Hết hạn lấy ý kiến
Tóm tắt
Thông tư này hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế  

Căn cứ Bộ luật lao động  ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ  về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Chương I

 QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh    

Thông tư này hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (sau đây được viết là khu công nghiệp).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh);

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội);

3. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế (sau đây được viết là Ban quản lý khu công nghiệp);

4. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp.

Chương II

ỦY QUYỀN THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 3. Cơ quan ủy quyền, cơ quan được ủy quyền

1. Cơ quan ủy quyền: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cơ quan được ủy quyền: Ban quản lý khu công nghiệp.

Điều 4. Nguyên tắc ủy quyền

1. Đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

3. Ủy quyền một hoặc tất cả nội dung công việc do cơ quan uỷ quyền và cơ quan được uỷ quyền trao đổi, thống nhất và phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tổ chức bộ máy làm công tác lao động của Ban quản lý khu công nghiệp.

Điều 5. Hình thức, thời hạn ủy quyền

1. Ủy quyền phải được lập thành văn bản. Văn bản uỷ quyền được lập thành 03 (ba) bản theo mẫu Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, mỗi bên giữ 01 (một) bản, 01 (một) bản gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Vụ Pháp chế).

2.  Uỷ quyền phải xác định thời hạn và được ghi cụ thể trong văn bản uỷ quyền.  

Điều 6. Chấm dứt ủy quyền trước thời hạn

Cơ quan ủy quyền có quyền chấm dứt ủy quyền trước thời hạn khi xét thấy cơ quan được ủy quyền thực hiện không đúng nội dung đã được ủy quyền.

Việc chấm dứt ủy quyền trước thời hạn phải được thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do, gửi cho cơ quan được ủy quyền và các cơ quan có liên quan.

Điều 7. Nội dung ủy quyền

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện công việc sau:

1. Nhận báo cáo về việc cho thôi việc nhiều người lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Bộ luật Lao động.

2. Nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo quy định tại Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ  về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Chương III

PHÂN CẤP THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Điều 8. Nhiệm vụ của Ban quản lý khu công nghiệp trong quản lý nhà  nước về lao động trong khu công nghiệp

Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế:

1. Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 11, Điều 14, Điều 18, Điều 21 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây được viết là Nghị định số 152/2020/NĐ-CP).

2. Báo cáo tình hình thay đổi, sử dụng lao động trong khu công nghiệp thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia được thực hiện theo quy định tại  khoản 3 Điều 4 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây được viết là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP).

3.  Tiếp nhận báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài trong khu công nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP

4. Nhận thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề hằng năm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60  Bộ luật Lao động

5. Nhận thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP

Điều 9. Đầu mối, cách thức thực hiện

Ban quản lý khu công nghiệp hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nộp hồ sơ, thủ tục thực hiện các nội dung quy định tại Điều 8 về Ban quản lý khu công nghiệp để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 10. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức, triển khai nội dung phân cấp, uỷ quyền quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp theo quy định tại Thông tư này.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ban quản lý khu công nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp đã được phân cấp, uỷ quyền.

3. Tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện phân cấp, ủy quyền.

4. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo thực hiện việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh quản lý để gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Pháp chế) trước ngày 15 tháng 01 theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Trách nhiệm của Ban quản lý khu công nghiệp

1. Căn cứ vào Bộ luật lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động và văn bản ủy quyền, Ban quản lý khu công nghiệp trực tiếp thực hiện đúng và đầy đủ nội dung các công việc đã được phân cấp, ủy quyền, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp.

2. Chịu trách nhiệm trước cơ quan ủy quyền và pháp luật về việc thực hiện ủy quyền.

3. Thông báo các nội dung quản lý nhà nước về lao động đã được phân cấp, uỷ quyền tới tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động đối với những công việc đã được phân cấp, ủy quyền.

4. Định kỳ hằng năm, Ban quản lý khu công nghiệp báo cáo tình hình thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp đã được phân cấp, uỷ quyền gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 05 tháng 01 theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổng hợp, báo cáo về việc thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh quản lý:

1. Chủ trì, phối hợp Ban quản lý khu công nghiệp trong việc tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp và tổng hợp, báo cáo chung tình hình thực hiện quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện phân cấp, uỷ quyền quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày   tháng    năm 2023.

Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Pháp chế giúp Bộ trưởng kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện, đề xuất, kiến nghị xử lý vướng mắc liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng  theo các văn bản quy phạm pháp luật mới.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét, hướng dẫn./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin