Tóm tắt
1. Nghị định này quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Tập đoàn, Tổng công ty sau:
a) Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
b) Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP.
c) Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Công ty mẹ tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này sau đây gọi chung là công ty.
2. Thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2019 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Lần dự thảo:

 

NGHỊ ĐỊNH

Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng

đối với người lao động và người quản lý một số Tập đoàn kinh tế,

Tổng công ty nhà nước

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014; Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

Mục 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Tập đoàn, Tổng công ty sau:

a) Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

b) Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP.

c) Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Công ty mẹ tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này sau đây gọi chung là công ty.

2. Thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2019 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng                                               

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên trong công ty quy định tại Điều 1 Nghị định này là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Người được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ủy quyền bằng văn bản thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định trong Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông đối với công ty quy định tại Điều 1 Nghị định này là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và cơ quan đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện chủ sở hữu) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Nguyên tắc xác định và trả lương, thù lao, tiền thưởng

1. Tiền lương, tiền thưởng của người lao động được xác định gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.

2. Tiền lương, tiền thưởng của Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng (sau đây gọi tắt là Ban điều hành) được tính chung với quỹ tiền lương, tiền thưởng của người lao động. Khống chế mức hưởng tối đa của Tổng giám đốc theo kết quả sản xuất, kinh doanh và mức tiền lương, tiền thưởng bình quân của người lao động. Đối với Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng được thuê làm việc theo hợp đồng lao động thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

3. Thực hiện khoán chi phí tiền lương đối với người lao động và Ban điều hành (bao gồm cả tiền thưởng trong tiền lương) phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất, kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của công ty.

4. Tiền lương của thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên chuyên trách được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản gắn với quy mô, mức độ phức tạp quản lý và hưởng tiền lương tăng thêm, tiền thưởng theo năm gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

5. Thù lao của thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên không chuyên trách được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% mức tiền lương tương ứng của thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên chuyên trách.

6. Thực hiện trả lương, thù lao, tiền thưởng theo chức danh, chức vụ gắn với mức độ hoàn thành công việc của từng người; cấp nào bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng thì cấp đó đánh giá, quyết định tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng.

Điều 4. Loại trừ yếu tố khách quan

Khi xác định tiền lương, tiền thưởng theo quy định tại Nghị định này, công ty loại trừ yếu tố khách quan (nếu có) ảnh hưởng trực tiếp làm tăng hoặc giảm năng suất lao động và lợi nhuận, bao gồm:

1. Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc can thiệp điều chỉnh giá); ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; điều chỉnh cơ chế, chính sách hoặc yêu cầu công ty di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh, tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh; cơ quan đại diện chủ sở hữu tăng hoặc giảm vốn điều lệ, vốn nhà nước đầu tư tại công ty.

2. Công ty thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; mở rộng sản xuất, kinh doanh; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; thực hiện quy chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các Hiệp định, Hiệp ước hoặc quy chuẩn của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố sản xuất đầu vào cơ bản của công ty; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác.

Mục 2

QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VÀ XÂY DỰNG THANG LƯƠNG, BẢNG LƯƠNG

Điều 5. Quản lý lao động

1. Hằng năm, công ty rà soát tổ chức bộ máy, sắp xếp cơ cấu lao động tinh gọn, hợp lý và xây dựng kế hoạch lao động.

2. Căn cứ kế hoạch lao động, công ty được quyền tuyển dụng, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật, quy chế và Điều lệ của công ty.

3. Người tuyển dụng lao động phải chịu trách nhiệm (kể cả việc giảm trừ tiền lương, tiền thưởng) nếu tuyển dụng vượt quá nhu cầu sử dụng dẫn đến người lao động không có việc làm, phải thôi việc.

Điều 6. Xây dựng thang lương, bảng lương

1. Công ty được quyền xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương để xếp lương, thực hiện các chế độ đối với người lao động, Ban điều hành, thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên chuyên trách.

2. Đối với công ty đã ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động thì tiếp tục thực hiện hoặc rà soát, điều chỉnh bổ sung hoặc ban hành mới.

Mục 3

TIỀN LƯƠNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ BAN ĐIỀU HÀNH

Điều 7. Đơn giá tiền lương khoán

1. Thực hiện khoán ổn định chi phí tiền lương (sau đây gọi tắt là đơn giá tiền lương khoán) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và Ban điều hành phù hợp với tính chất, đặc thù của công ty như sau:

a) Đối với công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đơn giá tiền lương khoán theo tỷ lệ % trên chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương, được tính trên cơ sở đơn giá tiền lương bình quân của giai đoạn 2016-2018 và một phần chênh lệch tiền lương công ty đang trả thấp hơn mặt bằng tiền lương cùng ngành nghề trên thị trường đối với lao động thực hiện sản phẩm công nghệ cao.

Đơn giá tiền lương bình quân của giai đoạn 2016 - 2018 được tính trên cơ sở tổng quỹ tiền lương hằng năm (gồm quỹ tiền lương thực hiện của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; tiền lương trả cho Ban điều hành theo quy chế của công ty) và chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương thực hiện hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2018.

Lao động thực hiện sản phẩm công nghệ cao là lao động trực tiếp thực hiện công việc thuộc danh mục công nghệ cao và danh mục sản phẩm công nghệ cao theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

b) Đối với công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đơn giá tiền lương khoán theo chỉ tiêu tấn.km luân chuyển, được tính trên cơ sở đơn giá tiền lương bình quân của giai đoạn 2016 - 2018 và một phần chênh lệch tiền lương công ty đang trả cho người lái máy bay là người Việt Nam thấp hơn so với người lái máy bay là người nước ngoài.

Đơn giá tiền lương bình quân của giai đoạn 2016 - 2018 được tính trên cơ sở tổng quỹ tiền lương, thưởng an toàn hằng năm (gồm quỹ tiền lương, thưởng an toàn hàng không thực hiện của người lao động, kể cả lao động là người nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động; tiền lương, thưởng an toàn hàng không trả cho Ban điều hành theo quy chế của công ty; sinh hoạt phí của lao động Việt Nam làm việc tại các văn phòng đại diện ở nước ngoài) và chỉ tiêu tổng số tấn.km luân chuyển thực hiện hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2018.

c) Đối với công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đơn giá tiền lương khoán theo chỉ tiêu Km điều hành bay quy đổi, được tính trên cơ sở đơn giá tiền lương bình quân của giai đoạn 2016 - 2018.

Đơn giá tiền lương bình quân của giai đoạn 2016 - 2018 được tính trên cơ sở tổng quỹ tiền lương, thưởng an toàn hằng năm (gồm: quỹ tiền lương, thưởng an toàn hàng không thực hiện của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; tiền lương, thưởng an toàn hàng không trả cho Ban điều hành theo quy chế của công ty), và chỉ tiêu tổng số Km điều hành bay quy đổi thực hiện hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2018.

2. Quỹ tiền lương, thưởng an toàn hằng năm giai đoạn 2016 - 2018 làm căn cứ để tính đơn giá tiền lương khoán tại khoản 1 Điều này là quỹ tiền lương, thưởng an toàn được xác định và quyết toán theo đúng quy định của nhà nước. Mức tiền lương bình quân kế hoạch năm 2019 tính theo đơn giá khoán không giảm so với mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2018 khi năng suất lao động và lợi nhuận kế hoạch 2019 không giảm so với thực hiện năm 2018.

3. Việc xác định đơn giá khoán theo điểm 1 và điểm 2 Điều này, công ty phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được chủ sở hữu giao.

b) Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

c) Lợi nhuận kế hoạch năm 2019 không thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2016 - 2018.

d) Mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động bình quân.

Điều 8. Quỹ tiền lương thực hiện

1. Quỹ tiền lương thực hiện hằng năm được xác định trên cơ sở đơn giá khoán nhân với chỉ tiêu tính đơn giá khoán theo Điều 7 Nghị định này thực hiện, bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận (trước thuế) thực hiện không thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2016 - 2018.

2. Đối với công ty có lợi nhuận thực hiện (ước thực hiện) vượt lợi nhuận bình quân của giai đoạn 2016 - 2018 thì được tính thêm vào quỹ tiền lương (hạch toán vào chi phí) theo nguyên tắc cứ vượt 1% lợi nhuận, được tính thêm tối đa 2% quỹ tiền lương, nhưng không quá 20% so với phần lợi nhuận vượt và không quá 2 tháng tiền lương thực hiện.

Trường hợp lợi nhuận thực hiện thấp hơn bình quân của giai đoạn 2016 - 2018 thì phải giảm trừ quỹ tiền lương theo tỷ lệ (%) hoặc theo giá trị lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận bình quân của giai đoạn 2016 - 2018, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện không thấp hơn quỹ tiền lương tính theo mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động.

3. Công ty rà soát yêu tố khách quan tại Điều 4 Nghị định này để loại trừ theo quy định. Đối với công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, trường hợp phải thực hiện quy chuẩn, quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế dẫn đến tăng lao động so với số lao động thực hiện của năm 2018 thì được tính bổ sung tiền lương của số lao động tăng vào quỹ tiền lương thực hiện theo mức tiền lương bình quân của công ty.

Mục 4

TIỀN LƯƠNG CỦA THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN,

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, KIỂM SOÁT VIÊN CHUYÊN TRÁCH

Điều 9. Mức lương cơ bản

Mức lương cơ bản của các thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách được quy định theo loại công ty gắn với quy mô, độ phức tạp quản lý như sau:

Chức danh

Mức lương cơ bản

(Đơn vị: triệu đồng/tháng)

Loại 1

Loại 2

1. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị

70

60

2. Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị; Trưởng ban kiểm soát

60

50

3. Kiểm soát viên

50

40

 

Phương án 1 (quy định tiêu chuẩn dựa trên quy mô hiện hành):

Loại 1, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 50.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (công ty con hoạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên.

Loại 2, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn sản xuất, kinh doanh dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 50.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người.

Phương án 2 (căn cứ quy mô hiện hành để ấn định loại công ty):

Loại 1, áp dụng đối với công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Loại 2, áp dụng đối với công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Điều 10. Mức tiền lương kế hoạch

Mức tiền lương kế hoạch xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là tỷ suất lợi nhuận) kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề như sau:

1. Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch bằng hoặc cao hơn lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 02 lần mức lương cơ bản.

2. Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thấp hơn không quá 50% so với lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 02 lần mức lương cơ bản nhân với tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận kế hoạch so với lợi nhuận năm trước liền kề.

3. Trường hợp lợi nhuận thấp hơn dưới 50% so với lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 01 lần mức lương cơ bản và tối thiểu bằng 50% so với mức lương cơ bản.

4. Trường hợp không có lợi nhuận thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 50% so với mức lương cơ bản; lỗ thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 30% so với mức lương cơ bản.

Điều 11. Mức tiền lương thực hiện

1. Mức tiền lương thực hiện được căn cứ vào mức tiền lương kế hoạch, mức độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận kế hoạch theo nguyên tắc quy định tại Điều 10 Nghị định này và nhiệm vụ giao cho từng thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên.

2. Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện (ước thực hiện) vượt lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thì thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên được tính thêm vào tiền lương (hạch toán vào chi phí) theo nguyên tắc thì cứ vượt 1% lợi nhuận so với kế hoạch, được tính thêm 2% tiền lương nhưng tối đa bằng 02 tháng tiền lương kế hoạch.

Mục 5

TIỀN THƯỞNG, PHÚC LỢI

Điều 12. Quỹ tiền thưởng

Căn cứ vào lợi nhuận hằng năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và các cổ đông góp vốn, thực hiện các nghĩa vụ và trích lập các quỹ theo quy định của nhà nước về nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế, công ty được trích lập quỹ tiền thưởng như sau:

1. Quỹ tiền thưởng của người lao động và Ban điều hành

a) Không quá 02 tháng tiền lương thực hiện, nếu lợi nhuận thực hiện không thấp hơn kế hoạch.

b) Không quá 02 tháng tiền lương thực hiện nhân với tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận thực hiện so với lợi nhuận kế hoạch, nếu lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch. 

2. Quỹ tiền thưởng của thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên:

a) Không quá 1,5 tháng tiền lương, thù lao thực hiện, nếu lợi nhuận thực hiện bằng lợi nhuận kế hoạch.

b) Không quá 02 tháng tiền lương, thù lao thực hiện, nếu lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch.

c) Không quá 1,5 tháng tiền lương, thù lao thực hiện nhân với tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận thực hiện so với lợi nhuận kế hoạch, nếu lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận kế hoạch.

Điều 13. Quỹ phúc lợi

Công ty trích lập quỹ phúc lợi cùng với quỹ tiền thưởng để đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình và hoạt động phúc lợi chung như sau:

1. Không quá 01 tháng tiền lương, thù lao thực hiện, nếu lợi nhuận thực hiện không thấp hơn kế hoạch.

2. Không quá 01 tháng tiền lương, thù lao thực hiện nhân với tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận thực hiện so với lợi nhuận kế hoạch, nếu lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch.

Mục 6

TRẢ LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG

Điều 14. Trả lương, tiền thưởng đối với người lao động và Ban điều hành

Người lao động và Ban điều hành được trả lương, tiền thưởng theo quy chế trả lương, tiền thưởng của công ty theo quy định như sau:

1. Quy chế trả lương, tiền thưởng do Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị ban hành, bảo đảm dân chủ, công khai, có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. 

2. Tiền lương, tiền thưởng của người lao động được trả căn cứ chức danh công việc, chức vụ đảm nhận và kết quả thực hiện công việc; tiền lương, tiền thưởng của Ban điều hành được trả căn cứ chức vụ đảm nhận, gắn với lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng người, bảo đảm tiền lương, tiền thưởng của Tổng giám đốc:

Phương án 1: không được vượt quá 7 lần so với mức tiền lương, tiền thưởng bình quân của người lao động.

Phương án 2: không được vượt quá 7 lần so với mức tiền lương, tiền thưởng bình quân của người lao động và không vượt quá mức tiền lương, tiền thưởng của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị.

3. Tổng giám đốc đánh giá, quyết định mức tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị đánh giá, quyết định mức tiền lương, tiền thưởng của Tổng giám đốc.

Điều 15. Trả lương, thù lao, tiền thưởng đối với Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên

1. Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm và  Kiểm soát viên được trả lương, thù lao, tiền thưởng căn cứ vào mức tiền lương, thù lao, tiền thưởng đã xác định theo từng chức danh quy định tại Điều 3, Điều 10 và Điều 11 Nghị định này và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người.

2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá, quyết định mức tiền lương, thù lao, tiền thưởng được hưởng đối với từng thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị là người đại diện vốn nhà nước, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên.  

Mục 7

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của công ty

Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên của công ty (đối với công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì người đại diện vốn nhà nước tham gia, biểu quyết ban hành quy chế giao nhiệm vụ cho Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên) có trách nhiệm sau:

1. Tổng giám đốc có trách nhiệm:

a) Xác định và báo cáo Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị đơn giá khoán, quy chế trả lương, tiền thưởng đối với người lao động và Ban điều hành.

b) Quý I hàng năm, trình Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị kế hoạch lao động và quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện năm trước liền kề của người lao động và Ban điều hành. Trường hợp không thực hiện đúng thời gian quy định thì Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị và không được hưởng tiền thưởng.

c) Công khai tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Ban điều hành, thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát theo quy định.

2. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị có trách nhiệm:

a) Ban hành quy chế trả lương, tiền thưởng đối với người lao động, Ban điều hành và thang lương, bảng lương, phụ cấp lương sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu; báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt đơn giá khoán đối với người lao động và Ban điều hành.

b) Quý I hàng năm, phê duyệt kế hoạch lao động và quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện năm trước liền kề của người lao động và Ban điều hành (trường hợp có yếu tố khách quan thì báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến trước khi phê duyệt quỹ tiền lương); xác định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt tiền lương, thù lao, tiền thưởng của từng thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên.

Trường hợp không thực hiện đúng thời gian quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu và không được hưởng tiền thưởng.

c) Quý IV năm 2020, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thí điểm theo quy định tại Nghị định này.

3. Kiểm soát viên có trách nhiệm giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu kiểm tra, giám sát việc thực hiện của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu

1. Phê duyệt đơn giá khoán đối với người lao động và Ban điều hành công ty sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Hằng năm, phê duyệt tiền lương kế hoạch, giao nhiệm vụ, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, quyết định tiền lương, thù lao, tiền thưởng của thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị là người đại diện vốn nhà nước, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên; đồng thời gửi các văn bản phê duyệt, giao nhiệm vụ, quyết định tiền lương, thù lao, tiền thưởng nêu trên về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, kiểm tra, giám sát.

3. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thí điểm theo Nghị định này.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với từng công ty.

2. Phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Nghị định này.

3. Quý IV năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thí điểm theo Nghị định này.

Mục 8

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ... tháng … năm 2019 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

2. Chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ quy định tại Nghị định này, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị công ty mẹ ban hành quy chế thí điểm quản lý đối với công ty con do công ty mẹ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm tiền lương, tiền thưởng của Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Hội đồng quản trị công ty con không vượt quá mức tiền lương, tiền thưởng tối đa đối với công ty mẹ.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin