Tóm tắt
Thông tư này hướng dẫn điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động

 

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

          1. Người lao động làm nghề, công việc trong danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (sau đây gọi tắt là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm); đồng thời có tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nêu trên.

          2. Người sử dụng lao động của người lao động được nêu tại Khoản 1 Điều này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.  

Điều 3. Nguyên tắc điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội

          1. Chỉ thực hiện đối với người lao động thực tế làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng tên nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội của họ ghi chưa đúng tên nghề, công việc mà họ làm.

          2. Việc xác định nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm căn cứ vào các nội dung sau:

a) Đặc điểm về điều kiện lao động của nghề, công việc;  

b) Các chế độ, chính sách đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng cho người lao động trong thời gian làm các nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội (chẳng hạn như tiền lương, bồi dưỡng bằng hiện vật, nghỉ hằng năm, nghỉ ốm đau, nghỉ thai sản…).

Điều 4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

1. Đề nghị điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 98 của Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi phát hiện sự việc hoặc khi có đề nghị của người lao động (bao gồm cả người đang làm việc, đã nghỉ việc hoặc chuyển nơi làm việc khác) về việc trong sổ bảo hiểm xã hội ghi chưa đúng tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối điều chỉnh, nếu người sử dụng lao động có các căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này thì gửi văn bản đề nghị công nhận là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm về bộ chủ quản hoặc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực tiếp quản lý, để các cơ quan trên kiểm tra, rà soát, thống nhất các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành, lĩnh vực quản lý, có ý kiến đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.

Trường hợp người sử dụng lao động không có bộ chủ quản hoặc không thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì gửi văn bản đề nghị về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

          3. Trong văn bản đề nghị công nhận làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 2 Điều này phải nêu lý do ghi trong sổ bảo hiểm xã hội chưa đúng với tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; đồng thời gửi kèm theo các tài liệu để chứng minh có căn cứ xác định theo quy định tại  Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, bao gồm:      

a) Bảng tổng hợp nghề, công việc đã ghi trong sổ bảo hiểm xã hội và tên nghề, công việc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tương ứng; kèm theo mô tả đặc điểm điều kiện lao động của từng nghề, công việc;  

b) Bảng tổng hợp những người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bị ghi chưa đúng tên nghề, công việc trong sổ bảo hiểm xã hội; kèm theo các chế độ, chính sách được áp dụng cho người lao động và các tài liệu khác liên quan (nếu có) để chứng minh là người lao động thực tế có làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

 c) Đơn của người lao động có chữ ký của người lao động, đóng dấu xác nhận của người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Điều 5. Trách nhiệm cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Hướng dẫn người sử dụng lao động ghi đúng tên nghề, công việc trong sổ bảo hiểm xã hội.

2.Thực hiện điều chỉnh thông tin về tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm ghi trong sổ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định tại Điều 98 Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp chưa đủ căn cứ thực hiện điều chỉnh thì phải thông báo rõ lý do với người sử dụng lao động.

3. Thực hiện điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho các trường hợp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận chức danh nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Phối hợp với Liên đoàn lao động địa phương, Bảo hiểm xã hội địa phương và các cơ quan khác có liên quan tiến hành xác minh về điều kiện lao động, các chế độ đối với người lao động mà người sử dụng lao động có văn bản  đề nghị công nhận nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

2. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội địa phương và các cơ quan liên quan, phổ biến Thông tư này đến các người sử dụng lao động và người lao động trên phạm vi địa bàn.

3. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên địa bàn địa phương

Điều 7. Trách nhiệm của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Tiếp nhận văn bản do các bộ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Sở Lao động – Thương binh Xã hội gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị công nhận nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Phối hợp với Vụ bảo hiểm xã hội, Cục Quan hệ lao động - Tiền lương và cơ quan liên quan kiểm tra tài liệu, tiến hành khảo sát thực tế (nếu cần thiết), đánh giá căn cứ để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận nghề, công việc ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

3. Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến Thông tư này trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương; tập huấn, hướng dẫn thực hiện Thông tư này cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở trung ương, địa phương.

 Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày    tháng    năm 2019.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin