Tóm tắt
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Lần dự thảo:

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại Công văn số /BNV-TCBC ngày  .... tháng .... năm 2021;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi chung là các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội).

2. Các cơ quan, tổ chức hành chính có vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Điều 3. Nguyên tắc xác định vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62/2020/NĐ-CP) và xác định định mức biên chế không tăng so với số lượng biên chế được cơ quan có thẩm   quyền giao.

2. Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 4. Căn cứ xác định vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính

Việc xác định vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và các căn cứ sau:

1. Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Tình hình thực tế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan,         tổ chức.

Điều 5. Căn cứ xác định định mức biên chế công chức

Việc xác định định mức biên chế công chức được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và các căn cứ sau:

1. Quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành (nếu có).

2. Kế hoạch và lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

Chương II

XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

 

Điều 6. Nhóm vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội gồm 04 nhóm, cụ thể:

a) Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.

b) Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

c) Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch, đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác).

d) Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

2. Vị trí việc làm quy định tại điểm a, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này thực hiện theo theo hướng dẫn của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Điều 7. Thống kê công việc thuộc các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính

Việc thống kê công việc thuộc các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính thực hiện như sau:

1. Từng cá nhân đảm nhận các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính tiến hành thống kê công việc hiện đang được giao đảm nhận.

2. Công việc thống kê theo quy định tại khoản 1 Điều này gồm các công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và các công việc khác do cấp có thẩm quyền giao (công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại trong các năm và những việc không xuất hiện thường xuyên nhưng lặp lại theo chu kỳ).

3. Thống kê công việc trong cơ quan, tổ chức được thực hiện theo trình tự từ đơn vị cấp dưới lên đơn vị cấp trên trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức.

4. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và bản thống kê công việc của các công chức đảm nhận vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổng hợp thống kê công việc thuộc các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội của cơ quan, tổ chức mình quản lý và báo cáo cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.

5. Việc thống kê công việc của từng cá nhân công chức đảm nhiệm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; việc thống kê công việc thuộc vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo Mẫu số 1 và Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Đánh giá thực trạng sử dụng đội ngũ công chức tại các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính

Đánh giá thực trạng việc phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ công chức tại các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính bao gồm các nội dung sau:

1. Đánh giá sự phù hợp của việc phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức theo nhiệm vụ đang đảm nhận.

2. Trường hợp có sự không phù hợp, đề xuất phương án phân công, bố trí, sử dụng đội ngũ công chức đảm nhận vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ở cơ quan, tổ chức hành chính.

Điều 9. Phương pháp xác định vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính

1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức hành chính; các công việc được thống kê tại Điều 7 Thông tư này và tiêu chuẩn ngạch công chức theo quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lựa chọn các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội theo danh mục tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này và số lượng biên chế công chức tương ứng với từng vị trí phù hợp với mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động của cơ quan, đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt.

2. Tiến hành phân nhóm các công việc được thống kê tại Điều 7 Thông tư này theo từng vị trí việc làm đã xác định trên cơ sở kết quả đánh giá, rà soát thực trạng sử dụng đội ngũ công chức tại các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; phương án phân công, bố trí, sử dụng công chức đã đề xuất (nếu có) tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

3. Xác định khung năng lực và bản mô tả vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong các cơ quan, tổ chức hành chính.

a) Khung năng lực của từng vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được xây dựng gồm các năng lực và kỹ năng phải có để hoàn thành các nhiệm vụ, công việc nêu tại Bản mô tả công việc ứng với từng vị trí việc làm theo Mẫu số 3 Bản mô tả vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Khung năng lực đối với vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức hiện hành.

 

Chương III

ĐỊNH MỨC BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC TRONG CƠ QUAN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH THUỘC  NGHÀNH  LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

           

Điều 10. Định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Đối với Vụ thuộc Bộ, định mức biên chế công chức quy định như sau:

a) Vụ thuộc Bộ không có cấp phòng trực thuộc:

- Vụ trưởng: 01 biên chế công chức;

- Phó Vụ trưởng: có không quá 03 biên chế công chức cấp phó;

- Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ): định biên đảm bảo tổng số biên chế công chức của Vụ đạt tối thiểu 15 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng).

b) Vụ thuộc Bộ có cấp phòng trực thuộc:

- Vụ trưởng: 01 biên chế công chức;

- Phó Vụ trưởng: có không quá 03 biên chế công chức cấp phó;

- Phòng thuộc Vụ:

+ Trưởng phòng thuộc Vụ: 01 biên chế công chức;

+ Phó Trưởng phòng thuộc Vụ: Phòng thuộc Vụ có từ 07 đến 09 biên chế công chức được bố trí 01 biên chế công chức cấp phó; có từ 10 đến 15 biên chế công chức được bố trí không quá 02 biên chế công chức cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 biên chế công chức cấp phó;

+ Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ) được định biên đảm bảo các tiêu chí sau:

Tổng số biên chế công chức của Vụ đảm bảo đạt tối thiểu 30 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng và Phó trưởng phòng);

Tổng số biên chế công chức của phòng thuộc Vụ đảm bảo đạt tối thiểu 07 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng Trưởng phòng và Phó trưởng phòng).

2. Đối với Cục thuộc Bộ, định mức biên chế công chức quy định như sau:

a) Cục trưởng: 01 biên chế công chức.

b) Phó Cục trưởng: có không quá 03 biên chế công chức cấp phó;

c) Phòng và tương đương thuộc Cục:

- Trưởng phòng thuộc Cục: 01 biên chế công chức;

- Phó Trưởng phòng thuộc Cục: Phòng thuộc Cục có từ 07 đến 09 biên chế công chức được bố trí 01 biên chế công chức cấp phó; có từ 10 đến 15 biên chế công chức được bố trí không quá 02 biên chế công chức cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 biên chế công chức cấp phó;

- Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ) được định biên đảm bảo các tiêu chí sau:

+ Tổng số biên chế công chức của Cục đảm bảo đạt tối thiểu 30 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng Cục trưởng, Phó cục trưởng, Trưởng phòng và Phó trưởng phòng);

+ Tổng số biên chế công chức của phòng thuộc Cục đảm bảo đạt tối thiểu 07 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng Trưởng phòng và Phó      trưởng phòng).

3. Đối với Văn phòng, Thanh tra thuộc Bộ:

Định mức biên chế công chức Văn phòng, Thanh tra thuộc Bộ áp dụng như đối với định mức biên chế đối với Cục thuộc Bộ quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này và phù hợp quy định pháp luật chuyên ngành (nếu có) và nhiệm vụ được giao.

4. Đối với Tổng cục và tương đương

a) Tổng Cục trưởng: 01 biên chế công chức.

b) Phó Tổng cục trưởng: có không quá 04 biên chế công chức cấp phó;

c) Đối với Vụ thuộc Tổng cục

- Vụ trưởng: 01 biên chế công chức.

- Phó Vụ trưởng: từ 01 đến 02 biên chế công chức cấp phó đối với Vụ có từ 15 đến 20 biên chế công chức; có không quá 03 biên chế công chức cấp phó đối với Vụ có trên 20 biên chế công chức trở lên.

- Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ): định biên đảm bảo tổng số biên chế công chức của Vụ đạt tối thiểu 15 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng).

d) Đối với Cục (nếu có) thuộc Tổng cục

- Cục trưởng : 01 công chức;

- Phó Cục trưởng: Cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 biên chế công chức cấp phó; Cục có từ 04 tổ chức trở lên được bố trí không quá 03 biên chế công chức cấp phó;

- Phòng và tương đương thuộc Cục:

+ Trưởng phòng: 01 công chức;

+ Phó trưởng phòng: phòng có từ 07 đến 09 biên chế công chức được bố trí 01 biên chế công chức phó trưởng phòng; có từ 10 đến 15 biên chế được bố trí không quá 02 biên chế công chức phó trưởng phòng; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 biên chế công chức phó trưởng phòng.

+ Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ) được định biên đảm bảo các tiêu chí sau:

+ Tổng số công chức của Cục phải đảm bảo đạt tối thiểu 30 biên chế công chức (bao gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng và Phó trưởng phòng);

+ Tổng số công chức của Phòng phải đảm bảo đạt tối thiểu 07 biên chế công chức (bao gồm Trưởng phòng và Phó trưởng phòng).

đ) Đối với Văn phòng, Thanh tra (nếu có) thuộc Tổng cục

Định mức biên chế công chức Văn phòng, Thanh tra thuộc Tổng cục áp dụng như đối với định mức biên chế đối với Cục thuộc Tổng cục quy định tại điểm d khoản 4 Điều này và phù hợp quy định pháp luật chuyên ngành (nếu có) và nhiệm vụ được giao

Điều 11. Định mức biên chế công chức đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội (cấp Sở)

1. Giám đốc Sở: 01 biên chế công chức.

2. Phó Giám đốc: bình quân mỗi sở có không quá 03 biên chế công chức cấp phó;

3. Phòng thuộc Sở:

a) Trưởng phòng thuộc Sở: 01 biên chế công chức.

b) Phó Trưởng phòng thuộc Sở:

- Phòng thuộc Sở của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 09 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 biên chế công chức Phó trưởng phòng;

- Phòng thuộc Sở của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 biên chế công chức Phó trưởng phòng;

- Phòng thuộc Sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 biên chế công chức Phó Trưởng phòng.

c) Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ) được định biên đảm bảo các tiêu chí sau: số lượng biên chế công chức của phòng thuộc Sở (tính bao gồm cả số lượng Trưởng phòng và Phó trưởng phòng):

- Phòng thuộc Sở của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức;

- Phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I: bố trí tối thiểu 06 biên chế công chức; phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III: bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.

4. Văn phòng Sở và Thanh tra Sở (nếu có):

Trường hợp cơ cấu tổ chức của Sở có Văn phòng Sở và Thanh tra Sở thì biên chế công chức quy định như sau:

a) Văn phòng Sở:

- Chánh Văn phòng Sở: 01 biên chế công chức;

- Phó Chánh Văn phòng Sở: Thực hiện theo điểm b khoản 3 Điều này;

- Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ): thực hiện theo điểm c khoản 3 Điều này.

b) Thanh tra Sở:

- Chánh Thanh tra Sở: 01 biên chế công chức;

- Phó Chánh Thanh tra Sở:

+ Thanh tra Sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 biên chế công chức Phó Chánh Thanh tra;

+ Thanh tra Sở có từ 08 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 biên chế công chức Phó Chánh Thanh tra.

+ Công chức tham mưu, giúp việc (tương ứng với vị trí việc làm: nghiệp vụ chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ): Thực hiện theo điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 12. Định mức biên chế trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội

- Trưởng phòng: 01 biên chế công chức.

          - Phó Trưởng phòng: bình quân mỗi phòng có 02 biên chế công chức phó trưởng phòng.

- Công chức của các cơ quan chuyên môn bố trí tối thiểu từ 05 biên chế công chức (tính bao gồm cả số lượng Trưởng phòng và Phó trưởng phòng).

Điều 13. Định mức biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính khác có chức năng về quản lý hoạt động Lao động - Thương binh và Xã hội

          Định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính khác có chức năng về quản lý hoạt động Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện trên cơ sở áp dụng với cấp hành chính tương ứng được quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư này.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng      năm 2021.

Điều 15. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hoàn thiện và ban hành quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để thay thế các quyết định liên quan về vị trí việc làm công chức đã được phê duyệt trước đây.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin