Tóm tắt
Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).
Lần dự thảo:

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH SỐ 60/2013/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 6  NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT KHOẢN 3 ĐIỀU 63 CỦA BỘ LUẬT  LAO ĐỘNG VỀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC

 

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc như sau:

  1. Sửa đổi Điều 4 như sau:

“Điều 4. Nguyên tắc thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc

1. Bảo đảm trật tự, kỷ cương trong khuôn khổ pháp luật.

2. Bảo đảm quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc

3. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của  người sử dụng lao động và người lao động.

4. Công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.”

2. Sửa đổi tiêu đề của chương 2 như sau:

“Nội dung dân chủ cơ sở tại nơi làm việc”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“ Điều 6. Nội dung người sử dụng lao động phải công khai

1. Chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phân xưởng, tổ, đội sản xuất.

2. Nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp, bao gồm: nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; định mức lao động; thang, bảng lương, quy chế nâng bậc lương, quy chế trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

3. Tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, tiền lương, tiền thưởng, khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động.

4. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, hình thức thỏa ước lao động tập thể khác (nếu có).

5. Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp và công khai việc sử dụng các quỹ trên.

6. Trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

7. Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.”

3. Sửa đổi Điều 9 như sau:

“Điều 9. Nội dung người lao động, kiểm tra, giám sát

1. Thực hiện hợp đồng lao động và các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các nội quy, quy chế, quy định phải công khai của doanh nghiệp.

3. Thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, hình thức thỏa ước lao động tập thể khác (nếu có); thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động, nghị quyết hội nghị tổ chức công đoàn cơ sở.

4. Trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

5. Tình hình thi đua, khen thưởng, kỷ luật; khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết luận của thanh tra, kiểm toán và thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.

6. Thực hiện điều lệ doanh nghiệp và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện các nội dung của quy chế dân chủ quy định tại Nghị định này.

4. Sửa đổi Điều 10 như sau:

“Điều 10. Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

1. Đối thoại định kỳ là đối thoại được ấn định trước thời gian một  kỳ đối thoại theo quy định của Bộ luật lao động và được quy định trong Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức hội nghị người lao động quy định tại Nghị định này thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.

2. Thành phần tham gia đối thoại

           a) Mỗi bên tham gia đối thoại quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại, số lượng thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất là 03 người.

           b) Thành phần tham gia đối phía đại diện người sử dụng lao động gồm: Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền hợp pháp và các thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động do người sử dụng lao động cử;

c) Thành phần tham gia đối thoại phía người lao động gồm: Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và các thành viên đại diện cho bên tập thể người lao động do ban chấp hành công đoàn cử.

3.Chuẩn bị nội dung đối thoại

a)Trước ngày diễn ra đối thoại định kỳ quy định trong Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc 15 ngày các bên tham gia đối thoại phải gửi nội dung đối thoại cho phía bên kia biết.

b) Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung và yêu cầu đối thoại người sử dụng lao động thống nhất với Tổ chức đại diện tập thể người lao động về  địa điểm, thời gian tiến hành đối thoại và chuẩn bị các điều kiện vật chất cần thiết khác bảo đảm cho đối thoại;

            4. Tổ chức đối thoại:

            a) Đối thoại tại nơi làm việc được tổ chức tại địa điểm và thời gian hai bên đã thống nhất. Trường hợp người sử dụng lao động thay đổi địa điểm, thời gian đối thoại thì phải thông báo cho Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở biết trước ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại.

b) Trước khi bắt đầu đối thoại hai bên phải cử đại diện của mình để ghi biên bản đối thoại. Biên bản đối thoại được ghi đầy đủ ý kiến của hải bên và những biện pháp để thực hiện các kiến nghị của cả hai bên.

c) Trong quá trình đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, trao đổi, thảo luận dân chủ các nội dung đối thoại.

           5. Kết thúc đối thoại:

a) Thông qua biên bản đối thoại. Biên bản  đối thoại tại nơi làm việc được lập thành 03 bản và có giá trị như nhau, mỗi bên tham gia đối thoại giữ một bản và một bản lưu tại doanh nghiệp;

b) Người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai biên bản  đối thoại tại nơi làm việc tại doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất và đăng tải trên hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

           6. Trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức đối thoại

           a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm: Chuẩn bị các nội dung cần phổ biến, nội dung lấy ý kiến tham gia từ phía người lao động, để đưa ra trao đổ, đối thoại và gửi trước cho phía đại diện tập thể người lao động theo quy định; cử thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại;

b) Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có trách nhiệm: Thu thập, các ý kiến, kiến nghị, hoặc yêu cầu người lao động gửi trước cho người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này; chuẩn bị các ý kiến của người lao động, tập thể người lao động để đưa ra trao đổi hoặc tham gia ý kiến với người sử dụng lao động trong cuộc đối thoại; cử các thành viên đại diện cho bên tập thể lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc; Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện đối thoại tại nơi làm việc.”

5. Sửa đổi Điều 14 như sau:

“Điều 14. Tổ chức hội nghị người lao động

1. Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu.

          Thời gian tổ chức, hình thức tổ chức hội nghị người lao động, tiêu chuẩn và số lượng đại biểu, phương thức bầu chọn đại biểu (đối với hội nghị đại biểu) do doanh nghiệp  quy định trong Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.

          2.Nội dung hội nghị người lao động, gồm:

a) Thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động và những nội dung trực tiếp liên quan đến việc làm của người lao động, lợi ích của  người sử dụng lao động; tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động trước đó và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.b) Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, các quy định, quy chế của doanh nghiệp;

c) Báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Báo cáo tiền lương, thu nhập;

đ) Bàn các biện pháp cải thiện nâng cao đời sống người lao động, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động;

e) Các nội dung khác mà hai bên quan tâm.g) Khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích suất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.h) Thông qua Nghị quyết Hội nghị người lao động.

3.Trách nhiệm tổ chức hội nghị người lao động

a)Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Chuẩn bị các báo cáo thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động để trình bày trong hội nghị

- Chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính phục vụ hội nghị người lao động; phân công cho các bộ phận chuẩn bị báo cáo trình bày trước hội nghị.

b)Tổ chức đại diện tập thể người lao động có trách nhiệm:

- Chuẩn bị báo cáo thuộc trách nhiệm của công đoàn để trình bày trong hội nghị;

- Chuẩn bị, vật chất phục vụ hội nghị;

- Tổ chức bầu chọn đại biểu tham dự Hội nghi người lao động theo quy định của quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.”

6. Sửa đổiĐiều 20 như sau:

“Điều 20. Phổ biến, triển khai, giám sát thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở phổ biến kết quả hội nghị người lao động đến toàn thể người lao động và tổ chức triển khai nghị quyết hội nghị người lao động trong doanh nghiệp.

2. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động phổ biến kết quả hội nghị người lao động đến toàn thể người lao động trong doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động trong doanh nghiệp.”

7. Bãi bỏ Điều 11, Điều 12, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 22.

8. Bổ sung Điều 23a trước Điều 23 thuộc mục Điều khoản thi hành như sau:

“Điều 23a. Xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

1.Doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

           Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải có sự tham gia ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động trước khi ban hành

           2. Nội dung chủ yếu của Quy chế dân chủ cơ sở gồm:

a) Mục đích, yêu cầu;

b) Nội dung của dân chủ cơ sở;

c) Các hình thức thực hiện đân chủ cơ sở;

d) Trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện dân chủ cơ sở;

3.Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, căn cứ vào thực tế của doanh nghiệp, tổ chức triển khai một số hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc nhằm phát huy và thực thiện tốt quyền dân chủ của người lao động.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  tháng năm 2018.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

  Nguyen Van An

 13/03/2018
NGHỊ ĐỊNH 60/2013/NĐ-CP
1. Vì có 7 Điều trong NĐ 60/2013 đã bị sửa và 8 Điều trong NĐ 60/2013 đã bị xóa, lại bổ sung thêm Điều 23a (trong khi Nghị định 60/2013 có 24 Điều ) nên về bản chất Nghị định 60/2013 đã bị thay thế quá nửa và cũng thay đổi về bản chất nội dung khi không còn quy định 03 quy chế. Do đó đề nghị ban hành Nghị định mới để tiện cho người lao động, công đoàn và doanh nghiệp cũng ...Xem tiếp
Không có thông tin