THÔNG TƯ
Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công sử dụng
ngân sách nhà nước và tiêu chuẩn người cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ
Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trẻ em;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và tiêu chuẩn người cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và tiêu chuẩn người cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ, can thiệp trẻ em cần được bảo vệ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các thuật ngữ được quy định như sau:
1. Trẻ em cần được bảo vệ là:
a) Trẻ em đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm;
b) Trẻ em đang bị đe dọa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm.
2. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ là định mức hao phí cần thiết về lao động, thiết bị, vật tư để hoàn thành một hoạt động, một dịch vụ trong Quy trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp quy định tại Điều 6 (sau đây gọi là Quy trình cung cấp dịch vụ) và quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
3. Người cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ (sau đây gọi là người cung cấp dịch vụ) là:
a) Người cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;
b) Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Đảm bảo tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ, một hoạt động trong Quy trình cung cấp dịch vụ đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành (nếu có) hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
2. Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và tính kế thừa của định mức kinh tế - kỹ thuật trước đó.
3. Định mức các bước công việc tương tự nhau trong các nhiệm vụ chuyên môn cần bảo đảm sự phù hợp, không khác biệt, mâu thuẫn. Khi có sự thay đổi về công nghệ hoặc các yếu tố khác làm cho định mức không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì các cơ quan, tổ chức, cán nhân áp dụng định mức có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp.
Điều 5. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Định mức lao động
Định mức lao động là mức tiêu hao lao động cần thiết của người cung cấp dịch vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ, một hoạt động trong Quy trình cung cấp dịch vụ đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành (nếu có) hoặc của cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Định mức lao động bằng định mức lao động trực tiếp cộng với định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ), trong đó:
a) Định mức lao động trực tiếp là thời gian của người cung cấp dịch vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một hoạt động, một dịch vụ trong Quy trình cung cấp dịch vụ;
b) Định mức lao động gián tiếp là thời gian để thực hiện các hoạt động quản lý, phục vụ được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) của lao động trực tiếp và không vượt quá 20% lao động trực tiếp.
2. Định mức thiết bị
Định mức thiết bị là mức tiêu hao thời gian sử dụng cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ, một hoạt động trong Quy trình cung cấp dịch vụ đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành (nếu có) hoặc của cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Định mức thiết bị gồm: danh mục, chủng loại thiết bị; thông số kỹ thuật cơ bản; thời gian sử dụng từng chủng loại thiết bị. Mức tiêu hao thời gian sử dụng thiết bị được tính cho một dịch vụ, một hoạt động trong Quy trình cung cấp dịch vụ.
Nội dung xây dựng định mức thiết bị áp dụng theo thời gian sử dụng máy móc, thiết bị được quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
3. Định mức vật tư
Định mức vật tư là chi phí cho việc tiêu hao vật tư, văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ cần thiết để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ, một hoạt động trong Quy trình cung cấp dịch vụ đạt dược các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành (nếu có) hoặc của cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Định mức vật tư gồm: Danh mục chủng loại vật tư, văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ cần thiết; số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư, văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ.
Định mức vật tư, văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ tính theo chi phí thực tế, nhưng tối đa không vượt quá 20% lao động trực tiếp.
4. Đối với các chi phí khác (năng lượng, nhiên liệu, cơ sở vật chất, phí bảo vệ môi trường, dịch vụ thuê ngoài, ứng dụng công nghệ thông tin…), cơ quan, tổ chức căn cứ quy định hiện hành và thực tế hoạt động để đề xuất các khoản chi phí này trong phương án để lập đơn giá hoặc dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Điều 6. Quy trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp
- Tiếp nhận thông tin và phối hợp xử lý thông tin;
- Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại, nguy cơ, nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em;
- Đánh giá cụ thể nguy cơ, tổn hại và nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em;
- Xây dựng và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp;
- Triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp;
- Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; đóng ca; lưu trữ hồ sơ quản lý ca.
Điều 7. Tiêu chuẩn người cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ
Người cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về trẻ em; cán bộ, công chức, viên chức; vị trí việc làm; chức danh nghề nghiệp và các tiêu chuẩn sau:
1. Có kiến thức, am hiểu về trẻ em, bảo vệ trẻ em và có kinh nghiệm làm việc với trẻ em.
2. Có chứng nhận hoặc chứng chỉ đã tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng về bảo vệ trẻ em theo nội dung chuyên môn do cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em ban hành.
3. Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em.
Điều 8. Hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật này được sử dụng để:
a) Xác định chí phí, giá (khung giá) dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ nhằm từng bước chuẩn hóa hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;
b) Làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em xây dựng và thực hiện kế hoạch, xây dựng dự toán kinh phí, quản lý tài chính, bố trí nguồn nhân lực, chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Làm căn cứ để các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
2. Định mức kinh tế - kỹ thuật này không bao gồm:
a) Công tác phí;
b) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khoẻ; trợ giúp xã hội; hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; trợ giúp pháp lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.
c) Các chi phí quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này được áp dụng theo quy định hiện hành. Cơ quan, tổ chức căn cứ theo quy định và thực tế hoạt động đề xuất các khoản chi phí để lập đơn giá hoặc dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
3. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được bảo vệ nhằm tăng năng suất lao động, giảm thời gian lao động hao phí để hoàn thành một dịch vụ, một hoạt động trong Quy trình cung cấp dịch vụ, tiết kiệm chi phí để có thể áp dụng định mức thấp hơn.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ….. tháng ….. năm 2024
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tiếp tục sử dụng những người cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Thông tư này và phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về bảo vệ trẻ em trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.