Hết hạn lấy ý kiến
Quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp
Ngày hết hạn: 22/07/2017
Lĩnh vực văn bản: Giáo dục nghề nghiệp
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
1. Thông tư này quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.
2. Thông tư này áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng (sau đây gọi là trường).
Lần dự thảo:

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

2. Thông tư này áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng (sau đây gọi là trường).

Điều 2. Đào tạo liên thông

Đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp là biện pháp tổ chức đào tạo trong đó người học khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học.

Điều 3. Mục đích đào tạo liên thông

Tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục.

 

Chương II

ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC, HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG

Điều 4. Điều kiện tổ chức đào tạo liên thông

Các trường được tổ chức đào tạo liên thông khi đảm bảo đủ các điều kiện sau:

1. Có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng đối với những ngành, nghề đào tạo liên thông.

2. Có chỉ tiêu đào tạo liên thông nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Có hội đồng để xem xét và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và các khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông đối với từng người học.

4. Có chương trình đào tạo liên thông được xây dựng theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định đào tạo liên thông

1. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quyết định tổ chức đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng và cơ sở giáo dục đại học có đẳng ký đào tạo trình độ cao đẳng.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định tổ chức đào tạo liên thông đối với các trường trung cấp.

Điều 6. Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông

Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông gồm:

1. Văn bản đăng ký đào tạo liên thông.

2. Báo cáo các điều kiện bảo đảm chất lượng cho đào tạo liên thông.

3. Bản sao giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có tên những ngành, nghề đăng ký đào tạo liên thông.

4. Chương trình đào tạo liên thông.

Điều 7. Trình tự, thủ tục đăng ký đào tạo liên thông

1. Đối với các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng:

a) Gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

          b) Trong thời gian không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét quyết định giao nhiệm vụ đào tạo liên thông hoặc trả lời bằng văn bản về chưa giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường.

          2. Đối với các trường trung cấp:

          a) Gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của trường;

          b) Trong thời gian không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định giao nhiệm vụ đào tạo liên thông hoặc trả lời bằng văn bản về chưa giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường.

 

                                                   Chương III

TUYỂN SINH VÀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG

Điều 8. Tuyển sinh đào tạo liên thông

1. Đối tượng học liên thông

a) Liên thông trình độ trung cấp

- Người có chứng chỉ sơ cấp và có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên;

- Người đã tốt nghiệp trung cấp có nhu cầu học liên thông sang ngành, nghề khác để có bằng tốt nghiệp trung cấp thứ hai cùng nhóm ngành, nghề đào tạo;

- Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

b) Liên thông trình độ cao đẳng

- Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;

- Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và bằng tốt nghiệp trung học cơ sở thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Người đã tốt nghiệp cao đẳng có nhu cầu học liên thông sang ngành, nghề khác để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai cùng nhóm ngành, nghề đào tạo;

- Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề có nhu cầu học trình độ cao đẳng.

2. Thời gian, hình thức và triệu tập thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng và các quy định tại Thông tư này. 

3. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông đối với từng ngành, nghề ở từng cấp trình độ đào tạo nằm trong chỉ tiêu đào tạo đã được cấp phép trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của nhà trường.      

Điều 9. Thời gian đào tạo liên thông

1. Thời gian đào tạo liên thông được xác định trên cơ sở khối lượng kiến thức, kỹ năng quy định cho từng chương trình, trình độ và phương thức tổ chức đào tạo.

2. Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào chương trình đào tạo liên thông, quy định thời gian đào tạo và công bố công khai đối với các đối tượng tuyển sinh theo đề nghị của Hội đồng đào tạo liên thông. 

Điều 10. Chương trình và công nhận giá trị chuyển đổi

1. Chương trình đào tạo được thiết kế theo nguyên tắc linh hoạt, phát triển theo hướng kế thừa và tích hợp, để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích luỹ ở các trình độ khác.

2. Chương trình đào tạo phải phản ánh đúng mục tiêu đào tạo, yêu cầu học tập, nội dung, phương pháp dạy và học, thời gian đào tạo, kế hoạch thực hiện, phương pháp đánh giá theo trình độ và theo ngành, nghề đào tạo tương ứng.

3. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên việc so sánh giữa các chương trình đào tạo để đảm bảo đủ các kiến thức, kỹ năng mà người học liên thông còn thiếu và cập nhật kiến thức, kỹ năng ngành, nghề mới.

4. Việc công nhận kết quả học tập của người học và quyết định công nhận mô-đun, tín chỉ, môn học mà người học nghề không phải học lại phải căn cứ vào quy định về nội dung đào tạo, khối lượng kiến thức, kỹ năng, cấu trúc chương trình và thời gian đào tạo của chương trình đào tạo liên thông.

5. Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng căn cứ vào chương trình đào tạo quyết định mô-đun, tín chỉ, môn học hoặc nội dung mà người học không phải học lại.

Điều 11. Tổ chức đào tạo liên thông

Tổ chức đào tạo liên thông được thực hiện theo Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

 

Điều 12. Bằng tốt nghiệp và bảng điểm

1. Người học liên thông sau khi kết thúc chương trình, nếu đủ điều kiện theo quy định thì được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng phù hợp với trình độ đào tạo.

2. Bảng điểm của người học liên thông phải ghi đầy đủ kết quả học tập trong thời gian đào tạo liên thông.

 

Chương IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRƯỜNG TỔ CHỨC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG VÀ CỦA NGƯỜI HỌC LIÊN THÔNG

Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường tổ chức đào tạo liên thông

1. Tổ chức đào tạo liên thông theo các quy định tại Thông tư này.

2. Quyết định công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ khi học chương trình đối với từng người học trên cơ sở so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của ngành, nghề, trình độ đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá của chương trình sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

3. Công bố trên trang thông tin điện tử của trường thông tin: các quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo; các ngành, nghề đào tạo liên thông; chương trình đào tạo; kế hoạch đào tạo; phương pháp đánh giá; các điều kiện đảm bảo chất lượng; học phí.

4. Thực hiện các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo.

Điều 14. Nhiệm vụ và quyền của người học trong đào tạo liên thông

1. Nhiệm vụ của người học

a) Nộp hồ sơ cho trường theo quy định; xuất trình bản chính các văn bằng hoặc chứng chỉ đã được cấp để đối chiếu với bản sao;

b) Đóng học phí theo quy định; tuân thủ những quy định hiện hành về đào tạo liên thông quy định tại Thông tư này.

2. Quyền hạn của người học

 a) Được cung cấp đầy đủ thông tin về: điều kiện dự tuyển, hình thức dự tuyển; chương trình đào tạo; kết quả chuyển đổi kết quả học tập để miễn trừ khối lượng kiến thức, kỹ năng đã có; quy chế đào tạo; quy chế học sinh sinh viên; học phí; bằng tốt nghiệp;

b) Được trường bảo đảm các điều kiện đào tạo với chất lượng như đã thông báo tuyển sinh;

c) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chương V

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO  VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Chế độ báo cáo

1. Hiệu trưởng báo cáo bằng văn bản tình hình đào tạo liên thông của trường theo năm thực hiện tính đến ngày 31 tháng 12 hàng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi trường đặt trụ sở chính trước ngày 10 tháng 01 của năm tiếp theo. Báo cáo bao gồm ít nhất các nội dung sau:

a) Ngành, nghề tổ chức đào tạo liên thống; kết quả tuyển sinh, tổ chức đào tạo; kết quả tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp trong năm; tình hình khen thưởng, kỷ luật đối với người học; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế và đề xuất;

b) Kèm theo báo cáo bao gồm: bản sao quyết định phê duyệt kèm danh sách người học nhập học hoặc phân lớp và bản sao quyết định kèm theo danh sách, điểm tổng hợp kết quả học tập của người học được công nhận, không công nhận tốt nghiệp trong năm báo cáo.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo bằng văn bản tổng hợp tình hình đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp của các trường trên địa bàn theo năm thực hiện tính đến ngày 31 tháng 12 hàng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trước ngày 25 tháng 01 của năm tiếp theo.

3. Ngoài chế độ báo cáo được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, hiệu trưởng các trường, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các hoạt động đào tạo liên thông và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 16. Xử lý vi phạm

Việc xử lý các vi phạm trong tuyển sinh và đào tạo liên thông thực hiện theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng; Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 17. Chế độ lưu trữ

Việc lưu trữ hồ sơ đào tạo liên thông thực hiện theo các quy định hiện hành của Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ......... tháng......... năm 2017.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức Chính trị - Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Không có thông tin

  Vũ Trung Hiếu

 21/07/2017
Tham gia góp ý điểm b Điều 8
Hiện nay học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề mất 2 năm. Trong thời gian 2 năm học trung cấp sẽ học song song chương trình tích lũy thêm nội dung văn hóa THPT theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo thì học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên mất 3 năm như vây học sinh tốt nghiệp trung cấp sẽ phải học thêm tiếp một năm cho chương trình tích lũy kiến thức thì m...Xem tiếp
Không có thông tin