Tóm tắt
1. Thông tư này quy định về công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài; quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.
2. Thông tư này áp dụng đối với bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là văn bằng chứng chỉ) do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp cho người Việt Nam.
3. Thông tư này không áp dụng đối với các loại chứng chỉ, giấy chứng nhận kết quả học tập do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam sau khi hoàn thành một phần trong chương trình đào tạo hay kết thúc một khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng ngắn hạn.
Lần dự thảo:

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài; quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.

 

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài; quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.

2. Thông tư này áp dụng đối với bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là văn bằng chứng chỉ) do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp cho người Việt Nam.

3. Thông tư này không áp dụng đối với các loại chứng chỉ, giấy chứng nhận kết quả học tập do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam sau khi hoàn thành một phần trong chương trình đào tạo hay kết thúc một khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng ngắn hạn.

Điều 2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài quy định tại Thông tư này bao gồm:

1. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

 2. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.

Điều 3. Công nhận văn bằng chứng chỉ của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp

1. Văn bằng chứng chỉ của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Văn bằng chứng chỉ được cấp bởi cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định trong giấy phép;

b) Văn bằng chứng chỉ được cấp bởi cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng chứng chỉ hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng chứng chỉ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên;

c) Văn bằng chứng chỉ được cấp bởi các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục nghề nghiệp của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp văn bằng chứng chỉ.

2. Văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng chứng chỉ đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp công nhận và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

3. Văn bằng chứng chỉ thuộc trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này được công nhận theo những quy định của Hiệp định về tương đương văn bằng chứng chỉ hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng chứng chỉ hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng chứng chỉ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên. Người có văn bằng chứng chỉ thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng chứng chỉ theo quy định của Thông tư này.

Điều 4. Thẩm quyền công nhận văn bằng chứng chỉ

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công nhận các văn bằng chứng chỉ trong giáo dục nghề nghiệp.

 

Chương 2 TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN VĂN BẰNG CHỨNG CHỈ

Điều 5. Trình tự, thủ tục công nhận văn bằng chứng chỉ

1. Người có văn bằng chứng chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người có văn bằng chứng chỉ, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi hai (02) bộ hồ sơ quy định tại Điều 6 của Thông tư này tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 

2. Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này, nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ. Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, trên cơ sở quy định về tuyển sinh, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng chứng chỉ của nước cấp văn bằng chứng chỉ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét xử lý hồ sơ để công nhận văn bằng chứng chỉ phù hợp với một trong các loại văn bằng chứng chỉ của Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư này.

Trường hợp văn bằng chứng chỉ đề nghị công nhận không phù hợp với một trong các loại văn bằng chứng chỉ của Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng chứng chỉ, cung cấp thêm thông tin và công nhận giá trị thực tế của văn bằng chứng chỉ trong hệ thống giáo dục của nước cấp văn bằng chứng chỉ.

Trường hợp văn bằng chứng chỉ không đủ điều kiện để được công nhận, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng chứng chỉ nêu rõ lý do không công nhận.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng chứng chỉ

1. Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này;

b) Một (01) bản sao văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

c) Một (01) bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

2. Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, người có văn bằng chứng chỉ (đã học ở nước ngoài) cần gửi kèm theo hồ sơ minh chứng thời gian học ở nước ngoài, gồm một trong các tài liệu liên quan sau: xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài nơi đã học tập; bản sao hợp lệ hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh.

3. Trường hợp cần thiết phải thẩm định mức độ đáp ứng quy định về tuyển sinh chương trình đào tạo, người có văn bằng chứng chỉ cần gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan như: chứng chỉ ngoại ngữ, các văn bằng, chứng chỉ có liên quan.

4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.

Điều 7Văn bằng chứng chỉ sau khi được công nhận

1. Văn bằng chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng chứng chỉ để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong của Việt Nam.

2. Văn bản công nhận văn bằng chứng chỉ có giá trị pháp lý để người có văn bằng chứng chỉ sử dụng văn bằng chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 8. Phí công nhận văn bằng

 Người đề nghị công nhận văn bằng chứng chỉ phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.

 

Chương 3 KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại; việc tố cáo, giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc công nhận văn bằng chứng chỉ được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 10. Xử lý vi phạm

Cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Thông tư này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 4 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: tổ chức thực hiện công nhận văn bằng chứng chỉ của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp theo quy định tại Thông tư này.

Thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đã được cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp, liên kết đào tạo.

2. Vụ hợp tác quốc tế thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các Hiệp định về tương đương văn bằng chứng chỉ hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng chứng chỉ hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng chứng chỉ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ......... tháng......... năm 2017.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức Chính trị - Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin