Tóm tắt
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi là Nghị định số 61/2015/NĐ-CP).
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội

 

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 ngày 7 tháng 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Căn cứ ý kiến tại Công văn số … /BQP-… ngày ..  tháng ..  năm 2019 của Bộ Quốc phòng ….; Công văn số … /CA-… ngày  ..  tháng ..  năm 2019 của Bộ Công an ….; Công văn số …  /BNV-… ngày  ..  tháng ..  năm 2019 của Bộ Nội vụ ….; Công văn số …  /BTC-… ngày  ..  tháng ..  năm 2019 của Bộ Tài chính ….;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi là Nghị định số 61/2015/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là Thanh niên).

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên.

Điều 3. Thẻ đào tạo nghề, đăng ký học nghề

1. Thẻ đào tạo nghề (sau đây gọi là Thẻ), do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Bộ Nội vụ cấp, có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp, cụ thể:

a) Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp, được Bộ Quốc phòng cấp và hướng dẫn sử dụng Thẻ.

b) Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp, được Bộ Công an cấp và hướng dẫn sử dụng Thẻ.

c) Thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp, được Bộ Nội vụ cấp và hướng dẫn sử dụng Thẻ.

2. Thanh niên có Thẻ được lựa chọn học 01 nghề trình độ sơ cấp và được lựa chọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đăng ký học nghề 01 lần (không phụ thuộc nơi cư trú, hộ khẩu của Thanh niên).

3. Hồ sơ đăng ký học nghề theo mẫu quy định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và kèm theo:

a) Thẻ đào tạo nghề (bản gốc);

b) Giấy cam kết chưa được hỗ trợ đào tạo nghề, từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, kể từ ngày được cấp Thẻ (theo Mẫu 01 đính kèm Thông tư này).

Điều 4. Mức hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại

1. Thanh niên có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP thì được cơ sở giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo Thẻ (không phụ thuộc nơi cư trú, hộ khẩu của Thanh niên).

2. Mức hỗ trợ đào tạo 01 nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh) phê duyệt phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế, đặc thù của từng nghề đào tạo, từng địa phương và chỉ có hiệu lực áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương. Địa phương có thể áp dụng Mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên của các địa phương khác đã ban hành, sau khi được UBND cấp tỉnh đồng ý.

Nội dung hỗ trợ đào tạo nghề:

a) Chi tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ;

b) Chi mua giáo trình, tài liệu, học liệu, văn phòng phẩm, cước phí thông tin, bưu điện...;

c) Chi chỉnh sửa, biên soạn chương trình, giáo trình (nếu có);

d) Chi mua nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ đào tạo;

đ) Chi thuê lớp học, thuê thiết bị giảng dạy chuyên dụng (nếu có);

e) Chi thuê phương tiện vận chuyển thiết bị giảng dạy (nếu có);

g) Trích khấu hao tài sản cố định phục vụ đào tạo theo quy định;

h) Chi cho giáo viên, người dạy nghề (lương, phụ cấp, trợ cấp...);

i) Trích nộp các khoản đóng góp của giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý... (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Kinh phí công đoàn...);

k) Chi cho công tác quản lý (không quá 5% tổng số kinh phí chi, bao gồm: Công tác phí; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo, báo cáo...);

l) Chi phí khác...

3. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại

a) Mức chi hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.

b) Mức chi hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Riêng đối với Thanh niên là thương binh, là người khuyết tật; Thanh niên cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 05 km trở lên.

4. Sử dụng tối đa giá trị của Thẻ (bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo) để chi hỗ trợ đào tạo nghề. Giá trị còn lại của Thẻ (sau khi đã chi hỗ trợ đào tạo nghề) (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

5. Trường hợp Định mức chi phí đào tạo của 01 nghề trình độ sơ cấp lớn hơn giá trị tối đa (bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo) của Thẻ thì Thanh niên tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

6. Trường hợp giá trị tối đa (bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo) của Thẻ lớn hơn tổng số chi hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại thì quyết toán theo số chi thực tế.

Điều 5. Nguồn kinh phí, kế hoạch, dự toán, quyết toán

1. Nguồn kinh phí

a) Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, được giao hằng năm của địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Các địa phương (tự cân đối ngân sách, chưa tự cân đối ngân sách) bố trí dự toán chi thường xuyên và giao dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn (cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương; cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài) có Giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp, theo nguyên tắc: Phát sinh đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên trên địa phương nào thì do địa phương đó đảm bảo nguồn kinh phí (không phụ thuộc nơi cư trú, hộ khẩu của Thanh niên). Nếu thiếu, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để được giao bổ sung kinh phí thực hiện. Kết thúc năm ngân sách, phần kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo chưa sử dụng hết (nếu có) được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không sử dụng cho mục đích khác.

2. Lập kế hoạch, dự toán kinh phí

Trong Quý II hằng năm, căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch; số lượng Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ; Mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên được phê duyệt. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên (theo Mẫu số 02 đính kèm Thông tư này).

3. Quyết toán kinh phí

Trong Quý I hằng năm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp Báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên (theo Mẫu số 03 đính kèm Thông tư này). Kèm theo:

a) Quyết định mở lớp (kèm theo Danh sách Thanh niên nhập học).

b) Quyết định công nhận tốt nghiệp (kèm theo Danh sách Thanh niên tốt nghiệp, bản gốc Thẻ đào tạo nghề của Thanh niên tốt nghiệp và Biên bản xét duyệt công nhận tốt nghiệp).

c) Danh sách Thanh niên thôi học (nếu có) (theo Mẫu số 04 đính kèm Thông tư này) kèm theo bản gốc Thẻ đào tạo nghề của Thanh niên thôi học.

d) Danh sách Thanh niên có việc làm sau khi tốt nghiệp (theo Mẫu số 05 đính kèm Thông tư này), kèm theo: Hợp đồng lao động hoặc Quyết định tiếp nhận của người sử dụng lao động hoặc Giấy chứng nhận tự tạo việc làm của Thanh niên...).

đ) Bảng kê hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại (theo Mẫu số 06 đính kèm Thông tư này).

Điều 6. Trách nhiệm thực hiện

1. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên.

2. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Thanh niên thuộc thẩm quyền quản lý trong việc cấp và hướng dẫn sử dụng Thẻ.

b) Chủ trì giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm việc cấp và sử dụng Thẻ. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên.

c) Hằng năm (Quý I) tổng hợp kết quả cấp Thẻ cho Thanh niên thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính: trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao bổ sung kinh phí (nếu thiếu) cho địa phương thực hiện. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc cấp và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên.

4. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên.

b) Quý II hằng năm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên. Định kỳ 3 năm, tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên.

5. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức xây dựng Mức hỗ trợ đào tạo của từng nghề trình độ sơ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.

c) Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.

d) Chủ trì giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho Thanh niên trên địa bàn theo thẩm quyền quy định. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên trên địa bàn cấp tỉnh.

6. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tham mưu giúp UBND cấp tỉnh hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị xây dựng Mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, ban hành thực hiện.

c) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn lập kế hoạch, dự toán kinh phí và tổng hợp kế hoạch, dự toán kinh phí; phân bổ dự toán kinh phí gửi UBND cấp tỉnh quyết định giao kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương; cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm tra, xét duyệt quyết toán; tổng hợp kết quả xét duyệt quyết toán, gửi UBND cấp tỉnh theo quy định.

đ) Tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên theo quy định. Tham mưu giúp UBND cấp tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho Thanh niên trên địa bàn.

e) Hằng năm (Quý I), tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho Thanh niên trên địa bàn (theo Mẫu số 07 đính kèm Thông tư này) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

7. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

a) Tư vấn học nghề, tuyển sinh, tiếp nhận Thẻ theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 3 của Thông tư này. Tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và cấp chứng chỉ sơ cấp cho Thanh niên tốt nghiệp. Bố trí việc làm cho Thanh niên tốt nghiệp (sau 03 tháng) đảm bảo đạt 90% trở lên.

b) Thực hiện chi hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại cho Thanh niên theo quy định tại Điều 4 Thông tư này. Công khai minh bạch Mức hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và việc làm sau tốt nghiệp.

c) Lập kế hoạch, dự toán kinh phí và báo cáo quyết toán kinh phí theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 5 Thông tư này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Lưu trữ (bản gốc) hồ sơ, tài liệu theo quy định.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

2. Bãi bỏ Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

3. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo hướng dẫn tại Thông tư này với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn hoặc phối hợp giải quyết./.

 

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin