Hết hạn lấy ý kiến
Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia
Ngày hết hạn: 08/07/2020
Lĩnh vực văn bản: Khác
Loại văn bản: Nghị định
Tóm tắt
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Bộ luật Lao động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Lao động.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.
Lần dự thảo:

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Bộ luật Lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng   

1. Thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Lao động.

2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Chức năng của Hội đồng tiền lương quốc gia

Hội đồng tiền lương quốc gia thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ) và chính sách tiền lương đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 4. Nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia

1. Nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm và thất nghiệp trong nền kinh tế làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.

2. Xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động.

3. Định kỳ rà soát, xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ.

4. Hằng năm, tổ chức thương lượng trên cơ sở đó khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).

5. Tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia

1. Hội đồng tiền lương quốc gia có tối đa 18 thành viên, bao gồm: 05 thành viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 05 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 05 thành viên đại diện của một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và tối đa 03 thành viên là chuyên gia độc lập.

2. Cơ cấu tổ chức Hội đồng tiền lương quốc gia như sau:

a) Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Ba Phó Chủ tịch Hội đồng, gồm: Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

c) Các ủy viên Hội đồng, gồm:

- Bốn Ủy viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bốn Ủy viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- Một Ủy viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; hai Ủy viên đại diện của hai hiệp hội ngành nghề có sử dụng nhiều lao động do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lựa chọn, đề xuất.

- Tối đa ba Ủy viên độc lập, là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội tại viện nghiên cứu, trường đại học thuộc hệ thống các viện nghiên cứu, các học viện, trường đại học của Việt Nam (không bao gồm viện nghiên cứu, trường đại học thuộc hệ thống tổ chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức của người sử dụng lao động).

3. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng tiền lương quốc gia là những người có trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội.

4. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm các Ủy viên Hội đồng tiền lương quốc gia.

5. Hội đồng tiền lương quốc gia có Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng:

a) Bộ phận kỹ thuật gồm một số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội của các cơ quan, tổ chức có đại diện tham gia Hội đồng và nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học do Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định thành lập.

b) Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng là bộ máy làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.

Điều 6. Hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia

1. Hội đồng tiền lương quốc gia làm việc theo chế độ tập thể thông qua các phiên họp của Hội đồng; thảo luận dân chủ, công khai, biểu quyết và kết luận theo đa số.

2. Các thành viên Hội đồng, thành viên Bộ phận kỹ thuật, Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng tiền lương quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Hội đồng tiền lương quốc gia có con dấu riêng, được áp dụng cơ chế tài chính theo định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí thành mục riêng trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Hội đồng tiền lương quốc gia được huy động chuyên gia trong nước, ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Bãi bỏ Chương II và Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

2. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sau khi thống nhất với Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lựa chọn và đề nghị hai hiệp hội ngành nghề có sử dụng nhiều lao động cử đại diện tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia.

3. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm cử đại diện tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, gửi danh sách để Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm theo ủy quyền.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia; lựa chọn và bổ nhiệm ủy viên độc lập của Hội đồng sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia.

5. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp dữ liệu điều tra mức sống dân cư, điều tra lao động, việc làm, điều tra doanh nghiệp theo đề nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.  

6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin