Tóm tắt
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chia số dư bằng tiền quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên; chính sách mua cổ phần ưu đãi, mua thêm cổ phần; chính sách đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không bố trí việc làm; phương án sử dụng lao động quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP) về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần  

 

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chia số dư bằng tiền quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên; chính sách mua cổ phần ưu đãi, mua thêm cổ phần; chính sách đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không bố trí việc làm; phương án sử dụng lao động quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP) về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cấp II quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (sau đây gọi là doanh nghiệp cổ phần hóa) thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

2. Người được doanh nghiệp cổ phần hóa cử làm đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp khác (sau đây gọi là người đại diện phần vốn).

3. Người quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cấp II, gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng.

4. Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cấp II.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thực hiện chính sách quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Chia phần còn lại số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng

1. Đối tượng chia phần còn lại số dư bằng tiền quỹ khen thưởng là người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (thời điểm khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp), bao gồm: người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động; đang được doanh nghiệp cử đi học hoặc được doanh nghiệp đồng ý cho đi học; đang nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản, điều trị thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội; đang phải ngừng việc không do lỗi của người lao động; nghỉ việc không hưởng lương mà có sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

2. Phần còn lại số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP được chia cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa quy định tại khoản 1 Điều này theo số tháng công tác tại doanh nghiệp tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp cổ phần hóa đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đối với số ngày lẻ của tổng số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa để tính chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng do doanh nghiệp quyết định.

3. Số tháng công tác tại doanh nghiệp để chia Quỹ khen thưởng bao gồm: thời gian làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa; thời gian được doanh nghiệp cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động; thời gian hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội; thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp (nếu có) đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp.

4. Doanh nghiệp cổ phần hóa xây dựng phương án chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng và xác định thời điểm thực hiện phương án chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng nhưng phải thực hiện xong trước thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần.

Điều 4. Chia phần còn lại số dư bằng tiền của Quỹ phúc lợi

1. Đối tượng được chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ phúc lợi tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (thời điểm khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp), gồm:

a) Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này;

b) Người quản lý doanh nghiệp.

c) Trưởng ban kiểm soát; Kiểm soát viên.

2. Phần còn lại số dư bằng tiền của Quỹ phúc lợi quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP được chia cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này theo số tháng công tác tại doanh nghiệp tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp cổ phần hóa đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đối với số ngày lẻ của tổng số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa để tính chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ phúc lợi do doanh nghiệp quyết định.

3. Số tháng công tác tại doanh nghiệp để chia phần còn lại số dư bẳng tiền Quỹ phúc lợi được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

4. Doanh nghiệp cổ phần hóa xây dựng phương án chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ phúc lợi và xác định thời điểm thực hiện phương án chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ phúc lợi nhưng phải thực hiện xong trước thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần.

Điều 5. Chia số dư bằng tiền quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên

1. Đối tượng chia quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của doanh nghiệp cổ phần hóa, gồm: người quản lý doanh nghiệp và Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Thông tư này.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được tiếp tục sử dụng số dư bằng tiền quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo quy chế của doanh nghiệp cổ phần hóa. Việc chia số dư bằng tiền quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Điều 6. Đối tượng, thời gian mua cổ phần với giá ưu đãi, cam kết mua thêm cổ phần

1. Đối tượng mua cổ phần với giá ưu đãi cho mỗi năm làm việc thực tế trong khu vực nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa, bao gồm: người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, đang tạm hoãn hợp đồng lao động, đang được đơn vị cử đi học hoặc được đơn vị đồng ý cho đi học, đang nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản, điều trị thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội; đang phải ngừng việc không do lỗi của người lao động; nghỉ việc không hưởng lương mà có sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

b) Người đại diện phần vốn.

c) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên.

2. Thời gian thực tế làm việc trong khu vực nhà nước để mua cổ phần với giá ưu đãi là tổng thời gian tính theo số năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) thực tế làm việc trong khu vực nhà nước (cộng dồn) đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, trừ đi thời gian đã được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa hoặc đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần trước đó và thời gian đã được tính hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hoặc tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần (nếu có).

Thời gian thực tế làm việc trong khu vực nhà nước là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp cổ phần hóa, tại cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khác trước khi về làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

Thời gian thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, bao gồm các thời gian quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

3. Người lao động đại diện cho hộ gia đình nhận khoán có hợp đồng khoán ổn định lâu dài với công ty nông, lâm nghiệp được mua cổ phần với giá ưu đãi theo số năm thực tế đã nhận khoán với công ty theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Hợp đồng khoán ổn định lâu dài là loại hợp đồng khoán theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.

Số năm thực tế đã nhận khoán với công ty là tổng số năm hộ gia đình thực tế làm việc theo các hợp đồng nhận khoán ổn định lâu dài đã thực hiện xong, hợp đồng nhận khoán ổn định lâu dài đang thực hiện.

4. Trường hợp cổ phần hóa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con, các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này của doanh nghiệp cấp II tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được mua cổ phần với giá ưu đãi theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Thời gian làm việc thực tế trong khu vực nhà nước để tính mua cổ phần với giá ưu đãi được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc danh sách lao động của công ty mẹ hoặc doanh nghiệp cấp II thì mua cổ phần với giá ưu đãi tại doanh nghiệp đó.

5. Cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp để mua thêm cổ phần quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP được thực hiện bằng văn bản. Hình thức văn bản do doanh nghiệp cổ phần hóa quy định.

 

 

Điều 7. Chính sách đối với người quản lý doanh nghiệp cấp II không bố trí được việc làm

1. Trường hợp cổ phần hóa công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con và doanh nghiệp cấp II, mà người quản lý doanh nghiệp cấp II không tiếp tục được bổ nhiệm làm người quản lý công ty cổ phần, công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con bổ sung người quản lý doanh nghiệp cấp II vào phương án sử dụng lao động của công ty mình và giải quyết chính sách như người lao động dôi dư.

2. Trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp cấp II mà người quản lý doanh nghiệp cấp II không tiếp tục được bổ nhiệm làm người quản lý công ty cổ phần và đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm, công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con có trách nhiệm giải quyết trợ cấp mất việc làm cho người quản lý doanh nghiệp cấp II theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm của người quản lý doanh nghiệp cấp II là tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người quản lý doanh nghiệp cấp II.

Điều 8. Phương án sử dụng lao động

1. Căn cứ vào thực trạng lao động của doanh nghiệp cổ phần hóa, phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 3 - 5 năm tiếp theo, phương án cổ phần hóa, Ban chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp với doanh nghiệp cổ phần hóa xây dựng phương án sử dụng lao động. Trường hợp cổ phần hóa đồng thời Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con và các doanh nghiệp cấp II, từng doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động thuộc doanh nghiệp mình.

2. Quy trình xây dựng phương án sử dụng lao động theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày   tháng   năm 2018 và thay thế Thông tư số 33/2012/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Các chế độ, chính sách đối với người lao động quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực thi hành.

3. Các doanh nghiệp cổ phần hóa đã xây dựng phương án chia quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng của người quản lý, kiểm soát viên, phương án sử dụng lao động từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện điều chỉnh lại phương án theo quy định tại Thông tư này. 

4. Các công ty quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP được áp dụng các nội dung tại Thông tư này để thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bổ sung, hướng dẫn./.

 

  hà thị hiền

 04/12/2018
Đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn kỹ hơn Khoản 1, Khoản 2 Điều 43 nghị định 126/2017/ND-CP:
- Khoản 1 Điều 43:.. hưởng chính sách đối với người lao động dôi dư theo quy định của pháp luật. Đề dẫn chiếu về quy định của pháp luật liên quan (Nếu áp dụng ND 63/2015/ND-CP thì đề nghị dẫn chiếu rõ)
- Khoản 2 Điều 43: ....hưởng chính sách như chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức theo q...Xem tiếp

  Nguyễn Thị Minh

 02/05/2018
1. Rất mong Bộ xem xét và nghiên cứu điều chỉnh việc chọn mốc thời điểm là khổng phải là lần tuyển dụng cuối cùng để tính việc chia số dư quỹ khen thưởng và phúc lợi theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư mà đúng như tinh thần tại Điều 19 của Nghị định là " theo số tháng công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa" nghĩa là tính tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa để tránh mẫu ...Xem tiếp

  Nguyễn Ánh Dương

 12/04/2018
Nên tính toàn bộ thời gian người lao động làm việc thưc tế cho Doanh nghiệp cổ phần hóa thay vì chỉ tính từ lần tuyển dụng cuối cùng như dự thảo để đảm bảo sự công bằng đối với người lao động đã đóng góp cho doanh nghiệp không thiệt thòi cũng như tránh những khiếu kiện không đáng có khi phân chia quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi

  Trần Văn Anh

 11/04/2018
Đề nghị Bộ xem xét và nghiên cứu lại việc chọn mốc để tính việc chia số dư quỹ khen thưởng và phúc lợi theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 tại các doanh nghiệp khi cổ phần hóa và để cho người lao động tại các doanh nghiệp này đỡ thiệt thòi so với công sức và sự cống hiến của họ. Vì bản chất hai quỹ này là sự tích góp cộng dồn từ hằng năm năm năm qua năm khác và là sự tích lũy của nhiều hệ thế người...Xem tiếp
Không có thông tin