Hết hạn lấy ý kiến
Ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con
Ngày hết hạn: 24/04/2020
Lĩnh vực văn bản: An toàn vệ sinh lao động
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
Ban hành Thông tư quy định danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
Lần dự thảo:

 

THÔNG TƯ

Ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con

 

Căn cứ Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động (sau đây gọi tắt là người sử dụng lao động), bao gồm:

1. Các cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp; lực lượng vũ trang;

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;

3. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

4. Hợp tác xã; hộ gia đình;

5. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có trụ sở đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

6. Các cá nhân, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động.

Điều 3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Phổ biến Thông tư này đến người lao động. Chỉ sử dụng lao động làm các công việc theo Danh mục kèm theo Thông tư này khi họ đã biết về quy định tại Thông tư này và đồng ý trước khi làm việc.

2. Cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành khi sử dụng họ làm các công việc quy định tại Danh mục kèm theo Thông tư này.      

3. Rà soát các công việc lao động đang làm theo Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Trên cơ sở đó có kế hoạch sắp xếp, đào tạo lại hoặc chuyển nghề, chuyển công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động, nếu họ không có nhu cầu tiếp tục công việc có trong Danh mục.  

4. Tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Thông tư này định kỳ hằng năm cùng với việc sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này.

2. Tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động.

3. Hằng năm, tổng hợp và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Thông tư này cùng với báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01năm 2021.

2. Thông tư số 26/2013/TTLT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ  Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin