Tóm tắt
1. Thông tư này quy định về chương trình, tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (sau đây gọi tắt là môn học) trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
2. Thông tư này áp dụng các cơ sở giáo dục có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Quy định chương trình, tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng

 

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư Quy định chương trình, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về chương trình, tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (sau đây gọi tắt là môn học) trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

2. Thông tư này áp dụng các cơ sở giáo dục có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Vị trí môn học trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng

Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học điều kiện, bắt buộc thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo cao đẳng, trình độ trung cấp và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề đào tạo.

Điều 3. Nguyên tắc, yêu cầu dạy, học môn học

1. Dạy, học môn học phải bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức phù hợp; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành; phù hợp với quy chế tổ chức đào tạo của từng trình độ; phải gắn liền với giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể; dạy, học môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại các cơ sở giáo dục phải gắn kết với giáo dục thực tế, kỹ năng thực hành và hoạt động ngoại khóa.

2. Giáo viên, giảng viên khi giảng dạy tại giảng đường hoặc trên thao trường phải mang mặc trang phục giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định; giáo viên, giảng viên là sĩ quan quân đội, công an biệt phái phải mang mặc theo Điều lệnh quân đội, công an nhân dân.

3. Giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên giảng dạy và học tập môn học phải thực hiện đúng, đủ kế hoạch giảng dạy, học tập, nội quy, quy tắc về đảm bảo an toàn về người, vũ khí, trang thiết bị.

 

Chương II

CHƯƠNG TRÌNH,  TỔ CHỨC DẠY, HỌC VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP MÔN HỌC

Điều 4. Chương trình của môn học

1. Chương trình môn học trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp là 45 giờ, chương trình cụ thể được quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

2. Chương trình môn học trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng là 75 giờ, chương trình cụ thể được quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Miễn trừ học tập

1. Học sinh, sinh viên được miễn học, miễn thi, kiểm tra môn học nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có giấy chứng nhận sĩ quan dự bị hoặc bằng tốt nghiệp do các trường quân đội, công an cấp;

b) Có chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và an ninh tương ứng với trình độ đào tạo hoặc cao hơn;

c) Có bằng tốt nghiệp từ trình độ trung cấp trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp thì được miễn học, miễn thi, kiểm tra môn học trong chương trình đào tạo trình độ đào tạo tương ứng hoặc thấp hơn.

d) Có Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp đã hoàn thành và có điểm đạt yêu cầu của môn học trong chương trình đào tạo trình độ tương ứng hoặc cao hơn so chương trình đang học;

đ) Học sinh, sinh viên là người nước ngoài.

2. Học sinh, sinh viên được miễn học, các nội dung thực hành kỹ năng quân sự trong môn học nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Không đủ sức khỏe về thể lực hoặc mắc những bệnh lý thuộc diện miễn làm nghĩa vụ quân sự theo quy định hiện hành;

b) Đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân.

3. Học sinh, sinh viên được tạm hoãn học môn học nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Vì lý do sức khỏe không bảo đảm để học môn học theo kế hoạch học tập chung và phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế khám chữa bệnh hợp pháp;

b) Là phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định hiện hành;

c) Có lý do khác không thể tham gia hoàn thành môn học, kèm theo minh chứng cụ thể và phải được hiệu trưởng nhà trường hoặc được thủ trưởng trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh chấp thuận.

4. Người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, hoặc là thương bệnh binh, có thương tật hoặc bệnh mãn tính làm hạn chế chức năng vận động được hiệu trưởng xem xét, quyết định cho miễn, giảm học môn học hoặc một số nội dung trong môn học mà khả năng cá nhân không thể đáp ứng được.

5. Hiệu trưởng quy định cụ thể việc miễn trừ học tập môn học.

Điều 6. Giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học

1. Giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học bao gồm giáo viên, giảng viên có trình độ chuẩn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh, phương pháp dạy học bảo đảm trình độ chuẩn phù hợp với yêu cầu giảng dạy ở từng trình độ đào tạo.

 

Điều 7. Quản lý giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học

Các cơ sở giáo dục thực hiện quản lý đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh như giáo viên, giảng viên môn học khác. Giảng viên, giáo viên giảng dạy môn học là sĩ quan quân đội, công an biệt phái do cơ quan, đơn vị biệt phái sĩ quan và các trường quản lý theo quy định của Chính phủ về biệt phái sĩ quan quân đội, công an.

Điều 8. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

1. Các cơ sở giáo dục có trung tâm, khoa hoặc bộ môn Giáo dục quốc phòng và an ninh thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh phải có phòng học chuyên dùng, thao trường tổng hợp; có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định hiện hành về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Quản lý, sử dụng và bảo quản vũ khí, trang thiết bị giáo dục quốc phòng và anh ninh thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 9. Quản lý môn học và tổ chức dạy, học

1. Các cơ sở giáo dục có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy, học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh theo kế hoạch đào tạo của cơ sở.

2. Các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh tổ chức dạy, học tập trung theo kế hoạch đào tạo của trung tâm.

3. Các cơ sở giáo dục tổ chức dạy, học thực hành kỹ thuật, chiến thuật, thuốc nổ và bắn đạn thật phải hợp đồng với cơ quan quân sự địa phương, đơn vị quân đội, công an để bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang thiết bị.

4. Lớp học lý thuyết nếu bố trí lớp ghép phải phù hợp với phương pháp dạy học và điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục, nhưng không quá 150 người; lớp học thực hành không quá 40 người.

Điều 10. Đánh giá kết quả học tập môn học

Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.

Kết quả đánh giá môn học này không tính vào điểm trung bình chung học kỳ, năm học, điểm trung bình chung tích lũy, xếp loại tốt nghiệp nhưng là một trong các điều kiện để xét hoàn thành khối lượng học tập, xét điều kiện dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp và được ghi vào bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp.

Chương IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày       tháng        năm 2018.

2. Đối với các lớp học được tổ chức giảng dạy môn học trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục thực hiện việc tổ chức giảng dạy môn học theo các quy định hiện hành cho đến khi kết thúc môn học.

Điều 12. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn hoặc bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin