Hết hạn lấy ý kiến
Tóm tắt
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn quy trình lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
2. Thông tư này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em quy định tại khoản 1 Điều 49 và khoản 1 Điều 50 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức lấy ý kiến của trẻ em và trẻ em tham gia lấy ý kiến.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quy trình lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em

 

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trẻ em,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn quy trình lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

2. Thông tư này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em quy định tại khoản 1 Điều 49 và khoản 1 Điều 50 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức lấy ý kiến của trẻ em và trẻ em tham gia lấy ý kiến.

 Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em là các chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

2. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

3. Cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc lấy ý kiến của trẻ em

       1. Bảo đảm để trẻ em tham gia tự nguyện, chủ động, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.

       2. Tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng để trẻ em tham gia.

       3. Cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.

       4. Không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến, nguyện vọng.

       5. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em khi tham gia lấy ý kiến.

       6. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em phải được tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực.

       7. Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp với trẻ em.

 

Chương II: QUY TRÌNH LẤY Ý KIẾN CỦA TRẺ EM TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN VỀ TRẺ EM HOẶC LIÊN QUAN ĐẾN TRẺ EM

 

Điều 4. Các bước trong quy trình lấy ý kiến của trẻ em

1. Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em.

2. Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em.

3. Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em.

4. Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em.

Điều 5. Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em

  1. Xây dựng kế hoạch lấy ý kiến của trẻ em.

  2. Xác định những nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em.

  3. Xây dựng bản thuyết minh nội dung của văn bản đang soạn thảo phù hợp, thân thiện với trẻ em.

  4. Xây dựng bộ công cụ lấy ý kiến của trẻ em bảo đảm khoa học, ngắn gọn, đơn giản và phù hợp với hình thức lấy ý kiến của trẻ em.

 5. Lựa chọn trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên tham gia lấy ý kiến theo cơ cấu phù hợp về độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh và sự phát triển của trẻ em;

  6. Tập huấn cho người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em.

  7. Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoặc đề nghị phối hợp thực hiện lấy ý kiến của trẻ em.

  Điều 6. Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em

1. Trẻ em xác nhận sự tham gia lấy ý kiến của trẻ em thông qua Phiếu đồng ý tham gia ý kiến theo Mẫu số 01 tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cung cấp thông tin cho trẻ em về những nội dung cần lấy ý kiến của trẻ em.

3. Hình thức lấy ý kiến của trẻ em

a) Phiếu lấy ý kiến của trẻ em theo Mẫu số 02 tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm;

c) Thông qua điện thoại;

d) Thông qua môi trường mạng.

4. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trực tiếp lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức lấy ý kiến của trẻ em quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không trực tiếp tổ chức việc lấy ý kiến của trẻ em thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

        Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo một hoặc các hình thức quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 7. Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em

1. Cơ quan, tổ chức thực hiện lấy ý kiến của trẻ em lập Báo cáo kết quả lấy ý kiến của trẻ em theo Mẫu số 03 tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.

2. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tổng hợp ý kiến của trẻ em vào nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hồ sơ trình thẩm định, thẩm tra văn bản; tiếp thu những ý kiến phù hợp, bổ sung, chỉnh sửa vào dự thảo văn bản trước khi ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 8. Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em

1. Sau khi văn bản được ban hành, chậm nhất 60 ngày, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải thông tin, phản hồi cho trẻ em về những ý kiến đã được tiếp thu, quy định trong văn bản; giải thích, trả lời những ý kiến, nguyện vọng của trẻ em không được tiếp thu.

2. Hình thức thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em

a) Văn bản, báo cáo;

b) Hội nghị, hội thảo, diễn dàn, họp báo;

c) Niêm yết công khai tại trường học, cộng đồng nơi tổ chức lấy ý kiến của trẻ em;

d) Các phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111;

e) Thông qua môi trường mạng.

3. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lấy ý kiến của trẻ em thông qua Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì phải có văn bản thông tin, phản hồi về những ý kiến của trẻ em đã được tiếp thu quy định trong văn bản, giải thích, trả lời những ý kiến, nguyện vọng của trẻ em không được tiếp thu để Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thông tin, phản hồi với trẻ em.

Chương III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm bảo đảm để trẻ em được tham gia xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 74, Điều 49, Điều 50 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

2. Kinh phí tổ chức lấy ý kiến của trẻ em được lấy từ kinh phí hoạt động nghiên cứu, xây dựng văn bản của Cơ quan chủ trì xây dựng văn bản.

3. Cục trưởng Cục Trẻ em có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc lấy ý kiến của trẻ em; đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động lấy ý kiến của trẻ em nếu vi phạm pháp luật hoặc không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

4. Cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định các văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải bảo đảm trong hồ sơ trình có ý kiến của trẻ em trong nội dung tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tham gia giám sát việc lấy ý kiến của trẻ em khi xây dựng văn bản về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày…..tháng  năm ….

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin