Tóm tắt
Thông tư này hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (sau đây gọi tắt là SCIC).
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước

 

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 147/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.

Mục 1: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (sau đây gọi tắt là SCIC).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

2. Người quản lý chuyên trách và người quản lý không chuyên trách, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên và Kế toán trưởng.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng quy định tại Thông tư này.

 

Mục 2: QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Điều 3. Quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện, tạm ứng quỹ tiền lương, phân phối tiền lương, tiền thưởng

1. SCIC thực hiện quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương kế hoạch, đơn giá tiền lương, tạm ứng tiền lương, quỹ tiền lương thực hiện, phân phối tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo quy định tại Mục 2; Điều 9, 10, 13 Mục 3 và Mục 4 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH).

* Phương án 1:

2. Khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch, mức tiền lương bình quân thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 14 và Khoản 2 Phụ lục kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH) thì chỉ tiêu năng suất lao động được tính theo chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương (thay cho chỉ tiêu tổng thu trừ tổng chi chưa có lương) như sau:

a) Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương, bao gồm: vốn do chủ sở hữu góp trực tiếp, vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận và vốn chủ sở hữu được hình thành từ lợi nhuận sau thuế (quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối);

b) Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương năm sau được xác định bằng vốn chủ sở hữu tính lương tính đến 31/12 năm trước liền kề cộng mức tăng hoặc trừ mức giảm vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận nhân với 30%, và cộng mức tăng hoặc trừ mức giảm vốn chủ sở hữu được hình thành từ lợi nhuận sau thuế nhân với 70%.

          - Ưu điểm: Phương án này phản ánh đầy đủ được đặc thù và hao phí lao động của SCIC trong việc tạo ra và quản trị sản phẩm “công cụ vốn và công cụ nợ”; về lâu dài khi SCIC hoàn tất quá trình tiếp nhận và thoái vốn thì hoạt động sẽ tương tự như một quỹ đầu tư, việc tính năng suất lao động theo vốn chủ sở hữu là phù hợp với thực tế các quỹ đầu tư đang sử dụng chỉ tiêu NAV để khoán chi phí (trong đó có chi phí lương); đảm bảo được mục tiêu ổn định tiền lương theo Nghị định 147/2017/NĐ-CP.

          - Nhược điểm: Phương án này xảy ra hiện tượng trùng lắp về việc sử dụng chỉ tiêu lợi nhuận để tính lương cho người lao động. Cụ thể: Lợi nhuận vừa được sử dụng để tính năng suất lao động (vốn chủ sở hữu được hình thành từ lợi nhuận sau thuế) vừa được sử dụng để tính hiệu quả. Tuy nhiên, việc trùng lắp này là không trái quy định hiện hành (năng suất lao động vẫn được tính bằng doanh thu trừ chi phí chưa lương hay còn gọi là lợi nhuận chưa lương nên về bản chất là tính theo lợi nhuận), phù hợp với đặc thù và hao phí lao động của SCIC (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là chỉ tiêu hiệu quả nhưng khi đã được phân phối và chuyển vào quỹ đầu tư phát triển thì sẽ trờ thành nguồn lực đầu tư và SCIC phải hao phí lao động để thực hiện quá trình đầu tư, quản trị vốn đầu tư và thu hồi lợi nhuận).

          * Phương án 2:

2. Khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch, mức tiền lương bình quân thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 14 và Khoản 2 Phụ lục kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH) có một số điều chỉnh như sau:

a) Về chỉ tiêu năng suất lao động được tính theo chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương (thay cho chỉ tiêu tổng thu trừ tổng chi chưa có lương) như sau:

-  Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương, bao gồm: vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận và giá vốn (tính theo đánh giá lại) của hàng bán được trong năm.

- Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu tính lương được tính bằng giá trị vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận nhân với 30%, cộng với giá vốn (tính theo đánh giá lại) của hàng bán được trong năm nhân với 70%.

b) Năng suất lao động và tiền lương bình quân thực hiện năm trước liền kề được thay thế bằng năng suất lao động và tiền lương bình quân của giai đoạn từ 2014-2017.

- Ưu điểm: Phương án này phản ánh một cách trực diện hao phí lao động đối với 02 hoạt động tiếp nhận và bán vốn của người lao động, không xảy ra hiện tượng trùng lắp trong việc sử dụng lợi nhuận để tính năng suất lao động và hiệu quả khi xác định lương của người lao động như Phương án 1.

          - Nhược điểm: Phương án này chỉ phản ánh hao phí lao động ở 2 hoạt động (tiếp nhận và bán vốn), không phản đầy đủ đặc thù và hao phí lao động của SCIC (hao phí lao động để quản trị vốn và làm gia tăng giá trị tại doanh nghiệp chưa bán; Hao phí lao động để bán vốn nhưng không bán được và hao phí lao động để nghiên cứu đầu tư nhưng không đầu tư được; Đầu tư vào các dự án đầu tư mới,…); Không đảm bảo nguyên tắc ổn định tiền lương của người lao động như quy định tại NĐ 147 vì khi so sánh năng suất lao động phải so sánh năm sau với năm định gốc, thực tế các nguồn tiếp nhận và nguồn bán dự kiến giai đoạn 2018 -2020 sẽ giảm mạnh; Không đảm bảo có sự tương đồng giữa năng suất lao động định gốc và tiền lương bình quân định gốc (năng suất lao động định gốc được lấy tương ứng với tiền lương tối đa theo quy định của Nhà nước, trong khi tiền lương bình quân định gốc giai đoạn 2014-2017 được lấy theo thực tế quyết toán, thấp hơn mức tối đa theo quy định của Nhà nước).

3. Khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH thì chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch được so sánh với mức lợi nhuận 5.000 tỷ đồng (thay cho việc so sánh với chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề).

Mức lợi nhuận 5.000 tỷ đồng là mức lợi nhuận của khung lợi nhuận cao nhất quy định tại Điều 6 Thông tư này. Khi các mức lợi nhuận quy định tại Điều 6 Thông tư này được điều chỉnh thì mức lợi nhuận 5.000 tỷ đồng được xem xét, xác định lại cho phù hợp. 

Điều 4. Loại trừ các yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động

1. Khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động, SCIC loại trừ các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận, bao gồm:

a) Ảnh hưởng của các yếu tố khách quan quy định tại Điều 11 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH;

b) Nhà nước điều chỉnh mức thuế suất đối với thu nhập doanh nghiệp;

c) SCIC thực hiện tiếp nhận, bàn giao doanh nghiệp, điều chuyển quỹ đầu tư phát triển theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc loại trừ yếu tố khách quan quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo nguyên tắc như sau:

a) Năng suất lao động, lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan phải được lượng hóa và tính toán bằng số liệu cụ thể;

b) Yếu tố khách quan làm giảm (hoặc tăng) năng suất lao động, lợi nhuận thì được cộng thêm (hoặc giảm trừ) phần năng suất lao động, lợi nhuận giảm (hoặc tăng) tương ứng vào chỉ tiêu năng suất lao động, lợi nhuận trong năm;

c) Khi xác định quỹ tiền lương thực hiện, SCIC phải đánh giá lại ảnh hưởng thực tế của các yếu tố khách quan đến năng suất, lợi nhuận so với kế hoạch để loại trừ theo quy định.

Mục 3: TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ

Điều 5. Xếp lương, xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng và trả lương, thù lao, tiền thưởng

1. SCIC thực hiện nguyên tắc xác định, trả lương, thù lao, tiền thưởng; xếp lương đối với người quản lý chuyên trách; xác định quỹ thù lao kế hoạch, quỹ thù lao thực hiện, quỹ tiền thưởng; trả lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý theo quy định tại Điều 3 Mục 1, Mục 2, Điều 9, 12, 14, 16, 17, 18 và Điều 19 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH).

2. Mức tiền lương kế hoạch để xác định quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý chuyên trách được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này; xác định quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 6. Mức tiền lương kế hoạch của người quản lý chuyên trách

Mức tiền lương bình quân kế hoạch (tính theo tháng) của người quản lý chuyên trách được xác định gắn với bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, nộp ngân sách theo quy định, năng suất lao động và khung lợi nhuận như sau:

1. Trường hợp lợi nhuận kế hoạch của SCIC đạt 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tính theo lợi nhuận được tính bằng mức lương cơ bản (xác định trên cơ sở bình quân mức lương cơ bản của người quản lý chuyên trách tương ứng với hạng công ty theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP của Chính phủ). Trường hợp lợi nhuận kế hoạch thấp hơn 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và giảm trừ theo nguyên tắc: cứ 1% lợi nhuận kế hoạch thấp hơn so với 2.900 tỷ đồng, thì giảm trừ 0,5% mức lương cơ bản, nhưng thấp nhất bằng 1,2 lần mức tiền lương bình quân chế độ.

2. Trường hợp lợi nhuận kế hoạch của SCIC cao hơn 2.900 tỷ đồng thì mức tiền lương tính theo lợi nhuận được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương cơ bản (gọi tắt là Hln) gắn với quy mô lợi nhuận như sau:

a) Lợi nhuận kế hoạch cao hơn 2.900 tỷ đồng đến dưới 3.900 tỷ đồng thì Hln tối đa bằng 0,5 lần mức lương cơ bản.

b) Lợi nhuận kế hoạch từ 3.900 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng thì Hln tối đa bằn 0,7 lần mức lương cơ bản.

c) Lợi nhuận kế hoạch từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì Hln tối đa bằng 1,0 lần mức lương cơ bản.

Trường hợp năng suất lao động bình quân kế hoạch của SCIC giảm so với thực hiện của năm trước liền kề, sau khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch theo lợi nhuận nêu trên, phải giảm trừ tiền lương theo nguyên tắc: cứ giảm 1% năng suất lao động bình quân kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề thì giảm trừ 0,5% mức tiền lương bình quân kế hoạch.

3. Trường hợp SCIC không có lợi nhuận thì căn cứ kế hoạch sản xuất, kinh doanh so với thực hiện của năm trước liền kề, mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định thấp nhất bằng mức tiền lương bình quân theo chế độ và cao nhất không vượt quá 1,2 lần so với mức tiền lương bình quân chế độ.

4. Trường hợp SCIC lỗ (sau khi loại trừ ảnh hưởng của yếu tố khách quan nếu có) thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định bằng mức tiền lương bình quân chế độ. Giảm lỗ so với thực hiện của năm trước thì SCIC căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định tiền lương của người quản lý, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Khung lợi nhuận quy định tại Điều này sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp, bán vốn nhà nước và đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ.

Điều 7. Quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách

1. Quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách được xác định theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH.

2. Khi xác định quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách, trường hợp lợi nhuận thực hiện giảm và thấp hơn lợi nhuận thấp nhất theo từng khung khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này thì mức tiền lương bình quân thực hiện chỉ được tính theo hệ số điều chỉnh tăng thêm trong khung quy định tương ứng với lợi nhuận nêu tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 8. Quy định việc loại trừ yếu tố khách quan khi xác định tiền lương của người quản lý

Khi xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch, quỹ tiền lương, thù lao thực hiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này, SCIC loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Mục 4: TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

 Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Tổng giám đốc SCIC có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH.

2. Hội đồng thành viên SCIC có trách nhiệm: thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 18 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và Điều 20 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH. Khi gửi các báo cáo tiền lương, tiền thưởng cho cơ quan đại diện chủ sở hữu thì đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, kiểm tra và giám sát chung.

3. Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên có trách nhiệm: thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 19 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và Điều 21 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH.

4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với SCIC (Bộ Tài chính) có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét điều chỉnh khung lợi nhuận xác định tiền lương người quản lý SCIC theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

b) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 20 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và Điều 22 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH. Khi gửi ý kiến cho SCIC về quỹ tiền lương, tiền thưởng hàng năm thì đồng thời gửi Bộ Lao động - Thư­ơng binh và Xã hội để theo dõi, giám sát chung;

c) Tiếp nhận, rà soát, có ý kiến về các yếu tố khách quan (nếu có) theo quy định tại Thông tư này làm cơ sở để SCIC xác định tiền lương của người lao động và tiền lương, thù lao của người quản lý.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày     tháng      năm 2018.

Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Trường hợp SCIC đã xác định tiền lương kế hoạch năm 2018 thì rà soát, điều chỉnh lại theo quy định tại Thông tư này.

2. SCIC áp dụng mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động và người quản lý theo quy định tại Khoản 4, Điều 22 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và Khoản 4 Điều 25 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH.

Trong quá trình thực hiện nếu có v­ướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Lao động - Thư­ơng binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

 

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin