. Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới đang được thực hiện là các hành vi sau đây:

Các hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều 6; điểm đ, e khoản 4 Điều 6; điểm c khoản 1 Điều 7; điểm b khoản 2 Điều 9; điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 10; điểm b khoản 2 Điều 11; điểm c khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 12; điểm c khoản 1, các điểm a, b khoản 2 Điều 13 Nghị định này.

4. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Thời điểm kết thúc hành vi vi phạm là ngày đã thực hiện hành vi vi phạm đó.

Điều 4. Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính công khai thông tin sai sự thật;

b) Buộc xin lỗi công khai;

c) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm phạm;

d) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý người bị thiệt hại trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần;

đ) Buộc tiêu hủy các vật phẩm, văn hóa phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới;

e) Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính các vật phẩm, văn hóa phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới;

g) Buộc tháo dỡ hoặc xóa bỏ, hủy bỏ sản phẩm quảng cáo có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới;

h) Buộc sửa đổi, hủy bỏ các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính. 

Điều 5. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

1. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bình đẳng giới là 30.000.000 đồng.

2. Nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền:

a) Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tại Chương II Nghị định này được quy định áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trường hợp hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân;

b) Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt;

c) Khi xác định mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.Thẩm quyền phạt tiền đối vớihành vi vi phạm hành chính củatổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 6. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến chính trị

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ngườidự kiến bổ nhiệm nhằm cản trở việc bổ nhiệm vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

c) Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

d) Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho một hoặc nhiều người trong danh sách ứng cử khi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho ngườiđược dự kiến khi thực hiện các thủ tục lấy ý kiến về ứng cử viên để bổ nhiệm vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúi giục người khác trì hoãn, không cung cấp hoặc trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu, mẫu hồ sơ nhằm cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Xúi giục người khác trì hoãn hoặc trì hoãn thực hiện các thủ tục nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

c) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

d) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở ngườiđược dự kiến bổ nhiệm vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Dùng vũ lực cản trở việc bổ nhiệm ngườiđược dự kiến vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

c) Sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ hoặc ép buộc người khác sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

d) Sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ hoặc ép buộc người khác sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

đ) Không cho người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

e) Không thực hiện việc bổ nhiệm ngườiđược dự kiến vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra hoặc thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm c và d khoản 4 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm đối với hành vi quy định tại các điểm a và b khoản 1, điểm c và điểm d khoản 3 Điều này;

b) Buộc xin lỗicông khai người bị tuyên truyền sai sự thật đối với hành vi quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều này;

c) Buộc cải chính công khai thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều này;

d) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử, trong diện được bổ nhiệm đối với hành vi quy định tại các điểm b khoản 3, các điểm dvà điểm e khoản 4 Điều này;

đ) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại các điểm c và d khoản 3;các điểm a và b khoản 4 Điều này;

e) Buộc sửa đổi, hủy bỏ hoặc đề nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, huỷ bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhâncó sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 7. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến kinh tế

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh vì định kiến giới.

b) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở người thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh vì định kiến giới;

c) Xúi giục người khác trì hoãn cung cấp hoặc trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu, mẫu hồ sơ theo quy định đối với người trong việc làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh vì định kiến giới.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở người thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh vì định kiến giới;

b) Sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở người thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh vì định kiến giới;

c) Ép buộc người khác sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ nhằm cản trở người thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh vì định kiến giới.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thương mại ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ doanh nghiệp, thương nhân của một giới nhất định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép quảng cáo từ 03 (ba) tháng đến 06 (sáu) tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b, c khoản 2Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi người bị xúc phạm, bị đe dọa dùng vũ lực hoặc bị uy hiếp tinh thần đối với hành vi quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này;

d) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tạicác khoản 3 Điều này.

Điều 8. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;

b) Nghiêm cấm hoặc cản trở người khác lựa chọn nghề nghiệp, việc làm vì lý do giới tính.

c) Phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công, cơ hội đào tạo thăng tiến của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính;

d) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đặt rahoặc thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

3. Các hành vi vi phạm quy địnhriêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động,bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người lao động đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Buộc sửa đổi, hủy bỏ hoặc đề nghị tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, hủy bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 9. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến giáo dục, đào tạo

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo vì lý do giới tính.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lý do giới tính.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lý do giới tính;

b) Từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức giáo dục hướng nghiệp, biên soạn, phổ biến sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người đã bị ép buộc, cản trở đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc sửa đổi, hủy bỏ các quy định về tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính nội dung sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có định kiến giới; trường hợp không sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính thì buộc phải tiêu hủy các tài liệu có nội dung định kiến giới đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 10. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến khoa học, công nghệ

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở người tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở người tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới;

b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu nhằm cản trở người tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở người tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới;

b) Không cho người tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi từ chối việc tham gia của một giới trong các khóa đào tạo hoặc trong các hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lýđối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này.

Điều 11. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giớiliên quan đến văn hóa, thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn,tham gia hoạt động thể dục, thể thao hoặc các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới;

b) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc tham gia hoạt động thể dục, thể thao, các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực cản trở người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tham gia hoạt động thể dục, thể thao hoặc các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới;

b) Không cho người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tham gia hoạt động thể dục, thể thao hoặc các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới;

c) Tự mình hoặc xúi giục người khác thực hiện hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào;

b) Truyền bá tư tưởng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức;

c) Thực hiện quảng cáo về các dịch vụ xã hội, thông báo, nhắn tin, rao vặt có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép xuất bản, quảng cáo từ 03 (ba) tháng đến 06 (sáu) tháng đối với hành viquy định tại điểm a và c khoản 3 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khaiđối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc tháo dỡ, sửa đổi, thay thế, đính chính các tác phẩm, vật phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới; trường hợp khôngsửa đổi, thay thế, đính chính thìbuộc phải tiêu hủy các tác phẩm, vật phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới đối với hành vi quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều này;

d) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này.

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này.

Điều 12. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến  y tế

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới;

b) Xúi giục người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe,truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới;

c) Trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ngăn cản, không cho người khác tham gia các hoạt động giáo dục,truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới;

b) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực cản trở người khác tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo rượu hoặc bia có độ cồn dưới 15 độ có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự hấp dẫn về giới tính hoặc hướng đến phụ nữ mang thai;

b) Quảng cáo rượu hoặc bia có độ cồn dưới 15 độ trong các sự kiện, trên các phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai;

c) Quảng cáo việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính phôi, thai nhi.

5. Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này;

c) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lýđối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;

d) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 13. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, không cho thành viên trong gia đình tham gia sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;

b)Cản trở, không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới;

c) Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

b) Không cho hành viên trong gia đình tham gia công tác xã hội vì định kiến giới;

c) Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm c khoản 3và khoản 5Điều này;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lýđối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 3, khoản 4 và khoản 5Điều này;

c) Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người đã bị xâm hại đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này.

 

Chương III

THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 14. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới được quy định trong Nghị định này bao gồm:

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều 15, 16, 17, 18, 19 và 20 của Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

2. Công chức, viên chức đang làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.

Điều 15. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Lao động

1. Thanh tra viên lao động, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định tại Chương II của Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

3. Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 21.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá42.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

5. Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Điều 16. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành khác

Trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, các chức danh thanh tra chuyên ngành của các ngành khác, bao gồm:  Thanh tra viên đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra cấp Sở, Chánh thanh tra cấp Bộ mà phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới quy định tại Nghị định này thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình thì cũng có thẩm quyền xử phạt  vi phạm hành chính như các chức danh tương ứng quy định  tại Điều 15 Nghị định này về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Lao động.

Điều 17. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 6.000.000đồng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Điều 18. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân

1. Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 300.000 đồng.

2. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 900.000 đồng.

3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 3.000.000đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 6.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghềcó thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 12.000.000đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và hkhoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

6. Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Điều 19. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng

1. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 300.000 đồng;

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

3. Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 3.000.000đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và hkhoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

 

Điều 20. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển

1. Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 600.000 đồng.

2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 6.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 12.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 9.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 18.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

6. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Điều 21. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thanh tra Lao động có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định này đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này.

3. Công an nhân dân có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này.

4. Bộ đội biên phòng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo thẩm quyền quy định tại Điều 19 Nghị định này đối với hành vi vi phạm tại Chương II Nghị định này.

5. Cảnh sát biển có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo thẩm quyền quy định tại Điều 20 Nghị định này đối với hành vi vi phạm tại Chương II Nghị định này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 23. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà chưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chínhmà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định này.

2. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

Điều 24. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin