Tóm tắt
Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thực hiện Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Dự thảo Nghị định đã được tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật, đăng trên trang thông tin điện tử Chính phủ, trang thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Lần dự thảo:

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7, Chương III như sau:

Phương án 1: quy định nguyên tắc về khoảng cách giữa các bậc lương mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc ít nhất 5%):

“2. Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng”.

Phương án 2: Vẫn quy định khoảng cách giữa các bậc mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này.

“2. Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 7, Chương III như sau:

Phương án 1: quy định nguyên tắc xác định mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng):

“b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề  phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

Phương án 2: vẫn quy định nguyên tắc xác định mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 7% xuống 5% để tính tới bãi bỏ quy định này.

“b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và tương đương trở lên phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 7, Chương III như sau:

Phương án 1: quy định nguyên tắc xác định mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định cao hơn ít nhất 5% và 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động bình thường).

“c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.

Phương án 2: vẫn quy định nguyên tắc xác định mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 7% xuống 5%, từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này.

  “c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 3%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường”.

4. Bổ sung Điều 8, Chương III như sau:

Bổ sung vào trước Khoản 1, Điều 8 như sau: “Định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ do doanh nghiệp xây dựng, đảm bảo các nguyên tắc sau đây:”

5. Bổ sung điểm a khoản 2 Điều 10, Chương IV như sau:

Bổ sung vào cuối điểm a khoản 2 Điều 10 như sau: “Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan lao quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động chưa có tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp thì khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động, được giảm thủ tục tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động cấp trên cơ sở”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng      năm 2018.

Điều 3. Trách nhiệm thực hiện

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

  Châu Nguyễn

 16/03/2018
1) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Chương III:
Ý kiến 1: Nếu bỏ quy định về khoản cách giữa các bậc lương thì việc quy định về các bậc lương và quy định về việc nâng bậc lương cũng không còn có ý nghĩa gì, chỉ mang tính hình thức mà thôi:
+ Dưới góc độ người lao động, khi được tăng 1 bậc lương, nếu khoảng cách giữa 2 bậc lương đủ lớn thì mới động viên khuyến khích được người lao động.
+ Dưới g...Xem tiếp

  Nguyen Van An

 13/03/2018
Nên giữ khoảng cách tối thiểu ít nhất 5% là yêu cầu bắt buộc như cũ để đảm bảo khung tổi thiểu đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp sử dụng thang bảng lương này để đóng bảo hiểm, vì thực ra nhiều doanh nghiệp hiện nay mức thấp nhất cũng chỉ bằng tối thiểu vùng nên việc tăng 5% cũng không đáng kể nhất là trong bối cảnh việc trốn đóng bảo hiểm của doanh nghiệp vẫn còn cao mà việc th...Xem tiếp
Không có thông tin