Hết hạn lấy ý kiến
Hướng dẫn tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục
Ngày hết hạn: 06/09/2022
Lĩnh vực văn bản: Trẻ em
Loại văn bản: Thông tư
Tóm tắt
Ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục.
Lần dự thảo:

THÔNG TƯ

Hướng dẫn tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục

 

Căn cứ Luật trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trẻ em,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn điều kiện tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục (sau đây viết tắt là hoạt động có sự tham gia của trẻ em) và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn nghiệp vụ (sau đây viết tắt là cơ quan, tổ chức) tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em; trẻ em tham gia hoạt động và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động có sự tham gia của trẻ em là hoạt động được tổ chức dành cho trẻ em nhằm tăng cường chức năng xã hội của trẻ em, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm thực tế phù hợp với độ tuổi của trẻ em do các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tổ chức hoạt động hoặc phối hợp tổ chức hoạt động; không bao gồm các hoạt động có sự tham gia của trẻ em được quy định tại Thông tư số 29/2019/TT- LĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức diễn đàn trẻ em, Thông tư số 36/2018/TT- LĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em và các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao.

2. Ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục là không có sự chăm sóc, quản lý trực tiếp của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em và không có sự chăm sóc, quản lý trực tiếp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

Các hoạt động có sự tham gia của trẻ em phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc sau đây:

1. Phù hợp với đặc điểm độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, mức độ khuyết tật, hoàn cảnh sống, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.

2. Bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với mọi trẻ em.

3. Không vì mục tiêu lợi nhuận.

4. Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

5. Tôn trọng và thực hiện tốt các quyền của trẻ em có liên quan đến hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

Điều 4. Điều kiện đối với trẻ em tham gia hoạt động

1. Trẻ em tự nguyện tham gia.

2.  Trẻ em có sức khỏe tham gia.

3. Cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp đồng ý bằng văn bản.

Điều 5. Điều kiện đối với cơ quan, tổ chức tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em

Cơ quan, tổ chức phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Cơ sở pháp lý

a) Có tư cách pháp nhân và chức năng, nhiệm vụ phù hợp với hoạt động có sự tham gia của trẻ em;

b) Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, tổ chức hoạt động phải được sự đồng ý của cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chủ quản;

c) Đối với cơ sở tôn giáo phải có sự đồng ý của cơ quan tôn giáo cấp huyện và chính quyền cấp xã nơi cơ sở tôn giáo đóng trên địa bàn;

d) Đối với doanh nghiệp, cá nhân phải được sự đồng ý của chính quyền cấp xã nơi doanh nghiệp, cá nhân tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

2. Nhân lực

Căn cứ thời gian, nội dung chương trình và quy mô hoạt động có sự tham gia của trẻ em để bố trí đủ nhân lực phù hợp, bao gồm: hướng dẫn viên, điều phối viên, tình nguyện viên, người phụ trách trẻ em, giảng viên.

Nhân lực làm việc với trẻ em phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt;

b) Hiểu biết về quyền trẻ em;

c) Có kỹ năng quan sát, lắng nghe, phản hồi, giao tiếp;

d) Có cam kết bảo vệ trẻ em;

đ) Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em.

Đối với tổ chức, cá nhân là người nước ngoài phải có người đại diện là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Đối với nhân lực trực tiếp hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em phải bảo đảm các quy định từ điểm a đến hết điểm đ khoản 2 Thông tư này và phải có chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em, nội dung, chương trình của hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

3. Cơ sở vật chất

a) Địa điểm phải bảo đảm an toàn, thân thiện, phù hợp với trẻ em;

b) Trang thiết bị phải đầy đủ, phù hợp với nội dung, chương trình, hoạt động;

c) Bảo đảm điều kiện ăn, nghỉ, vệ sinh phù hợp:

- Thực đơn bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm;

- Phòng nghỉ, khu vực vệ sinh cá nhân phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính;

d) Bảo đảm phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh;

đ) Bảo đảm y tế, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong quá trình tổ chức hoạt động và điều kiện sơ cứu, vận chuyển cấp cứu.

4. Tài chính

a) Đóng góp hoặc tự nguyện đóng góp của gia đình trẻ em;

b) Nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật;

c) Nguồn lực của cơ quan, tổ chức tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em;

d) Việc sử dụng nguồn lực tài chính phải đúng mục đích, bảo đảm công khai, minh bạch và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, phạm vi hoạt động.

Điều 6. Thời gian và khung chương trình, nội dung hoạt động có sự tham gia của trẻ em

1. Thời gian tổ chức một lần không quá 15 ngày (bao gồm cả thứ bẩy và chủ nhật).

2. Thời gian hoạt động trong một ngày không quá 6 giờ.

3. Chương trình, nội dung hoạt động phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và quá trình phát triển của trẻ em; không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và dành ít nhất 20% thời lượng tổ chức hoạt động bổ trợ, vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

4. Đối với khóa học Học kỳ quân đội, học kỳ cảnh sát, lính cứu hỏa, học kỳ nhân ái:

a) Nội dung học tập về chuyên môn ít nhất phải đảm bảo 50% thời lượng của Chương trình;

b) Nội dung học tập kỹ năng chiếm khoảng 30% thời lượng của Chương trình;

c) Nội dung hoạt động bổ trợ, vui chơi giải trí chiếm khoảng 20% thời lượng của Chương trình.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm của trẻ em tham gia khóa học để điều chỉnh bổ sung nội dung chương trình cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm tối thiểu 75% các nội dung trong chương trình khung nêu trên.

5. Đối với khóa tập tu tại các cơ sở tôn giáo:

a) Nội dung học tập về chuyên môn ít nhất phải bảo đảm 50% thời lượng của Chương trình;

b) Nội dung học tập bổ trợ và vui chơi giải trí chiếm 50 % thời lượng của Chương trình.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm của trẻ em tham gia khóa học để  điều chỉnh bổ sung nội dung chương trình cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm tối thiểu 75% các nội dung trong chương trình khung nêu trên.

Điều 7. Yêu cầu về chương trình, nội dung hoạt động có sự tham gia của trẻ em

1. Chương trình, nội dung hoạt động có sự tham gia của trẻ em phải phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, sức khỏe, năng lực, mức độ trưởng thành của trẻ em và bảo đảm an toàn, thân thiện, lành mạnh, phù hợp với trẻ em.

2. Chương trình, nội dung phải được thẩm định bởi cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

3. Thành lập Hội đồng thẩm định có ít nhất 5 thành viên, bao gồm:

a) Đại diện cơ quan có thẩm quyền là Chủ tịch Hội đồng;

b) Các thành viên Hội đồng:

01 cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về công tác trẻ em cấp huyện;

01 cán bộ cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em;

Căn cứ chương trình, nội dung hoạt động có sự tham gia của trẻ em, mời chuyên gia tham gia thành viên Hội đồng thẩm định.

Chương trình, nội dung phải được ít nhất 50% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý, trong đó phải có sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng và thành viên là cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về công tác trẻ em cấp huyện

Điều 8. Số lượng trẻ em tham gia hoạt động

1. Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất lựa chọn quy mô tổ chức cho phù hợp và phải chia nhóm, tổ, đội.

 2. Mỗi nhóm, tổ, đội không quá 60 em.

Điều 9. Chuẩn bị tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em

1. Xây dựng kế hoạch chi tiết bao gồm các nội dung sau đây:

a) Mục đích, yêu cầu;

b) Thời gian, thời lượng, địa điểm;

c) Đối tượng, số lượng trẻ em tham gia;

d) Nội dung, chương trình;

đ) Hình thức tổ chức;

e) Kinh phí;

g) Phân công thực hiện.

2. Thông báo, thông tin công khai về hoạt động có sự tham gia của trẻ em  đến cha mẹ, người giám hộ hợp pháp, trẻ em tham gia hoạt động và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Thường xuyên hoặc đột xuất kiểm tra, thanh tra việc tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

3. Đình chỉ, chấm dứt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ, chấm dứt tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em nếu vi phạm pháp luật hoặc không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em

1. Căn cứ khả năng, điều kiện thực tế để tổ chức hoạt động theo quy định tại Thông tư này.

2. Báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về việc đồng ý tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em

1. Giám sát các hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

2. Thẩm định chương trình, nội dung các hoạt động có sự tham gia của trẻ em.

3. Đình chỉ, chấm dứt tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em nếu vi phạm pháp luật hoặc không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Phân công cán bộ tham gia Hội đồng thẩm định.

3. Theo dõi, quản lý hoạt động có sự tham gia của trẻ em được tổ chức trên địa bàn.

4. Tổng hợp báo cáo hoạt động có sự tham gia của trẻ em trong nội dung báo cáo công tác trẻ em hằng năm.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày      tháng      năm 2022.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh, gửi ý kiến về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

 

Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin
Không có thông tin