Tóm tắt
1. Thông tư này quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; in, quản lý phôi; cấp và thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp cho nhà giáo.
2. Thông tư này áp dụng đối với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục khác được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp); các nhà giáo dạy trình độ sơ cấp chưa đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, người đã có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề có nguyện vọng làm nhà giáo dạy trình độ sơ cấp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; quản lý phôi

 

và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp 

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ kết quả của Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; quản lý phôi và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp; mẫu chứng chỉ, mẫu bản sao; in, quản lý phôi; cấp và thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp cho nhà giáo.

2. Thông tư này áp dụng đối với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục khác được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp); các nhà giáo dạy trình độ sơ cấp chưa đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, người đã có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề có nguyện vọng làm nhà giáo dạy trình độ sơ cấp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp quy định tại Thông tư này bao gồm: Mục tiêu, đối tượng, thời gian bồi dưỡng, danh mục các mô-đun, nội dung chi tiết các mô-đun và hướng dẫn thực hiện chương trình (Phụ lục 1 kèm theo).

Điều 3. Tổ chức thực hiện chương trình và điều kiện để cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp

1. Căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hàng năm, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức các khóa bồi dưỡng theo chương trình được quy định tại Thông tư này.

2. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cấp sau khi người học hoàn thành chương trình bồi dưỡng và được người đứng đầu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ban hành quyết định công nhận tốt nghiệp theo quy định.

Điều 4. Mẫu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp

1. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp có kích thước 210 cm x 297 cm, gồm 4 trang; trang 1 và trang 4 là bìa của chứng chỉ; trang 2 và 3 là ruột của chứng chỉ.

2. Phông chữ sử dụng trong mẫu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp là phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909: 2001, kiểu chữ Time New Roman (sau đây gọi tắt là kiểu chữ Time New Roman).

3. Bìa của chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp có màu đỏ, chữ in trên bìa màu vàng. Nội dung của trang 1 từ trên xuống dưới như sau: phía trên là dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, cách mép trên 10 mm, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 14; ở giữa gồm 2 dòng chữ: dòng trên là cụm từ “CHỨNG CHỈ” và dòng giữa là cụm từ “NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP” kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 16. Trang 4 không in chữ và hình.

4. Ruột của chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp có nền màu trắng, hình trống đồng in chìm chính giữa màu vàng nhạt, đường kính 210 mm; 2 dòng chữ ở trang 2 màu đỏ tươi: dòng trên là cụm từ “CHỨNG CHỈ”, dòng giữa là cụm từ “NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP” kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 14; dòng chữ “HIỆU TRƯỞNG/VIỆN TRƯỞNG” ở trang 3 màu đen, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 14; các chữ khác và dòng kẻ ở trang 2 và 3 có màu đen.

5. Nội dung cụ thể in trên trang bìa và các trang ruột của chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Mẫu bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp

Mẫu bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này; dòng chữ (BẢN SAO) màu vàng ở trang 1 và màu đen ở trang 2, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, cỡ chữ 16 ở trang 1 và 14 ở trang 2. Nội dung cụ thể thực hiện tại Phục lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. In phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp

1. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc in phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư này.

2. Căn cứ mẫu phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp quy định tại Điều 4 của Thông tư này, người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phê duyệt mẫu phôi chứng chỉ của đơn vị mình và gửi mẫu chứng chỉ về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở chính để báo cáo; chịu trách nhiệm về nội dung in trên chứng chỉ và tổ chức in phôi chứng chỉ.

3. Việc in phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp phải đảm bảo chặt chẽ, an toàn, bảo mật và phải được lập sổ quản lý.

Điều 7. Quản lý phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp

1. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải lập sổ cấp phôi chứng chỉ, trong đó ghi rõ số hiệu, số vào sổ cấp chứng chỉ. Việc cấp số hiệu, số vào sổ cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp được thực hiện theo quy định sau:

a) Nhận số hiệu ghi trên phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp theo từng năm. Số hiệu ghi trên chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp được lập liên tục từ số nhỏ đến số lớn theo số thứ tự đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp;

b) Số vào sổ cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp được lập liên tục theo số tự nhiên từ nhỏ đến lớn; đảm bảo phân biệt được số vào sổ cấp của từng loại chứng chỉ của nhà trường;    

c) Khi nhận số hiệu ghi trên phôi chứng chỉ, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có báo cáo số lượng chứng chỉ đã cấp theo số hiệu chứng chỉ đã được cấp kể từ lần cấp gần nhất đến thời điểm cấp lần này kèm theo Quyết định công nhận, danh sách học viên hoàn thành các khóa bồi dưỡng và dự kiến kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong thời gian tiếp theo gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

2. Đối với các phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp bị hư hỏng, in sai, viết sai, chất lượng không đảm bảo, chưa sử dụng do thay đổi mẫu thì cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải lập hội đồng xử lý và có biên bản hủy bỏ, ghi rõ số lượng, số hiệu và tình trạng chứng chỉ trước khi bị hủy bỏ. Biên bản hủy phải được lưu trữ trong hồ sơ theo dõi, quản lý và phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hủy bỏ phôi chứng chỉ để theo dõi, quản lý.

3. Trường hợp phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp bị mất, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải lập biên bản, thông báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đóng trụ sở chính để xử lý kịp thời.

Điều 8. Cấp chứng chỉ, bản sao chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp

1. Người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm:

a) Cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp cho những học viên tốt nghiệp khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp quy định tại Thông tư này không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khóa bồi dưỡng;

b) Lập sổ theo dõi việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp, cấp bản sao chứng chỉ;

c) Định kỳ hàng năm báo cáo số lượng chứng chỉ đã in, đã cấp kèm theo quyết định công nhận tốt nghiệp và danh sách học viên hoàn thành khóa bồi dưỡng về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

2. Khi cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp cho học viên, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện các công việc sau:

a) Dán ảnh của học viên được cấp (ảnh chụp theo kiểu làm chứng minh nhân dân, cỡ ảnh 3x4);

b) Đóng dấu lên ảnh (không quá 1/4 phía dưới, góc bên phải);

c) Ghi đầy đủ, chính xác, rõ ràng các nội dung trong chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp (tại trang 2 và trang 3) bằng loại mực màu đen, riêng họ và tên của học viên phải ghi bằng kiểu chữ in hoa.

3. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp chỉ cấp một lần. Trường hợp học viên đã nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp mà bị mất, nếu có yêu cầu thì được cấp bản sao.

Điều 9. Thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp

Người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ra quyết định và thực hiện việc thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp trong các trường hợp sau:

1. Người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp bị phát hiện có hành vi gian lận trong học tập, thi hoặc trong việc làm hồ sơ để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp;

2. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp do người không có thẩm quyền cấp;

3. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp bị tẩy xóa;

4. Người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp cho người khác sử dụng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của mình.

Điều 10. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

1. Xác nhận mẫu phôi chứng chỉ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; cấp số hiệu ghi trên phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp theo quy định.

2. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, in, cấp và quản lý phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp, tổng hợp việc cấp chứng chỉ trên phạm vi cả nước và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

1. Xây dựng và ban hành quy định về quy trình in, quản lý việc in, bảo quản, bảo mật, sử dụng phôi, quản lý việc cấp phát chứng chỉ; kiểm tra việc in, bảo quản, sử dụng phôi và cấp phát chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân và chế tài xử lý để xảy ra vi phạm để áp dụng thống nhất tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

2. Lập hồ sơ theo dõi việc in, sử dụng phôi, cấp, thu hồi, hủy bỏ phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp theo quy định.

3. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống cháy nổ để bảo quản phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

4. Phối hợp với các cơ sở in đảm bảo an toàn đối với việc in, quản lý phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

5. Quy định các ký hiệu nhận biết phôi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp riêng của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp để phục vụ việc bảo mật, nhận dạng và chống làm giả phôi chứng chỉ.

6. Đảm bảo một số hiệu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp được cấp chỉ ghi duy nhất trên một phôi chứng chỉ. Mỗi số vào sổ cấp chứng chỉ được ghi duy nhất trên một chứng chỉ cấp cho người học.

7. Thường xuyên chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra hoạt động in, quản lý, sử dụng phôi, cấp phát chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

8. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra vi phạm trong hoạt động in, quản lý phôi; cấp và thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp theo quy định.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm 2017. Các quy định trước đây về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, mẫu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, mẫu bản sao và quy định việc in, quản lý, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp trái với Thông tư này đều được bãi bỏ.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội có cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin